Có 5 doanh nghiệp lớn chiếm 53% tổng thu ngân sách toàn tỉnh Thanh Hoá.
Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa thu ngân sách Nhà nước đạt 43.279 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa hơn 26.000 tỷ đồng, thu từ xuất nhập khẩu đạt gần 17.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chỉ riêng 5 doanh nghiệp lớn đã nộp ngân sách hơn 23.000 tỷ đồng, chiếm 53% tổng thu ngân sách toàn tỉnh.
Có 5 doanh nghiệp lớn chiếm 53% tổng thu ngân sách toàn tỉnh Thanh Hoá |
Trong số 5 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất tại tỉnh Thanh Hóa, có tới 3 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), một doanh nghiệp dân doanh và 1 doanh nghiệp quốc doanh.
Xếp ở vị trí thứ nhất là Liên hiệp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Trong năm 2023, công ty đã sản xuất thành công tổng cộng gần 7,6 triệu tấn sản phẩm các loại, lần đầu tiên hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất đề ra và đóng góp tới 820 triệu USD, xấp xỉ gần 20.000 tỷ đồng vào ngân sách.
Liên hiệp Lọc hóa dầu Nghi Sơn do Tập đoàn Dầu khí (Petro Vietnam) và các bên liên doanh là Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait, Công ty Idemitsu Kosan (Nhật Bản) và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản) góp vốn thành lập. Dự án này có tổng mức đầu tư lên tới hơn 9 tỷ USD và có công suất 8,4 triệu tấn dầu thô trong một năm giai đoạn đầu. Dự án có thể nâng cấp lên 10 triệu tấn dầu thô một năm trong giai đoạn sau.
>> Bất ngờ với doanh thu năm 2023 của Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn 
Xếp vị trí thứ hai là Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 (NS2PC) đóng góp 1.148 tỷ đồng.
Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 có vốn đầu tư xấp xỉ 2,8 tỷ USD do Tổng công ty Điện lực Hàn Quốc (50%), Tập đoàn Marubeni của Nhật Bản (40%) và Công ty Điện lực Tohoku, Inc của Nhật Bản (10%) đầu tư, được thành lập theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam.
Xếp thứ 3 trong số các doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất tại Thanh Hóa là CTCP Tập đoàn VAS Nghi Sơn. Năm vừa qua là 1 năm nhiều khó khăn với ngành thép, Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn cũng đã đóng góp 1.072 tỷ đồng cho ngân sách tỉnh.
Hiện nay, Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 2 với công suất 3 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng đang đi vào giai đoạn hoàn thiện, kỳ vọng sẽ gia tăng nguồn thu cho tỉnh trong những năm sắp tới.
Xếp thứ 4 là Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thanh Hóa. Trong năm 2023, doanh nghiệp này đã nộp 671 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Trước đó, năm 2022, công ty đã nộp 620 tỷ đồng vào ngân sách.
Xếp thứ 5 trong số các doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất tại Thanh Hóa là Công ty Xi măng Nghi Sơn. Năm 2023, doanh nghiệp này nộp ngân sách hơn 180 tỷ đồng.
Công ty Xi măng Nghi Sơn được thành lập vào ngày 11/04/1995, là Công ty liên doanh giữa Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Tập đoàn xi măng Taiheiyo và Công ty Xi măng Mitsubishi UBE – những tập đoàn đa quốc gia có uy tín của Nhật Bản. Dự án có tổng mức đầu tư 650 triệu USD.
Bên cạnh các doanh nghiệp trên, còn nhiều "ông lớn" nộp hàng trăm tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, 2 doanh nghiệp có vốn góp nhà nước là CTCP xi măng Bỉm Sơn và CTCP Bia Thanh Hóa.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp truyền thống như bao bì, may mặc, giày da... cũng đã khắc phục khó khăn để duy trì sản xuất, mang lại những nguồn thu đáng kể như Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn 1 đóng góp 112 tỷ đồng, Nhà máy xi măng Đại Dương 1 cũng đã đóng góp cho tỉnh số thu ngân sách 142 tỷ đồng, Công ty TNHH dầu thực vật khu vực Bắc Việt Nam đóng góp 152 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty CP sữa Việt Nam - Nhà máy sữa Lam Sơn đóng góp 113 tỷ đồng.
>> Thu ngân sách Nhà nước đạt 1,69 triệu tỷ đồng, vượt xa dự toán 
TKV đạt 170.000 tỷ đồng doanh thu, nộp ngân sách cao nhất kể từ khi thành lập 
Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam nộp ngân sách cao kỷ lục