Đề xuất miễn trách nhiệm dân sự và hình sự vì nghiên cứu khoa học 'rất rủi ro'
Ngoài miễn trách nhiệm dân sự, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An còn đề nghị miễn trách nhiệm hình sự với cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học nếu đáp ứng được các tiêu chí khách quan về quy trình thủ tục.
Mở rộng cơ chế miễn trách nhiệm
Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 17/2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
![]() |
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại phiên họp ngày 17/2. Ảnh: Như Ý |
Nêu ý kiến, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đồng tình với quy định "không truy cứu trách nhiệm và được miễn trừ rủi ro" nếu kết quả nghiên cứu không đạt được khi đã thực hiện đúng quy trình, quy định.
Ngoài ra, ông Cường cũng đồng tình với chủ trương tháo gỡ nhiều nút thắt trong nghiên cứu khoa học hiện nay như: tăng mức hỗ trợ ngân sách, các chính sách giảm thiểu rủi ro trong nghiên cứu khoa học.
“Trong nghiên cứu, chưa thể biết có kết quả hay không, giống như người khai thác dầu khí, có khi 10 mũi mới được 1 mũi khoan có dầu… Do vậy, tôi cho rằng đây là lối thoát, lối mở để các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu”, ông Cường nói.
Đồng tình với quy định tại điều 6 của dự thảo Nghị quyết, tuy nhiên, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) băn khoăn, vì ở đây mới chỉ quy định miễn trách nhiệm khi xảy ra thiệt hại với nhà nước.
“Chúng tôi đề xuất cần phải miễn trách nhiệm dân sự đối với cả tổ chức, cá nhân khi làm thiệt hại cho cả nhà nước và tổ chức, cá nhân khác. Trong hợp đồng thương mại khi gây thiệt hại chúng ta cũng phải miễn trách nhiệm”, ông An nêu.
Về miễn trách nhiệm hình sự, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho hay, Bộ Luật Hình sự có nêu việc này và giao trách nhiệm cho tòa án. Theo ông, khi làm Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đã có đề xuất nội dung này nhưng tòa án chưa đồng ý.
![]() |
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai). Ảnh: Như Ý |
"Tôi đề nghị cần có cơ chế miễn trách nhiệm hình sự với cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học nếu đáp ứng được các tiêu chí khách quan về quy trình thủ tục. Nếu không được miễn trừ trách nhiệm, người nghiên cứu khoa học sẽ rất rủi ro. Cùng với miễn trách nhiệm dân sự cần miễn trách nhiệm hình sự. Đây là nghị quyết thí điểm nên cần đặt vấn đề và quy định trong các luật tiếp theo", ông An nói.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Duy Minh (đoàn Đà Nẵng) băn khoăn, hiện nay trong dự thảo mới đề cập đến việc miễn trừ trách nhiệm trong việc xây dựng và ban hành chính sách, mà chưa có quy định miễn trừ cho người tổ chức thực hiện chính sách.
Từ đó, ông Minh đề nghị bổ sung cơ chế “miễn trừ trách nhiệm” của các tập thể, cá nhân quyết định việc đầu tư, quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng phục vụ cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đối số khi xảy ra thất thoát, lãng phí mà "không có nguyên nhân từ tham nhũng, tiêu cực".
Tuy vậy, tại phiên họp, cũng có ý kiến cho rằng, không nên quy định riêng về miễn trừ trách nhiệm với lĩnh vực này, bởi trong nhiều lĩnh vực khác, họ cũng lao động, cống hiến và cũng có nhiều rủi ro tương tự.
Đề nghị dành tối thiểu 20% ngân sách mua sắm công đặt hàng sản phẩm
Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội), hiện nay, nhiều doanh nghiệp, trường đại học cũng như viện nghiên cứu đã sẵn sàng đổi mới và hành động. Do vậy, bà đề xuất các bộ, ngành, địa phương phải dành tối thiểu 20% ngân sách mua sắm công để đặt hàng sản phẩm khoa học công nghệ trong nước.
Đồng thời, hàng năm bộ, ngành, địa phương phải ban hành “danh mục đặt hàng sản phẩm khoa học công nghệ” để các tổ chức, đơn vị nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, thậm chí cả các cá nhân có thể đăng ký tham gia, được hỗ trợ đầu ra sau khi nghiên cứu thành công.
![]() |
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội). Ảnh: Như Ý |
“Cần xác định được tỷ lệ phân chia lợi nhuận giữa các nhà khoa học, tổ chức khoa học công nghệ với các doanh nghiệp khi thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ, để thúc đẩy thật nhanh và tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp và nhà khoa học tự tin trong việc thương mại hóa sản phẩm”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà.
Ngoài ra, bà Trần Thị Nhị Hà cũng đề nghị bổ sung cơ chế rút ngắn thủ tục thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ. Bà Hà ví dụ, một sản phẩm phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ y tế có thể bị yêu cầu vừa đăng ký tại Bộ Y tế và Bộ TT&TT.
"Do vậy, cần có quy định một quy trình chung cho các sản phẩm, tránh chồng chéo giữa các bộ, ngành", bà Hà đề nghị.
Đề cập đến chính sách thu hút, phát triển nguồn nhân sự chất lượng cao, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) cho rằng, đây là vấn đề rất cấp bách vì để phát triển những ngành khoa học và công nghệ mới thì nhân sự luôn là vấn đề cơ bản nhất. Ông Hiếu viện dẫn nhận định của một chuyên gia quốc tế, nói: Quốc gia nào xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao có số lượng càng lớn và càng sớm, sẽ càng có vị trí cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Hiếu, thực tế hiện nay, chúng ta đang có nhu cầu rất lớn đối với nguồn nhân lực chất lượng cao. Chẳng hạn, trong ngành công nghệ thông tin, theo một nghiên cứu thì riêng trong năm 2025, Việt Nam thiếu 150.000 - 200.000 nhân lực công nghệ thông tin, đặc biệt ở các lĩnh vực như AI, Big Data, lập trình viên và bảo mật an ninh mạng.
“Do vậy, chúng tôi đề xuất phải có chính sách tạo điều kiện để các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu có thể tuyển dụng đội ngũ chuyên gia người Việt ở nước ngoài cũng như chuyên gia quốc tế tham gia đào tạo, nuôi dưỡng nhân tài ở Việt Nam, thông qua các chính sách như hỗ trợ về thị thực, miễn giảm thuế và các chính sách khác”, ông Hiếu nói.
>>Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm trong nghiên cứu khoa học
Bộ Quốc phòng Anh: Nga đang rút tàu chiến khỏi Syria 
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định Washington 'không phản bội' Ukraine