Địa phương có nhiều lễ hội nhất Việt Nam kiểm kê hàng loạt di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh
Đối tượng kiểm kê là các công trình xây dựng, địa điểm, cảnh quan thiên nhiên, khu vực thiên nhiên trên địa bàn chưa có trong danh mục kiểm kê di tích.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà đã ký ban hành Kế hoạch số 219/KH-UBND ngày 20/7/2024, về việc kiểm kê di tích lịch sử , văn hóa và danh lam thắng cảnh  trên địa bàn thành phố. Mục đích của kế hoạch là rà soát số lượng và phê duyệt danh mục di tích thuộc 30 quận, huyện và thị xã, nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước theo định kỳ.
Kế hoạch cũng nhằm bổ sung, đánh giá và lập danh mục hệ thống di tích, bao gồm các thông tin như tên gọi, loại hình, địa điểm xây dựng, quy mô kiến trúc, nhân vật lịch sử, di vật, hiện vật và bảo vật quốc gia thuộc di tích. Việc này góp phần xây dựng kế hoạch và định hướng cho các hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Ngoài ra, kế hoạch còn hướng đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu và lưu trữ thông tin, hồ sơ, văn bản pháp lý phục vụ công tác quản lý nhà nước và nghiên cứu di sản văn hóa của thủ đô. Đồng thời, từng bước giới thiệu, quảng bá và hướng dẫn nghiệp vụ về quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố.
Đối tượng kiểm kê là các công trình xây dựng, địa điểm, cảnh quan thiên nhiên, khu vực thiên nhiên trên địa bàn chưa có trong danh mục kiểm kê di tích do UBND các quận, huyện, thị xã cung cấp, đề xuất ngoài danh mục di tích đã được UBND TP công bố tại Quyết định số 5745/QĐ-UBND ngày 14/10/2016 của UBND TP. Hà Nội đáp ứng các yêu cầu:
Di tích lịch sử (di tích lưu niệm sự kiện, di tích lưu niệm danh nhân): Là công trình xây dựng, địa điểm gắn với các sự kiện lịch sử, thân thế và sự nghiệp của danh nhân.
Di tích kiến trúc nghệ thuật: Là quần thể các công trình kiến trúc nghệ thuật hoặc công trình kiến trúc đơn lẻ bao gồm các khu vực có công trình kiến trúc, sân, vườn, ao, hồ và cả các yếu tố khác liên quan đến di tích đó.
Di tích khảo cổ: Là địa điểm khảo cổ bao gồm khu vực đã phát hiện các di tích, di vật, địa hình, cảnh quan có liên quan trực tiếp tới môi trường sinh sống của chủ thể đã tạo nên địa điểm khảo cổ đó.
Danh lam thắng cảnh: Bao gồm cảnh quan thiên nhiên, địa hình, địa mạo và các yếu tố địa lý khác chứa đựng sự đa dạng sinh học và hệ sinh thái đặc thù, các dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của trái đất hoặc các công trình kiến trúc liên quan đến danh lam thắng cảnh đó.
Nội dung kiểm kê: Tên gọi, địa điểm, loại hình, sinh hoạt tín ngưỡng của di tích; Tình trạng quản lý đất đai; Tổng thể, kết cấu kiến trúc của di tích; Quá trình xây dựng, phục hồi, tu bổ, tôn tạo di tích; Thống kê hiện vật tiêu biểu của di tích.
Phương pháp kiểm kê: Khảo sát, điền dã, ghi chép, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình để thu thập thông tin và tư liệu hóa di tích; Phân tích, đối chiếu, so sánh, đánh giá, tổng hợp các tư liệu liên quan đến di tích được kiểm kê.
UBND TP yêu cầu công tác kiểm kê di tích cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, cơ quan chức năng và các địa phương, đảm bảo tuân thủ đúng quy trình và quy định pháp luật về di sản văn hóa.
Việc kiểm kê cần chính xác, đầy đủ dữ liệu và được cập nhật theo yêu cầu của Kế hoạch. Hoạt động này phải được thực hiện thiết thực, kết hợp với các chương trình và kế hoạch đang triển khai trên địa bàn, đồng thời khuyến khích sự tham gia của nhân dân, đặc biệt là các địa phương có di tích được kiểm kê.
Hà Nội không chỉ là thủ đô mà còn là "thủ phủ" của lễ hội Việt Nam với hơn 1.000 lễ hội lớn nhỏ. Điều này cho thấy sự phong phú và đa dạng của văn hóa lễ hội tại địa phương này, đồng thời khẳng định vị thế của Hà Nội như một trung tâm văn hóa của cả nước.