Đếm ngược ngày thông xe tuyến đường trọng điểm hơn 800 tỷ đồng của Hà Nội, kết nối nội thành 'gặp gỡ' sân bay Nội Bài trong 'tích tắc'
Khi các công trình xây dựng hoàn thiện thì đây hứa hẹn sẽ là một trong những con đường đẹp nhất của thủ đô.
Sau 4 năm thi công, dự án mở rộng đường đê Âu Cơ - Nghi Tàm (Hà Nội ) đang tiến đến giai đoạn hoàn thành và dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động cuối tháng 6.
Đây là công trình đê điều cấp đặc biệt, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 815 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2 chiếm 544 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của dự án đã được hoàn thành vào năm 2016, trong khi giai đoạn 2 bắt đầu từ tháng 6/2020. Mặc dù gặp nhiều vướng mắc nhưng đến nay dự án đã hoàn thành hơn 90% khối lượng thi công.
Được biết, theo thiết kế được phê duyệt tuyến đường  có mặt cắt ngang từ 26,5-31m, mặt đường chính rộng từ 16,5-21m (tương đương 4-6 làn xe). Hiện tại, đoạn đường từ nút giao Xuân Diệu, gần chợ hoa Quảng An, đến nút giao khách sạn Thắng Lợi đã hoàn tất việc trải nhựa mặt đường và lắp đặt lan can hai bên. Ngoài ra, các tuyến đường dân sinh hai bên, rộng khoảng 5m, cũng đã được thảm nhựa. Đoạn từ nút giao Lạc Long Quân đến cuối tuyến (42 đường An Dương Vương) đã cơ bản hoàn thành.
Các nhà thầu thi công đang huy động máy móc và nhân công để triển khai đồng loạt các hạng mục chính. Đồng thời, họ cũng đẩy nhanh tiến độ tổ chức thi công các hạng mục phụ trợ như cây xanh, hệ thống chiếu sáng và các công trình hạ tầng khác.
Người dân sống trong khu vực dự án chia sẻ rằng, những ngày gần đây, công trường luôn nhộn nhịp với hoạt động xây dựng liên tục. Họ cũng nhận thấy tình trạng bụi và ô nhiễm đã giảm đáng kể ở một số đoạn thuộc dự án sau khi mặt đường được thảm nhựa. Việc này không chỉ cải thiện chất lượng không khí mà còn mang lại cảm giác dễ chịu và an toàn hơn cho cư dân địa phương.
Hiện tại, một số đoạn trên tuyến đường này đã hoàn thành việc trải thảm nhựa và được gỡ rào chắn thông xe, nhằm giảm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Nhà thầu cũng đã hoàn tất việc thảm nhựa cho hai làn đường chính của tuyến Âu Cơ và chuyển sang giai đoạn thi công các phần đường mới.
Anh N.V.H lái xe ôm công nghệ chia sẻ: "Trước đây đường bị rào chắn nên nhiều anh em tài xế chúng tôi rất ngại khi phải đón khách ở cung đường Âu Cơ do phải quay đầu nhiều lần mới tới điểm đón. Tuy nhiên, thời gian gần đây các rào chắn được gỡ bớt đã thuận tiện hơn trong việc lưu thông. Hi vọng rằng dự án sẽ kịp tiến độ thông xe cuối tháng 6 này", anh H nói.
Theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại Thông báo số 498/TB ngày 30/10/2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội đang đôn đốc các nhà thầu phấn đấu thông xe kỹ thuật trước ngày 30/6/2024, hoàn thành toàn bộ dự án vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô.
Được biết, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đã phát đi thông báo phân luồng tổ chức giao thông phục vụ thi công tuyến đường Âu Cơ (đoạn từ Xuân Diệu đến Lạc Long Quân) Theo phương án phân luồng tổ chức giao thông, các phương tiện bị cấm di chuyển từ ngõ 399 Âu Cơ đi cửa khẩu UBND phường Nhật Tân và ngược lại.
Các phương tiện có nhu cầu lưu thông theo hướng này sẽ rẽ phải, đi theo hai làn đường mở rộng hiện trạng và đường dân sinh (rộng 5m) hai bên đường Âu Cơ, sau đó quay đầu tại nút giao chợ hoa Quảng An (Xuân Diệu) hoặc nút giao An Dương Vương - Lạc Long Quân. Thời gian phân luồng giao thông đến hết ngày 30/6/2024. Phương án này được thực hiện nhằm đảm bảo an toàn giao thông và giảm ùn tắc trong quá trình thi công các hạng mục của dự án.
Dự án mở rộng đường đê Âu Cơ - Nghi Tàm là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông của thủ đô Hà Nội. Nó không chỉ góp phần đáng kể vào việc giải tỏa ùn tắc giao thông mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối trung tâm Hà Nội với sân bay quốc tế Nội Bài , một trong những cửa ngõ quan trọng của Việt Nam.
Ảnh: Thanh Thanh
>> Hoàn tất 7 phần việc để vận hành đoạn tuyến đường sắt Nhổn - Cầu Giấy 
Hà Nội sắp có tuyến đường ‘sát sườn’ Bệnh viện Nhi và Bệnh viện Thận 
Hé lộ vị trí tuyến đường chiến lược 23km xuyên rừng kết nối hai tỉnh miền núi phía Bắc