Đến năm 2030, vịnh biển đẹp nhất thế giới của Việt Nam sẽ 'xóa sổ' toàn bộ tàu vỏ gỗ
Năm 2030, những tàu mới thay thế phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và chất lượng dịch vụ.
(TyGiaMoi.com) - Đến năm 2030, 100% tàu vỏ gỗ trên vịnh Hạ Long sẽ được thay thế
Theo thông tin từ Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Quảng Ninh, hiện có 508 tàu du lịch  và 20 du thuyền hoạt động trên vịnh Hạ Long , chia thành các khu vực và tuyến riêng biệt. Tuy nhiên, trong số này vẫn còn 118 tàu vỏ gỗ, loại tàu tồn tại nhiều hạn chế về độ bền và an toàn. Thực tế đã chỉ ra rằng, trong trận bão Yagi, 26 trên 28 tàu bị đánh đắm đều là tàu vỏ gỗ  đã hoạt động lâu năm và gần hết niên hạn sử dụng.
Chia sẻ với báo Giao Thông, ông Trần Văn Hồng, Chi hội Tàu du lịch Hạ Long cho biết, theo Nghị định 111/2014/NĐ-CP của Chính phủ, tàu vỏ gỗ có niên hạn tối đa 25 năm. Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định rút ngắn niên hạn này xuống còn 15 năm, có nghĩa là các tàu vỏ gỗ đóng mới từ năm 2013 sẽ hết hạn vào năm 2030.
Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu thay thế toàn bộ tàu vỏ gỗ bằng tàu vỏ thép hoặc vật liệu tương đương trước năm 2030. Những tàu mới không chỉ có trọng tải lớn hơn, từ 200 khách trở lên, mà còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và chất lượng dịch vụ.
Theo kế hoạch, việc thay thế sẽ được thực hiện theo quy mô cụ thể. Đối với tàu tham quan, việc đóng mới sẽ đạt tiêu chuẩn tàu nhà hàng với trọng tải tối đa thêm 100 khách so với tàu cũ. Trong trường hợp thay thế nhiều tàu nhỏ bằng một tàu lớn, tổng trọng tải không được vượt quá tổng trọng tải của các tàu cũ cộng thêm tối đa 100 khách. Với tàu lưu trú, việc thay thế sẽ tập trung vào việc nâng cấp số phòng, một tàu mới có thể có thêm tối đa 10 phòng so với tàu cũ.
Ông Bùi Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh, nhấn mạnh rằng đội tàu mới phải hài hòa với cảnh quan vịnh Hạ Long, đồng thời không làm tăng tổng công suất và sức tải của vịnh, đảm bảo tuân thủ các khuyến cáo của UNESCO về việc giảm số lượng tàu, góp phần bảo vệ hệ sinh thái.
Chi hội Tàu du lịch Hạ Long hoàn toàn ủng hộ việc thay thế tàu vỏ gỗ bằng tàu hiện đại, đáp ứng xu hướng phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, các doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ thêm hướng dẫn cụ thể từ Sở GTVT để tránh xung đột nguồn khách giữa các loại hình tàu và đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ.
(TyGiaMoi.com) - Đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường thủy nội địa
Sự phát triển của đội tàu du lịch với trọng tải lớn hơn tại vịnh Hạ Long đã đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc nâng cấp và mở rộng hạ tầng giao thông đường thủy. Hiện nay, vào những khung giờ cao điểm, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng, bến và các điểm tham quan như hang Sửng Sốt, Ti Tốp, hang Luồn,... gây khó khăn cho việc đón trả khách.
Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ với quy hoạch tàu du lịch. Kế hoạch bao gồm việc kiểm soát số lượng tàu du lịch để phù hợp với sức tải và kết cấu hạ tầng hiện có. Hiện tại, tổng số tàu du lịch được phép hoạt động trên vịnh Hạ Long không vượt quá 508 tàu (không bao gồm du thuyền khám phá).
Trong giai đoạn đến năm 2025, tỉnh dự kiến duy trì 10 tàu nhà hàng, bổ sung thí điểm 20 du thuyền khám phá và giữ nguyên tối đa 178 tàu lưu trú, phù hợp với khả năng tiếp nhận của các điểm lưu trú hiện có.
Từ năm 2026 đến 2030, tỉnh sẽ rà soát và công bố số lượng tàu du lịch phù hợp với sức tải du lịch, kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy và khả năng tiếp nhận của các cảng, bến khách.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, tỉnh Quảng Ninh đang triển khai hàng loạt giải pháp đầu tư vào hạ tầng giao thông đường thủy. Trong giai đoạn đến năm 2025, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện khảo sát và lắp đặt các báo hiệu cảnh báo tại những khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, đồng thời nạo vét luồng lạch và vùng nước để tạo điều kiện thuận lợi cho tàu di chuyển. Các cảng và bến hiện có sẽ được mở rộng.
Giai đoạn 2026-2030 sẽ tập trung hoàn thiện toàn diện hệ thống giao thông đường thủy nội địa, nâng cấp các khu neo đậu và bến cảng, cải thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ để đảm bảo sự phát triển bền vững của du lịch vịnh Hạ Long.
Theo định hướng phát triển đội tàu du lịch, Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thiện 100% phương tiện đóng mới hoặc thay thế bằng vỏ thép hoặc vật liệu tương đương, đảm bảo an toàn và bền vững. Tỉnh khuyến khích đóng mới các tàu du lịch có trọng tải từ 200 khách trở lên, với tàu lưu trú được thiết kế đáy đôi, nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường, đồng thời đáp ứng các yêu cầu dịch vụ cao cấp.
Quảng Ninh cũng định hướng mở rộng diện tích và nâng cấp tiện nghi cho các tàu đóng mới, đảm bảo tối thiểu 1,4m² không gian phục vụ cho mỗi khách. Các tàu sẽ được trang bị khu vực dịch vụ như quầy bar, sảnh ngắm cảnh,... các thiết bị hiện đại đạt tiêu chuẩn 5 sao trở lên, phục vụ cho cả tàu lưu trú lẫn tàu nhà hàng.
Vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh, nổi bật với làn nước xanh ngọc bích và hàng nghìn đảo đá vôi độc đáo. Nơi đây đã hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào các năm 1994 và 2000. Đặc biệt, ngày 16/9/2023, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà trở thành Di sản thiên nhiên thế giới liên tỉnh - thành phố đầu tiên tại Việt Nam.
Vịnh Hạ Long thường xuyên được vinh danh trên các tạp chí du lịch quốc tế và nhận nhiều giải thưởng danh giá, trở thành điểm đến yêu thích của du khách quốc tế. Tháng 5 vừa qua, Tạp chí Travel + Leisure đã xếp vịnh Hạ Long vào danh sách 55 điểm đến đẹp nhất thế giới, một lần nữa khẳng định vị thế của di sản này trên bản đồ du lịch toàn cầu.