DeepSeek là 'Temu phiên bản AI’, cơn sốt giá rẻ sẽ đe dọa loạt ông lớn công nghệ?
Dù còn nhiều tranh cãi, DeepSeek vẫn đang mở ra một chương mới cho thị trường AI, giống như cách Temu từng làm trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Trên X cuối tuần qua, chuyên gia Dan Ives từ Wedbush Securities viết: "DeepSeek  chính là Temu của AI. Những gì đang diễn ra gợi nhớ đến cách Temu từng ‘phá vỡ mô hình Amazon’ vài năm trước, buộc Amazon phải điều chỉnh chiến lược. Và giờ hãy nhìn xem, Temu và Amazon đang ở đâu".
Theo Ives, thành công của DeepSeek có thể truyền cảm hứng cho các công ty công nghệ Trung Quốc khác, đồng thời ảnh hưởng đến TikTok trong bối cảnh Mỹ ngày càng siết chặt lập trường với nền tảng này.
Tương đồng giữa DeepSeek và Temu
Nhà phân tích Adam Spatacco của Motley Fool đồng tình với nhận định của Ives. Ông nhắc lại rằng khi Temu ra mắt tại Mỹ năm 2022, Phố Wall từng cảnh báo mô hình giá rẻ này có thể trở thành "mối đe dọa hiện hữu" đối với Amazon .
Dù không thể lật đổ gã khổng lồ thương mại điện tử, Temu vẫn buộc Amazon phải điều chỉnh, chuyển trọng tâm sang phát triển hệ sinh thái toàn diện hơn thay vì chỉ tập trung vào mua sắm trực tuyến.
Spatacco phân tích: "Amazon đã mở rộng dịch vụ sang giao hàng tạp hóa, phát trực tuyến và nhiều lĩnh vực khác thông qua mô hình Prime. Điều này giúp công ty khai thác thêm nhiều nguồn doanh thu và gia tăng lòng trung thành của khách hàng".
Ông cho rằng, sự xuất hiện của DeepSeek có thể tạo ra hiệu ứng tương tự trong lĩnh vực AI.
"Cũng như thương mại điện tử, AI là thị trường đầy tiềm năng với vô số ứng dụng trên cả phần cứng và phần mềm. Việc DeepSeek gia nhập cuộc chơi chứng minh một điều: Có chỗ cho nhiều hơn một mô hình ngôn ngữ lớn trong lĩnh vực AI", Spatacco nói.
DeepSeek có phải là mối đe dọa thực sự?
Dù vậy, Spatacco nhận định DeepSeek khó có thể vượt mặt những cái tên đang dẫn đầu ngành AI.
"Xét cho cùng, tôi không cho rằng DeepSeek sẽ trở thành mối đe dọa hiện hữu đối với ChatGPT, Nvidia hay bất kỳ công ty siêu quy mô nào khác. Tuy nhiên, nó có thể thúc đẩy sự phát triển của AI theo hướng hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn", ông nhận xét.
Temu, nền tảng thương mại điện tử thuộc PDD Holdings, đã làm chao đảo thị trường bằng mô hình kết nối trực tiếp người mua với nhà sản xuất và giúp giảm giá thành sản phẩm xuống mức thấp nhất.
Theo thống kê từ công ty tư vấn Momentum Works (Singapore), Temu hiện có mặt tại 82 quốc gia và vùng lãnh thổ, dù vẫn bị nhiều Chính phủ giám sát chặt chẽ.
DeepSeek cũng đang tạo nên cơn sốt tương tự trong AI, đặc biệt với mô hình V3/R1. Dù chi phí đào tạo được cho là chỉ khoảng 6 triệu USD – thấp hơn nhiều so với các đối thủ – một số chuyên gia bày tỏ hoài nghi về tính khả thi của con số này.
Dan Ives bình luận: “Việc nói DeepSeek được xây dựng với giá 6 triệu USD mà không có phần cứng tiên tiến Nvidia có thể là một câu chuyện hư cấu”. Ông suy đoán rằng chính tranh luận xung quanh vấn đề này đã dẫn đến một đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ gần đây.
Giám đốc AI của Meta, Yann LeCun, cũng cho rằng thị trường đã phản ứng thái quá với DeepSeek do có "hiểu lầm lớn". Ông nhấn mạnh, việc so sánh khoản đầu tư hàng tỷ USD của các công ty Mỹ vào AI với mức chi phí của DeepSeek là chưa hợp lý.
Công ty nghiên cứu SemiAnalysis ước tính tổng chi phí vốn máy chủ của DeepSeek thực tế có thể lên tới 1,6 tỷ USD - trong đó 944 triệu USD dành cho vận hành cụm máy chủ.
Để tối ưu chi phí, công ty Trung Quốc này được cho là đã áp dụng kỹ thuật "chưng cất", cho phép các mô hình nhỏ đạt hiệu suất cao hơn với chi phí thấp bằng cách dùng đầu ra từ những mô hình lớn.
Bất ngờ: DeepSeek tốn hơn 1 tỷ USD để phát triển AI chứ không phải 6 triệu USD như công bố? 
Từ DeepSeek đến Huawei, chiến lược 'sân nhỏ, hàng rào cao' của Mỹ đang phản tác dụng ra sao?