Địa phương phải tăng tốc ban hành văn bản quy định chi tiết các luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh BĐS
Đây là yêu cầu được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, chiều 8/10.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo, đại diện các bộ Quốc phòng, Công an, TN&MT, Xây dựng, NN&PTNT, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, và các bộ ngành liên quan, một số ủy ban của Quốc hội (Kinh tế, Pháp luật)... cùng lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố tại các điểm cầu.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Luật Đất đai , Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có liên quan chặt chẽ, mật thiết đến việc triển khai các nhiệm vụ, dự án cụ thể phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng. Mục tiêu là tháo gỡ khó khăn, đề ra một số chủ trương, chính sách mới để tạo nguồn lực phát triển, trong đó có thị trường bất động sản, bảo đảm chế độ chính sách về nhà ở.
Xuất phát từ yêu cầu giải quyết vướng mắc trong thực tiễn, khơi thông các động lực, phát huy các nguồn lực đất đai, vốn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; từ nguyện vọng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; kiến nghị của các tỉnh ủy, thành ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố về việc cần thiết có hiệu lực sớm Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật các tổ chức tín dụng. Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội và được sự đồng thuận cao của Quốc hội cho phép có hiệu lực sớm trước 5 tháng.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp... đã cùng làm, cùng tham gia, cùng thống nhất trong xây dựng các nghị định, quyết định, thông tư để đưa các luật vào thực tiễn cuộc sống.
Sau thời gian 2 tháng thi hành, với các quy định mới của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, bước đầu cho thấy các chính sách mới đã mang lại hiệu quả như phân cấp, phân quyền về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, xác định giá đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lấn biển,… đã tạo được sự đồng thuận của đa số người dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự thống nhất của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương góp phần giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Nhiều địa phương chậm tiến độ
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng, Chính phủ đã cùng với các địa phương xây dựng đã ban hành đồng bộ các văn bản theo thẩm quyền 15 Nghị định và 2 Quyết định của Thủ tướng (trong đó Luật Đất đai 10 Nghị định, 1 Quyết định; Luật Nhà ở 3 Nghị định, 1 Quyết định; Luật Kinh doanh bất động sản 2 Nghị định); không có thông tư nào bị chậm ban hành.
Luật Đất đai và các Nghị định quy định chi tiết có 59 nội dung giao HĐND và UBND cấp tỉnh quy định chi tiết; Luật Nhà ở có 10 nội dung thuộc thẩm quyền hướng dẫn của địa phương, trong đó có 01 nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND và 09 nội dung thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh.
Tính đến ngày 7/10 đã có 50/63 tỉnh, thành phố đã ban hành một số văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; tuy nhiên, chưa có địa phương nào ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền. Một số địa phương chưa ban hành văn bản nào để triển khai thực hiện. Trong 50/63 tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản thì chỉ có tỉnh Hải Dương ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong Luật. Các địa phương còn lại nội dung ban hành chủ yếu liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư, quy định về hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất, điều kiện tách thửa hợp thửa…
Về Luật Nhà ở, mới có 13/63 địa phương ban hành các văn bản quy định chi tiết.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các tỉnh Cao Bằng, An Giang, Nam Định, Quảng Nam, Đồng Nai, TP. Hà Nội, TPHCM đã báo cáo tình hình xây dựng, ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền; đồng thời nhận trách nhiệm đối với việc chậm tiến độ đã được nêu trong các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, đối với Luật Đất đai, đến nay, Thành phố đã ban hành 8/14 văn bản theo thẩm quyền, trong đó có các văn bản quan trọng gắn với bảng giá cho nhà ở, công trình, vật tư, kiến trúc trong quá trình bồi thường, công tác hỗ trợ tái định cư.
Trong 6 văn bản còn lại, có 5 văn bản thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố đang được lấy ý kiến, phấn đấu ngay sau ngày 15/10 sẽ ban hành; 1 văn bản thuộc thẩm quyền HĐND Thành phố về các tiêu chí quyết định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất cũng đang hoàn thiện và sẽ đăng ký để trong kỳ họp HĐND Thành phố sớm nhất ban hành văn bản này.
Về 9 văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở thuộc thẩm quyền của Thành phố, có 1 nội dung đã hoàn thành, 1 nội dung đã lấy ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, 7 nội dung đang tập trung hoàn thiện và lấy ý kiến thành viên UBND Thành phố lần 2, dự kiến ban hành chậm nhất vào ngày 20/10.
Thông tin về 6 văn bản ban hành thuộc thẩm quyền, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết, Hà Nội cũng tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ những văn bản không còn hiệu lực, bảo đảm chặt chẽ về quy định, nhưng cũng có hướng dẫn cụ thể để cho người dân, doanh nghiệp dễ tra soát, dễ thực hiện, các địa phương không bị vướng mắc.
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương Nguyễn Hoài Long cho biết, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao; quy định thời hạn ban hành các văn bản rõ ràng, đảm bảo tiến độ thông qua các quy trình rút gọn, linh hoạt.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị tỉnh Hải Dương công khai các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản trên trang thông điện tử để các địa phương khác cùng tham khảo và nghiên cứu.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành cam kết sẽ hoàn thành việc ban hành các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản trước ngày 15/10 tới.
Quyết liệt nhưng phải ra kết quả cụ thể
Theo Bộ TN&MT, một trong những nguyên nhân khiến nhiều địa phương chậm ban hành văn bản quy định thi hành luật là do đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương nên số lượng các nội dung giao cho địa phương quy định nhiều, trong khi các địa phương đều hạn chế về nguồn nhân lực, thời gian, kinh nghiệm.
Đa số địa phương còn khó khăn, lúng túng nên chưa ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản triển khai thi hành Luật thuộc thẩm quyền, vì vậy, chưa tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, chưa phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả của các quy định đổi mới của pháp luật đất đai; chưa giải quyết kịp thời các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm ban hành các quyết định theo thẩm quyền; mức độ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, việc huy động nguồn lực đất đai, vận hành của thị trường bất động sản, thực hiện cơ chế, chính sách về nhà ở...
Các bộ, ngành, cơ quan phải có trách nhiệm chung tay hướng dẫn các địa phương tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc.
Lãnh đạo địa phương nắm chắc danh mục văn bản cần ban hành, tình hình, tiến độ thực hiện; chỉ rõ những bất cập, hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực và có giải pháp khắc phục với tinh thần "quyết liệt nhưng phải ra kết quả cụ thể".
Các địa phương có thể xem xét hình thức rút gọn khi ban hành những văn bản kế thừa chính sách cũ, đã được quy định trong luật; thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục đối với văn bản phức tạp. ảnh hưởng, tác động lớn.
Hai bộ Tài nguyên và Môi trưởng, Xây dựng tổng hợp các nhóm khó khăn, vướng mắc của địa phương khi xây dựng văn bản quy định, tổ chức các cuộc làm việc trực tiếp để trao đổi, làm rõ, và tháo gỡ.
"Mục tiêu cuối cùng là tăng tốc để hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, để đáp ứng yêu cầu hết sức cấp bách, cần thiết của cuộc sống, nhằm tháo gỡ khó khăn, đưa ra những chính sách tốt hơn", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.