Đến thời điểm này, hầu hết các nhóm cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đều đang giao dịch thấp hơn từ 20% thậm chí trên 50% so với vùng giá đỉnh cách đó chừng nửa năm.
Hầu hết cổ phiếu các ngành đều bị tác động điều chỉnh mạnh trong thời gian vừa qua sau những thông tin bắt bớ lãnh đạo doanh nghiệp, xung đột Nga - Ukraine, báo cáo lạm phát Mỹ hay hoạt động tăng lãi suất của nhiều ngân hàng lớn trên thế giới. Hầu hết các nhóm cổ phiếu đều đang giao dịch thấp hơn từ 20% thậm chí trên 50% so với vùng giá đỉnh cách đó chừng nửa năm.
Tuy nhiên, xét về cơ hội, nhiều ý kiến thậm chí vẫn cho rằng một số ngành/doanh nghiệp được cho là được hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư công ở giai đoạn từ nay đến cuối năm như sắt thép, xi măng, doanh nghiệp xây dựng, bất động sản.
Phản hồi ý kiến này, ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS) cho rằng, với các nhóm sắt, thép, xi măng, bất động sản, xây lắp, đa số các cổ phiếu thuộc những nhóm này giảm khá mạnh do việc tăng nóng thời gian trước đây chính bởi những kỳ vòng về việc đẩy mạnh đầu tư công. Nói cách khác, sự kỳ vọng đó đã phản ánh vào giá trước đó chứ không hẳn ở thời điểm hiện tại.
"Tôi đánh giá cao hơn các nhóm ngành như dầu khí, phân đạm, hóa chất, vận tải biển,... khi mà các cổ phiếu thuộc các ngành này thời gian gần đây cũng ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ hơn mặt bằng chung", ông Linh nhấn mạnh.
Theo quan điểm của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam, về dài hạn, nhóm xây dựng – vật liệu xây dựng và bất động sản sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc đẩy mạnh đầu tư công vào lĩnh vực hạ tầng và nhu cầu ở thật vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, trong ngắn và trung hạn (giai đoạn trong 1 - 3 tháng tới), vị chuyên gia đánh giá triển vọng của nhóm này ở mức tiêu cực do nhóm này đang bị tác động bởi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và dòng vốn tín dụng và trái phiếu bị hạn chế chảy vào kênh bất động sản.
Tương tự, ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu CTCK VietinBank (CTS) cũng cho biết không đánh giá cao triển vọng nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu phục vụ các dự án đầu tư công như sắt thép, xi măng dù doanh thu sẽ tăng mạnh trong năm 2022. Nguyên nhân được chỉ ra là do biên lợi nhuận dự kiến sụt giảm mạnh so với cùng kỳ khi giá than – nguyên liệu đầu vào quan trọng – đã ghi nhận mức tăng rất mạnh từ cuối năm 2021 và đang neo tại vùng đỉnh lịch sử. Trong khi đó, giá bán của các doanh nghiệp nhóm này chỉ tăng nhẹ, thậm chí giá thép còn đang trong xu hướng điều chỉnh.
Ngược lại, sự sụt giảm của giá nguyên vật liệu đầu vào và mức nền thấp của năm 2021 giúp các doanh nghiệp xây dựng có triển vọng sáng hơn trong nửa cuối năm 2022.
Đối với các doanh nghiệp bất động sản, sự phân hóa mạnh sẽ tiếp tục diễn ra và mở ra cơ hội xuất hiện tại các doanh nghiệp có dự án đảm bảo thủ tục pháp lý, giá bán phù hợp với nhu cầu thị trường và nền tảng tài chính mạnh.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư, CTCK Agriseco cho rằng, nhóm cổ phiếu ngành xây dựng và hạ tầng có thể được hưởng lợi khi chính phủ đang đẩy nhanh tiến độ giải ngân các gói đầu tư công cũng như cố gắng triển khai và hoàn thành các dự án đầu tư công trong giai đoạn 2022 - 2023.
Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đã đạt gần 150 bằng khoảng 30% kế hoạch năm trong đó tính riêng trong tháng 5 con số này khoảng 40.000 tỷ đồng - tăng hơn 10% so với năm ngoái.
Vì vậy, vị này cho rằng thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực vào lĩnh vực này qua đó tạo động lực phát triển cho nền kinh tế với mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% GDP cho năm nay.
Về những nhóm cổ phiếu được cho là sẽ hưởng lợi trong bối cảnh lạm phát và các chính sách kiểm soát dòng tiền thời gian này, ông Khoa: chia sẻ: "Trong bối cảnh lạm phát, cơ hội sẽ nằm tại các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ đà tăng giá hàng hóa trong đó tập trung vào các doanh nghiệp tự chủ được nguồn đầu vào và hưởng lợi từ giá bán đầu ra do công suất vẫn không thay đổi nhưng giá tăng có thể khiến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp khả quan hơn.
Nhóm cổ phiếu nông nghiệp, thực phẩm – với đặc thù là ngành nhu yếu phẩm, an toàn và thường có thêm lợi nhuận từ cổ tức cao – cũng là nhóm ngành nên đầu tư trong giai đoạn lạm phát. Chi phí đầu vào của doanh nghiệp các ngành này (chủ yếu là nhân công) thường tăng chậm hơn giá đầu ra, vì thế biên lợi nhuận sẽ được cải thiện.
Bên cạnh đó, xung đột Nga – Ukraine sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn cung và đẩy giá lương thực toàn cầu tăng cao khi Nga và Ukraine lần lượt là 2 quốc gia chiếm tỷ trọng lớn khoảng 29% sản lượng xuất khẩu lúa mỳ và 19% sản lượng ngô".
Tại nhóm bảo hiểm; lạm phát làm tăng rủi ro cho các hoạt động kinh tế khiến nhu cầu về bảo hiểm tăng lên.
Ngoài ra, với tỷ trọng tiền mặt và tiền gửi cao của các doanh nghiệp bảo hiểm giúp các doanh nghiệp này được hưởng lợi trong môi trường mặt bằng lãi suất gia tăng.
Tương tự, nhóm ngành phòng thủ như điện, nước, dược phẩm, công nghệ cũng được đánh giá khả qua do các nhóm này có tính ổn định, không bị suy giảm bởi sức mua khi lạm phát tăng cao.
Ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Môi giới CTCK TP. HCM (HSC) đánh giá, Các nhóm ngành hưởng lợi thời lạm phát tăng cao có thể bao gồm cổ phiếu năng lượng, nguyên vậy liệu, hàng tiêu dùng thiết yếu, tiện ích,… Tuy nhiên, trong một số pha thị trường, khó có nhóm ngành đi ngược được xu thế để chiến thắng, kể cả cổ phiếu phòng thủ.
"Mặc dù thị trường Việt Nam trong thời gian qua chưa đến pha này song quan sát trên thị trường chứng khoán Mỹ, trong pha đầu thị trường rơi, nhóm tiện ích (phòng thủ) vẫn tiếp tục tăng song sau pha rơi từ tháng 4 tới nay khi, nhóm tiện tích cũng không thể trụ vững, có phần rơi nhanh hơn.
Do đó nhà đầu tư tham gia vào các nhóm được luân chuyển trong thời gian qua như năng lượng, nguyên vậy liệu, hàng tiêu dùng thiết yếu, tiện ích,… chỉ nên tham gia với tỷ trọng vừa phải, hạn chế mua đuổi giá cao và sẵn sàng chốt lời khi có dấu hiệu xấu.
Belarus muốn có 10 tên lửa siêu thanh Oreshnik của Nga 
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nga trong năm tới