Địa phương có bãi biển được mệnh danh là ‘đệ nhất danh trà’ của xứ Thanh sắp lên thị xã, sớm trở thành đô thị hiện đại có mức sống cao trong tương lai gần
Đây cũng là một trong những cơ sở quan trọng để địa phương có thêm động lực phát triển du lịch mạnh mẽ.
Trở thành thị xã vào năm 2030
Ngày 10/6 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà  đã ký ban hành Quyết định số 485/QĐ-TTg về việc phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Hoằng Hóa đến năm 2045. Quy mô nghiên cứu lập Quy hoạch chung đô thị Hoằng Hóa trên toàn bộ địa giới hành chính huyện Hoằng Hóa, bao gồm 37 đơn vị hành chính (36 xã và 1 thị trấn) và khu vực ven biển.
Quy hoạch chung đô thị Hoằng Hóa được lập với tổng diện tích 203,8km2, bao gồm cả khu vực ven biển tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh. Mục tiêu đề ra là xây dựng Hoằng Hóa thành một đô thị bền vững dựa trên ba trụ cột: thiên nhiên, con người và văn hóa. Nền tảng cho mục tiêu này là xu thế hợp tác và hội nhập quốc tế, từ đó đề xuất các cơ chế chính sách phù hợp để biến tầm nhìn thành hiện thực.
Với tầm nhìn phát triển đến năm 2030, Hoằng Hóa sẽ được định hướng phát triển trở thành thị xã loại IV, là trung tâm kinh tế - văn hóa - hành chính phía Nam tỉnh Thanh Hóa, đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; du lịch, dịch vụ thương mại, nông nghiệp - thủy sản; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.
Đến năm 2045, Hoằng Hóa là đô thị hiện đại, sinh thái, chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; có mức sống cao; kết nối chặt chẽ với thành phố Thanh Hóa và các đô thị lân cận về không gian đô thị, không gian phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Về tính chất đô thị, Hoằng Hóa sẽ là đô thị loại IV trực thuộc tỉnh, là trung tâm về công nghiệp và dịch vụ, du lịch. Đô thị phát triển đa ngành, trong đó trọng tâm là phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới theo hướng hiện đại, phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn; phát triển dịch vụ du lịch gắn với kinh tế biển; phát triển đô thị, nhà ở, thị trường bất động sản; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hướng tới đô thị thông minh, sinh thái, phát triển bền vững, thích nghi với biến đổi khí hậu .
Quyết định số 485/QĐ-TTg đã chỉ rõ 8 nhóm yêu cầu nội dung cụ thể cần nghiên cứu quy hoạch: Yêu cầu về khảo sát địa hình; hiện trạng và thu thập số liệu; định hướng phát triển không gian đô thị; hạ tầng xã hội và dịch vụ đô thị; hạ tầng kỹ thuật; thiết kế đô thị; đánh giá tác động môi trường và đề xuất các chương trình, dự án ưu tiên, nguồn lực thực hiện.
Động lực thúc đẩy du lịch phát triển
Sở hữu bờ biển dài 14km với những bãi cát trắng mịn trải dài cùng làn nước biển xanh ngọc bích, địa phương là điểm đến lý tưởng cho du khách yêu thích du lịch biển. Nổi tiếng nhất phải kể đến biển Hải Tiến - nơi được mệnh danh là ‘đệ nhất danh trà’ của xứ Thanh và là một trong những bãi biển đẹp nhất miền Bắc Trung Bộ.
Bên cạnh đó, huyện còn có hơn 200 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, trong đó có 16 di tích quốc gia. Du khách đến đây có thể tham quan các di tích như đền thờ Trạng Quỳnh, đền thờ Tô Hiến Thành, nhà thờ họ Nguyễn, đình Bảng Môn,...
Đặc biệt, Hoằng Hóa còn là nơi lưu giữ nhiều làng nghề truyền thống lâu đời như: làng mộc Hoằng Phú, làng thợ nón xã Hoằng Thịnh, làng bánh gai xã Hoằng Kim,... Du khách đến đây có thể tham quan làng nghề, mua sắm quà lưu niệm và trải nghiệm làm các sản phẩm truyền thống.
Với mục tiêu trở thành thị xã trong tương lai gần sẽ giúp Hoằng Hóa thúc đẩy, thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bao gồm các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, v.v. Các dịch vụ du lịch cũng sẽ được nâng cấp và đa dạng hóa để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Từ đó, tạo tiền đề cho ngành du lịch địa phương ngày càng phát triển hơn nữa.
>> Người dân ở nơi đặc biệt nhất Bắc Giang sắp được lên bờ