Đề xuất thử nghiệm sàn giao dịch tiền mã hóa: Bài toán quản lý sẽ được giải quyết thế nào?
Việt Nam đề xuất thử nghiệm sàn giao dịch tiền mã hóa tại trung tâm tài chính, dù pháp lý hiện vẫn chưa hoàn thiện, đặt ra nhiều cơ hội lẫn thách thức.
Đề xuất thử nghiệm sàn giao dịch tiền mã hóa tại trung tâm tài chính
Việt Nam đang có cơ hội lớn để trở thành một trung tâm tài chính công nghệ hàng đầu khu vực khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đề xuất thử nghiệm mô hình sàn giao dịch tiền mã hóa.
Theo đề xuất, mô hình thử nghiệm (sandbox) sẽ được triển khai tại các trung tâm tài chính lớn như TP.HCM và Đà Nẵng, dự kiến vận hành từ năm 2025. Các tổ chức được cấp phép có thể thử nghiệm dịch vụ liên quan đến tài sản và tiền mã hóa, đồng thời kiểm nghiệm những hình thức giao dịch mới.
Việc quản lý sẽ được thực hiện chặt chẽ bởi Ủy ban quản lý trung tâm tài chính, với các quy định nghiêm ngặt về phòng chống rửa tiền và bảo mật thông tin được quy định bởi Chính phủ.
Hình ảnh minh họa, nguồn: Internet |
Theo báo cáo của hãng Chainalysis, tính đến tháng 7/2023, tài sản mã hóa vào Việt Nam lên đến 120 tỷ USD, gấp khoảng 3-4 lần dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam và tăng 20% so với giai đoạn 2021-2022 (khoảng 100 tỷ USD).
Tuy nhiên, việc thiếu một khung pháp lý rõ ràng đang khiến thị trường gặp nhiều khó khăn, cả ở góc độ doanh nghiệp lẫn người dùng. Nhiều doanh nghiệp chọn Singapore hay Mỹ là nơi đăng ký hoạt động và sau đó về hoạt động tại Việt Nam gây thất thoát nguồn thu thuế. Người dùng cá nhân cũng đối mặt với rủi ro cao do thị trường thiếu minh bạch và các nền tảng giao dịch chưa được quản lý hiệu quả.
Nếu đề xuất được thông qua, Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút thêm đầu tư quốc tế, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp fintech trong nước. Đây cũng là bước đi quan trọng để tận dụng sự phổ biến của blockchain – công nghệ đứng sau các tài sản mã hóa.
Thách thức quản lý và vùng xám pháp lý
Dù tiền mã hóa đang ngày càng phổ biến, nhưng ở Việt Nam tiền mã hóa vẫn đang rơi vào "vùng xám" pháp lý. Theo Ngân hàng Nhà nước, tiền mã hóa không được chấp nhận làm phương tiện thanh toán hợp pháp, và chưa có quy định rõ ràng về quyền sở hữu hay giao dịch.
Điều này đặt ra rủi ro không nhỏ cho cả nhà đầu tư và cơ quan quản lý. Những vấn đề như gian lận, thao túng thị trường, và rửa tiền thông qua các nền tảng không giám sát đã xuất hiện tại nhiều quốc gia. Báo cáo từ Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho thấy, không ít nhà đầu tư bị lừa đảo khi gửi tiền vào các nền tảng không rõ nguồn gốc.
Theo TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý quản lý tài sản mã hóa, đồng thời tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như của Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính (FATF). Điều này không chỉ giúp đưa Việt Nam ra khỏi "Danh sách Xám" mà còn tạo cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển thị trường tiền mã hóa an toàn và minh bạch.
TS. Nguyễn Như Quỳnh (bên trái). Ảnh: Thời báo Tài chính Việt Nam |
Học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế
Nhiều quốc gia thuộc nhóm G20, ngoại trừ Trung Quốc, đã chính thức hợp pháp hóa và cấp phép hoạt động cho các sàn giao dịch một số tài sản mã hóa. Các tổ chức tài chính quốc tế như Hội đồng Ổn định Tài chính (FSB) và IOSCO cũng đã đưa ra những hướng dẫn để quản lý lĩnh vực này.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý đối với tài sản mã hóa và các dịch vụ liên quan trước tháng 5/2025. TS. Nguyễn Tấn Sơn từ Đại học RMIT nhận định rằng, quản lý tiền mã hóa cần có sự cân bằng giữa việc giảm thiểu rủi ro và thúc đẩy đổi mới. Một hệ thống pháp lý rõ ràng không chỉ bảo vệ nhà đầu tư mà còn khuyến khích sáng tạo, đưa Việt Nam trở thành trung tâm blockchain trong khu vực.
Việc xây dựng và thử nghiệm sàn giao dịch tiền mã hóa không chỉ là câu chuyện về công nghệ mà còn là bài toán về pháp lý, an toàn và niềm tin của thị trường. Nếu triển khai thành công, Việt Nam không chỉ tạo ra sân chơi cho các doanh nghiệp fintech trong nước mà còn thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số bền vững.
"Vấn đề không phải là nên hay không nên quản lý tiền mã hóa, mà là làm thế nào để quản lý hiệu quả", TS. Nguyễn Tấn Sơn nhấn mạnh. Với các chính sách phù hợp, tiền mã hóa có thể trở thành động lực phát triển, đưa Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành trung tâm blockchain hàng đầu khu vực.
>> Đề xuất thử nghiệm sàn giao dịch tiền số, tài sản số tại trung tâm tài chính