Đến năm 2035, hai đô thị đặc biệt nhất Việt Nam dự kiến xây dựng 580km đường sắt đô thị
Hai đô thị này phấn đấu đến năm 2035, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng bằng đường sắt đô thị đạt 30-35% và sẽ tăng lên 55-70% sau thời điểm đó.
Chiều 24/9, tại phiên họp với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy thông báo rằng dự kiến đến năm 2045, Hà Nội và TP.HCM sẽ hoàn thành thêm 369km đường sắt đô thị , và đến năm 2060, thêm 158km.
Hai đô thị này phấn đấu đến năm 2035, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng bằng đường sắt đô thị đạt 30-35% và sẽ tăng lên 55-70% sau thời điểm đó. Mạng lưới đường sắt đô thị tại hai thành phố sẽ có khổ đường 1.435m, đường đôi, với tốc độ thiết kế từ 80-160km/h và sử dụng đoàn tàu tự động.
Lãnh đạo hai thành phố cho biết các tuyến đường sắt đô thị đã được nghiên cứu, quy hoạch không gian ngầm, quỹ đất và kết nối với tuyến đường sắt quốc gia cũng như các đầu mối giao thông lớn... Khi đề án được phê duyệt sẽ tiếp tục xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và kế hoạch chi tiết theo lộ trình. Đặc biệt, sẽ đề xuất một số cơ chế và chính sách đặc thù cho dự án.
Dự kiến, nguồn vốn cho hệ thống đường sắt đô thị sẽ đến từ ngân sách địa phương, vốn vay, ngân sách Trung ương hỗ trợ, cùng các nguồn vốn hợp pháp khác. Địa phương cũng sẽ chủ động kêu gọi nhà đầu tư tư nhân.
Phó Thủ tướng yêu cầu đề án đường sắt đô thị cần giải đáp được các yêu cầu như những dự án, công trình cần thực hiện ngay; công tác nghiên cứu, quy hoạch và thiết kế hạ tầng đường sắt cho đô thị; sự thống nhất với mạng lưới đường sắt tốc độ cao quốc gia; lựa chọn công nghệ xây dựng công trình ngầm, đầu máy, toa xe, quản lý, vận hành và đào tạo nhân lực; khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư...
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo hai địa phương phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, tiếp thu ý kiến từ các bộ, ban, ngành liên quan để hoàn thiện đề án, sau đó báo cáo Bộ Chính trị. TP.HCM cần bổ sung quy hoạch không gian ngầm cho đường sắt đô thị.
Ngoài ra, cần đề xuất cụ thể hơn về nhóm cơ chế chính sách chung để phát triển đường sắt đô thị, cơ chế huy động và phân bổ nguồn vốn, cũng như mức độ an toàn khi huy động nguồn vốn.
Hiện nay, Hà Nội đã có hai tuyến đường sắt đô thị đi vào vận hành: tuyến Cát Linh - Hà Đông dài 13 km và đoạn trên cao Nhổn - ga Hà Nội dài 8,5km. Theo quy hoạch, đến năm 2030, với tầm nhìn đến 2050, hệ thống đường sắt đô thị sẽ có 10 tuyến với tổng chiều dài trên 410km. Ngoài ra, thành phố cũng đang điều chỉnh quy hoạch chung, bổ sung thêm 5 tuyến đường sắt dài 200km. Như vậy, đến năm 2045 và tầm nhìn đến 2065, Hà Nội sẽ có 15 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 617km với tổng vốn đầu tư dự kiến là 55 tỷ USD.
Trong khi đó, TP.HCM dự kiến khai thác thương mại tuyến metro đầu tiên Bến Thành - Suối Tiên dài gần 20 km vào cuối năm nay. Theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị  về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam, đến năm 2030, TP.HCM sẽ hoàn thành 31km đường sắt đô thị. Đến năm 2035, thành phố sẽ có khoảng 183km đường sắt đô thị, với tổng mức đầu tư cho metro trong 10 năm tới khoảng 36 tỷ USD. Đến năm 2045, TP.HCM sẽ có hơn 168km và vào năm 2060, hệ thống metro của thành phố sẽ được hoàn thiện với tổng chiều dài hơn 510km.
Ngoài ra, theo Quy hoạch hệ thống nông thôn và đô thị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Thủ đô Hà Nội và TP.HCM dự kiến đến năm 2030 sẽ là đô thị loại đặc biệt  của Việt Nam.
Báo cáo Bộ Chính trị 2 đề án phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM 
Đề xuất phê duyệt dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai