Tại khu vực Đông Nam Á, xe điện chiếm chưa đến 2% doanh số bán ô tô trong năm 2022.
Ngành sản xuất, kinh doanh xe điện trên toàn cầu đang tăng trưởng, lĩnh vực này được coi là chìa khóa trong nỗ lực hạn chế biến đổi khí hậu, giảm lượng khí thải đồng thời hỗ trợ đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo.
Hiện nay, ngày càng nhiều người có ý thức về sự biến đổi về khí hậu trên toàn cầu và đang hướng tới môi trường xanh bằng cách chuyển sang sử dụng xe điện. Năm ngoái, xe điện và xe hybrid chiếm 18% doanh số bán ô tô toàn cầu. Tuy nhiên, sự phân bố không đồng đều giữa các quốc gia, khu vực. Doanh số xe điện chủ yếu đến từ thị trường Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc, trong khi ở Đông Nam Á, xe điện chiếm chưa đến 2% doanh số bán hàng vào năm 2022.
Nguyên nhân khiến “trào lưu xe điện” chưa thịnh hành tại các nước Đông Nam Á
Việc thiếu cơ sở hạ tầng trạm sạc điện bên ngoài các trung tâm đô thị, thiếu các ưu đãi và trợ cấp về thuế cho cả nhà sản xuất ô tô và người mua, cũng như tiến độ phát triển xe điện tại Đông Nam Á chậm chạp đã kìm hãm đà tăng trưởng xe điện của khu vực này. Hiện tại, chỉ có VinFast của Việt Nam đang đầu tư mạnh về lĩnh vực xe điện và đã xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ.
Các quốc gia còn lại cũng đang hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất xe điện bằng cách đề ra những chính sách ưu đãi cho các nhà sản xuất ô tô và pin, giảm thuế cho người mua...
Hiện tại xe hai và ba bánh, từ xe máy đến xe tuk-tuk chiếm khoảng 80% phương tiện đang lưu hành tại Đông Nam Á.
Điều này có nghĩa là quá trình chuyển đổi sang xe điện trong khu vực sẽ khác rất nhiều so với ở Trung Quốc, châu Âu và Mỹ - những nơi tăng trưởng xe điện được thúc đẩy bởi quá trình điện khí hóa ô tô.
Doanh số xe máy điện trong khu vực cao hơn ô tô điện, chiếm khoảng 8% tổng doanh số bán xe tại thị trường, dẫn đầu là Việt Nam vào năm 2020. Con số này sẽ còn cao hơn nữa trong thời gian tới, khi hãng xe VinFast đẩy mạnh sản xuất và tung ra thị trường nhiều dòng xe máy điện phổ thông.
Tuy nhiên, chi phí mua xe điện cao hơn so với xe động cơ đốt trong đã ngăn cản nhiều chủ xe thực hiện chuyển đổi. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ các nước phải đưa ra các khoản trợ cấp để hỗ trợ người mua và cung cấp các ưu đãi hoặc giảm thuế cho các nhà sản xuất ô tô để giảm chi phí sản xuất.
Xe điện “made in Viet Nam” hứa hẹn sẽ cứu thị trường Đông Nam Á theo kịp đà tăng trưởng chung
Năm ngoái, Thái Lan đã phê duyệt gói ưu đãi bao gồm cắt giảm thuế và trợ cấp để thúc đẩy xe điện, trong khi đầu tháng này, Indonesia cho biết họ đang xem xét cắt giảm thuế giá trị gia tăng đối với doanh số bán ô tô điện từ 11% xuống 1%. Việt Nam cũng đã áp dụng chính sách lệ phí trước bạ còn 0% cho riêng ô tô điện từ năm ngoái.
Cơ sở hạ tầng sạc điện nhiều hơn, tính sẵn có và nhiều lựa chọn xe điện hơn cũng sẽ giúp tăng nhu cầu đối với lĩnh vực xe điện trong khu vực, cũng như việc các chính phủ đặt ra các mốc thời gian để cấm xe chạy bằng xăng và dầu diesel.
Giống như ở nhiều nơi trên thế giới, việc thiếu các trạm sạc bên ngoài các thành phố là một trong những vấn đề. Đơn cử như việc mở rộng trạm sạc ở Indonesia - một quần đảo gồm hàng nghìn hòn đảo nhỏ được xem là thách thức lớn.
Hiện nay, xe điện vẫn là một mặt hàng xa xỉ ở Đông Nam Á cũng như trên toàn cầu. Nhiều chuyên gia dự đoán trong những năm tới, các nước Đông Nam Á sẽ cố gắng định vị mình là trung tâm sản xuất xe điện trong khu vực. Trữ lượng niken dồi dào ở Indonesia và Philippines có thể đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất các loại pin cần thiết.
Trong ba năm qua, Indonesia đã ký ít nhất hàng chục thỏa thuận trị giá hơn 15 tỉ USD để sản xuất pin và xe điện tại nước này, trong khi Tổng thống Joko Widodo đã tìm cách thuyết phục Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk đầu tư vào quốc gia này.
Sự phát triển của thương hiệu xe điện VinFast, hứa hẹn mạnh mẽ trong năm 2023 sẽ mang lại sự khởi sắc hơn cho thị trường xe điện Đông Nam Á.