Đề xuất tăng hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng mức tối đa 75% như lương hưu?
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng lên 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất.
Trong Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại tháng cuối cùng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp.
Sau đó, người lao động cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Đại diện một doanh nghiệp ngành dệt may cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta hiện nay thấp so với các nước đang phát triển, nhưng chất lượng việc làm, thu nhập không cao.
Mức chi trả trợ cấp thất nghiệp hiện nay còn thấp, ngay như ngành dệt may nếu tỷ lệ hưởng 60% trợ cấp thất nghiệp sẽ rất thấp, có thể không đảm bảo được cuộc sống tối thiểu người lao động.
Bên cạnh đó, cùng với việc tăng mức hưởng cần làm rõ căn cứ khống chế thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp không quá 12 tháng.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động, thực tế hiện nay đa số các doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, trong khi mức lương tối thiểu vùng hiện nay còn thấp.
Sau điều chỉnh từ ngày 1/7/2024 theo Nghị định số 74 của Chính phủ, hiện lương tối thiểu vùng 1 tăng lên 4,96 triệu đồng/tháng, vùng 2 là 4,41 triệu đồng/tháng, vùng 3 là 3,86 triệu đồng/tháng, vùng 4 là 3,45 triệu đồng/tháng.
Căn cứ theo quy định trên, từ ngày 1/7/2024, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa như sau: Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định là 11,7 triệu đồng/tháng (với mức lương cơ sở hiện là 2,34 triệu đồng).
Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định là 24,8 triệu đồng/tháng (vùng 1), 22,05 triệu đồng/tháng (vùng 2), 19,3 triệu đồng/tháng (vùng 3), và 17,25 triệu đồng/tháng (vùng 4).
Vì vậy, Tổng liên đoàn lao động cho rằng mức trợ cấp thất nghiệp cần tăng lên ít nhất 75% là phù hợp, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người lao động có cuộc sống tối thiểu khi mất việc làm, thất nghiệp.
Tăng mức hưởng, phải tăng mức đóng
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, nếu kéo dài thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động phải đóng thêm tiền. Bởi vì hiện nay đang đóng bảo hiểm thất nghiệp ở mức tối thiểu nhưng lại hưởng tối đa, cần cân đối khả năng rủi ro của quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Nếu không khống chế thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp thì xảy ra hiện tượng là người lao động có thể hưởng chế độ và không tích cực đi tìm việc, tham gia thị trường lao động. Đây là điểm yếu và sẽ làm cho quỹ bảo hiểm thất nghiệp hoạt động không đúng mục tiêu.
Trường hợp người lao động hưởng số tháng trợ cấp thất nghiệp nhiều quá sẽ ảnh hưởng đến quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Nếu thực hiện kéo dài thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, mở rộng chế độ đào tạo và chế độ hưởng thì phải tăng mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, sẽ khiến cho người lao động, cũng như doanh nghiệp khó khăn.
Một chuyên gia lao động cho rằng, về lâu dài, Bộ LĐ-TB&XH nên tăng trợ cấp thất nghiệp lên 75% bằng mức hưởng tối đa của lương hưu. Việc tăng mức hưởng giúp người lao động đảm bảo được cuộc sống tối thiểu khi mất việc làm. Khi mức hưởng tăng, đảm bảo cuộc sống thì người thất nghiệp mới yên tâm học nghề để chuyển đổi công việc.
Thủ tướng bổ nhiệm và bổ nhiệm lại nhân sự Hội đồng quản lý BHXH 
Một quốc gia cung cấp miễn phí thuốc giảm cân cho người béo phì thất nghiệp