Đi phỏng vấn được hỏi "Nếu 1 cây kim rơi xuống biển thì tìm lại bằng cách nào?", ứng viên nghe xong người bật khóc tại chỗ, người thành công "qua ải"
Đứng trước câu hỏi “khó đỡ” của Nhà tuyển dụng, ứng viên cần phải thể hiện mình là người có khả năng xử lý tình huống linh hoạt.
Khi nói đến quá trình phỏng vấn  tìm việc, mỗi người có một quan điểm riêng. Có người coi đây là một điều đơn giản, trong khi người khác thấy đó là một thách thức lớn. Dù bạn thích hay không, phỏng vấn  vẫn là bước không thể tránh khỏi khi bạn muốn gia nhập một công ty.
Trong buổi phỏng vấn, bạn không chỉ đối mặt với các ứng viên khác mà còn phải đối phó với nhiều bài kiểm tra “khó đỡ” từ Nhà tuyển dụng.
Hồng Hải là một cô gái vừa phải vượt qua cuộc phỏng vấn “lạ đời” như thế. Hồng Hải ứng tuyển vị trí bán hàng tại một công ty. Đến buổi phỏng vấn, có 3 ứng viên bao gồm cả Hồng Hải. Cả 3 người đều được công ty đánh giá ở các mặt như kỹ năng chuyên môn, sơ yếu lý lịch,... và đều nhận được phản hồi tốt.
Đến phần cuối cùng là ứng xử để kiểm tra EQ  và khả năng phản ứng nhanh của các ứng viên, Nhà tuyển dụng đã đưa ra một câu hỏi rất lạ: "Nếu 1 cây kim rơi xuống biển thì tìm lại bằng cách nào?". Câu hỏi này khiến Hồng Hải và 2 ứng viên còn lại vô cùng bất ngờ và hoang mang.
Ngay sau đó, ứng viên đầu tiên đã vội vàng trả lời mà không cần suy nghĩ: "Tôi nghĩ chúng ta có thể dùng nam châm. Buộc một sợi dây vào cục nam châm sau đó thả xuống biển, như vậy là có thể hút cây kim lên".
Nhà tuyển dụng nghe vậy, liền hỏi: "Vậy nếu chẳng may nam châm cũng bị rơi mất thì sao?". Câu hỏi “vặn” này khiến ứng viên nghẹn lời và không nói được gì thêm.
Ứng viên thứ 2 lại không giấu nổi sự hồi hộp và rơm rớm nói: “Tôi hy vọng tôi là cây kim đó - cây kim mà quý công ty muốn tìm. Tôi thật sự rất cần công việc này, hy vọng quý công ty có thể cho tôi một cơ hội. Câu hỏi này thật lòng mà nói thì tôi không biết phải trả lời như nào.” Nhà tuyển dụng nghe xong lắc đầu chán nản và ra hiệu cho người cuối cùng - chính là Hồng lại trả lời.
Suy nghĩ một lát, Hồng Hải chậm rãi đáp: "Nếu một cây kim thực sự rơi xuống biển thì tôi sẽ mua cái khác. Ông bà mình có câu tục ngữ: “Mò kim đáy bể” ngụ ý chỉ những việc ngay từ lúc bắt đầu làm đã chắc chắn gần như không thể thực hiện được, nhằm khuyên chúng ta hãy luôn đặt tâm đặt sức vào những việc khả thi, có hiệu quả công việc. Rõ ràng, với chi phí bỏ ra để mua dây thừng và nam châm, chúng ta có thể mua được rất nhiều cây kim khác, vậy tại sao cứ phải nhất quyết tìm lại cây kim ở đáy biển kia chứ. Mua cái mới mới là biện pháp hiệu quả nhất, tiết kiệm thời gian,tiền bạc  và cả công sức".
Nghe được đáp án của Hồng Hải, Nhà tuyển dụng lập tức đứng lên và giơ tay ra bắt tay cô: "Xin chúc mừng, cô đã được tuyển! Cô có thể bắt đầu đi làm từ tuần sau".
Từ câu chuyện kể trên, bài học rút ra là trong quá trình phỏng vấn, ngay cả khi bạn đối diện với các câu hỏi khó hiểu từ phía Nhà tuyển dụng, bạn cần duy trì sự bình tĩnh và trả lời theo cách thể hiện sự hiểu biết về công việc và vị trí mà bạn đang ứng tuyển. Thay vì cung cấp câu trả lời mơ hồ và không cụ thể, bạn cần thể hiện sự chuyên nghiệp và trả lời một cách rõ ràng. Điều này giúp bạn tạo ấn tượng tích cực  với nhà tuyển dụng và vượt qua đối thủ cạnh tranh.