Đề xuất người tham gia đấu giá đất phải chứng minh năng lực tài chính
Đại biểu Quốc hội đề xuất, người tham gia đấu giá đất phải chứng minh đủ tiền để mua nếu trúng đấu giá, bằng việc xác nhận tài khoản tiền gửi ngân hàng hoặc tài sản bảo đảm khác như nhà đất, và phải cam kết nếu cố tình bỏ cọc sẽ bị phong tỏa các tài sản trên để xử lý.
Sáng 28/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo của Đoàn giám sát liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.
Liên quan đến giá bất động sản  tăng cao, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho biết, trong thời gian qua giá nhà đất tại một số thành phố lớn tăng rất cao, nhất là Hà Nội và TPHCM, khiến thị trường bất động sản vừa phục hồi đã lại xuất hiện những dấu hiệu bất ổn.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn). Ảnh: Như Ý |
Đại biểu đang là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp viện dẫn câu chuyện đấu giá đất ở các huyện ven đô Hà Nội "nóng hơn bao giờ hết", với những cuộc đấu giá xuyên đêm, ghi nhận hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người "ăn chực nằm chờ" để đấu được suất đất với giá trúng cao kỷ lục.
Không chỉ các khu vực trung tâm mà sức nóng còn lan sang các quận, huyện vùng ven đô, nhất là sự tăng giá đột biến ở các chung cư (cả mới và cũ) tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với thời gian trước đây.
Đại biểu băn khoăn khi giá đất ở huyện ven đô nhưng lên đến hơn 100 triệu/m2, tương đương với đất dự án đã đầu tư hạ tầng. Trong khi đó, giá đất tại một số địa phương liên tục thiết lập các mặt bằng mới, giá đất này đang vượt xa so với thu nhập của người dân.
“Nhiều người dân chia sẻ, sau thời gian vất vả tìm mua nhà, nay phải gác lại vì giá tăng đột biến, nhất là chung cư", bà Thủy nêu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, thực tế có tình trạng những nhóm đối tượng đầu cơ, thổi giá, đẩy giá. Thủ đoạn của nhóm này là đẩy giá đất lên cao chót vót rồi sẵn sàng bỏ cọc để thiết lập mặt bằng giá mới để bán đất đã gom trước đó với giá siêu lợi nhuận.
Bên cạnh đó, theo đại biểu, thời gian qua, còn tồn tại tâm lý của một bộ phận người dân mua nhà đất để chờ tăng giá. Đặc biệt, mỗi khi vào đợt sốt đất, sốt nhà thì tâm lý này trong một bộ phận người dân càng tăng cao.
“Không ít người đứng ngồi không yên trước thông tin giá nhà đất tăng phi mã, vay để mua bằng được mảnh đất, để đó chờ tăng giá. Chính tâm lý này khiến giá nhà đất đã tăng cao, lại càng tăng mạnh”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu.
Nữ đại biểu đoàn Bắc Kạn cũng chỉ rõ tình trạng thiếu trầm trọng căn hộ với người thu nhập trung bình, nhưng lại thừa nguồn cung với căn hộ cao cấp. Chính việc lệch pha cung cầu này dẫn tới khan hiếm thị trường căn hộ bình dân, tiềm ẩn nguy cơ thao túng cao vì không có nhiều căn hộ bình dân để cạnh tranh.
Từ thực tế trên, đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách ưu đãi, đủ hấp dẫn để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà thương mại bình dân, phù hợp túi tiền của số đông người lao động; tháo gỡ vướng mắc dự án nhà ở hiện nay cũng giúp giảm giá bất động sản; đồng thời cần nghiên cứu, có những biện pháp mạnh để kiểm soát tình trạng đầu cơ nhà đất như trong thời gian vừa qua.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). Ảnh Như Ý |
Đấu giá phải chứng minh đủ tiền để mua?
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), để ngăn chặn tình trạng bỏ giá cao khi đấu giá, không thể tăng tiền đặt cọc vì nếu tăng sẽ hạn chế số người tham gia, mất đi tính cạnh tranh.
Do vậy, ông đề nghị phải đưa ra quy định: Người tham gia đấu giá phải chứng minh đủ tiền để mua nếu trúng đấu giá, bằng việc xác nhận tài khoản tiền gửi ngân hàng hoặc tài sản bảo đảm khác như nhà đất, và phải cam kết nếu cố tình bỏ cọc sẽ bị phong tỏa các tài sản trên để xử lý.
“Nếu có quy định như thế này thì những người có nhu cầu mua thật sẽ dễ dàng chứng minh được, đồng thời sẽ loại bỏ được những người không có nhu cầu sử dụng, tham gia đấu giá để mua đi bán lại, hoặc những người cố tình bỏ giá cao rồi bỏ cọc như vừa qua”, ông Cường đề nghị trong nghị quyết cần bổ sung ngay qui định này.
Ngoài ra, đại biểu đoàn Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ phải đưa hàng hóa bất động sản của các doanh nghiệp bán ra lần đầu trên thị trường thứ cấp, thuộc đối tượng phải kê khai giá.
“Có kê khai và kiểm tra giá như thế, Chính phủ mới nắm bắt được kịp thời nguồn gốc biến động giá để có các giải pháp điều chỉnh hữu hiệu”, ông Cường cho hay.
>> Giá bất động sản vượt 'túi tiền' người dân trong khi nhiều khu đô thị bỏ hoang