Thế giới

Điều gì sẽ xảy ra nếu chính phủ Pháp không vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm?

Tuấn Anh 04/12/2024 - 07:48

Giới quan sát cảnh báo, nếu Chính phủ Pháp không thể vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của các đảng đối lập ở Quốc hội, điều đó có thể dẫn đến khủng hoảng chính trị.

Thủ tướng trung hữu của Pháp Michel Barnier tuyên bố trước Quốc hội sẽ thúc đẩy việc thông qua ngân sách an sinh xã hội do chính phủ đề xuất mà không cần bỏ phiếu, nhờ viện dẫn các quyền đặc biệt theo điều 49.3 của Hiến pháp.

Quyết định đồng nghĩa, Chính phủ Pháp sẽ phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu tín nhiệm do các đảng cánh tả và cực hữu khởi xướng, rất có thể diễn ra vào ngày 4/12. Giới phân tích đã có các nhận định tổng quát và dự báo về những diễn biến tiếp theo.

thu tuong Phap phat bieu truoc quoc hoi EPA.jpg
Thủ tướng Michel Barnier (giữa) thông báo với Quốc hội Pháp về ý định thông qua ngân sách chính phủ mà không cần sự chấp thuận của các nhà lập pháp. Ảnh: EPA

Nội dung điều 49.3 và lý do kích hoạt

Theo báo Guardian, điều 49.3 trong Hiến pháp Pháp cho phép chính phủ phê chuẩn các luật mới mà không cần sự chấp thuận của quốc hội. Song, điều luật này cũng trao cho các nghị sĩ cơ hội phản đối quyết định đó bằng cách yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm trong vòng 24 giờ và thực hiện quá trình trong vòng 48 giờ. Nếu động thái thành công, luật sẽ bị bác bỏ và chính phủ được coi là sụp đổ.

Cả đảng Mặt trận Bình dân mới (NFP) thiên tả và đảng Tập hợp quốc gia (RN) cực hữu của bà Marine Le Pen hôm 2/12 đều tuyên bố sẽ đệ trình yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ.

Các vấn đề của chính phủ Barnier bắt nguồn từ việc Tổng thống Emmanuel Macron quyết định giải tán quốc hội hồi tháng 6 và tổ chức bầu cử sớm sau khi lực lượng trung dung của ông hứng chịu thất bại nặng nề trong cuộc bỏ phiếu bầu nghị viện châu Âu vào tháng đó.

Trong cuộc tổng tuyển cử sau đó, NFP, một liên minh các đảng thiên tả, bao gồm cả đảng Xã hội (PS) và đảng cực tả Nước Pháp bất khuất (LFI), đã giành được số ghế lớn nhất. Liên minh của Tổng thống Macron chỉ đạt vị trí thứ 2 và đảng RN xếp ở vị trí thứ 3 dù là đảng đơn lẻ giành được nhiều ghế nhất tại cơ quan lập pháp. Do đó, Quốc hội Pháp đã chia thành 3 phe cánh tả, trung dung và cánh hữu/cực hữu gần như cân bằng, không bên nào chiếm đa số.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng căng thẳng hiện tại

Ông Macron đã bác bỏ yêu cầu của NFP về quyền chỉ định người đứng đầu chính phủ mới, đồng thời bổ nhiệm chính khách kỳ cựu Barnier làm thủ tướng sau nhiều tuần đàm phán, với sự ủng hộ từ liên minh mong manh của các nghị sĩ trung dung và trung hữu. Kể từ đó, liên minh NFP đã liên tục bỏ phiếu chống lại chính phủ, trong khi đảng RN cho đến nay vẫn chưa cố gắng lật đổ chính phủ.

Bằng cách hành động cứng rắn đối với một số vấn đề thu hút quan tâm của RN như tội phạm, an ninh và nhập cư cũng như thỏa hiệp về một số lằn ranh đỏ khác của đảng cực hữu, chẳng hạn như các biện pháp giảm chi phí sinh hoạt, ông Barnier hy vọng sẽ giữ được đảng RN trong thời gian dài nhất có thể. Song, mục tiêu chính của thủ tướng là cải thiện tình hình tài chính công bết bát, bao gồm thâm hụt ngân sách năm 2023 là 5,5% GDP và dự kiến ​​sẽ tăng lên đến 6,1% GDP trong năm nay, gần gấp đôi mức tối đa cho phép trong khu vực đồng Euro.

Dự thảo ngân sách năm 2025 của Chính phủ Pháp có đề cập đến 20 tỷ Euro tiền tăng thuế cùng 40 tỷ Euro tiền cắt giảm chi tiêu công. Hai dự luật tạo nên ngân sách phải được thông qua vào cuối năm nay, trong khi đảng RN hiện đã bác bỏ một số phần của dự luật đầu tiên dù đã có một số nhượng bộ của chính phủ.

Viễn cảnh có thể xảy ra tiếp theo

Thủ tướng Barnier đã cảnh báo nguy cơ "biến động tài chính nghiêm trọng" nếu ngân sách do chính phủ của ông đề xuất không được thông qua và chính phủ sụp đổ. Thị trường đã phản ứng tiêu cực ngay sau đó.

Các chuyên gia lưu ý, hiện không có nỗi lo về nguy cơ Chính phủ Pháp phải tạm đóng cửa theo kiểu Mỹ vì hiến pháp nước này cho phép chính phủ, kể cả lâm thời, thông qua luật khẩn cấp giúp kéo dài ngân sách của năm trước trong vài tháng, giúp duy trì trả lương cho người lao động ở khu vực công.

Về mặt quản lý, nếu RN hợp tác với NFP để hạ bệ ông Barnier, Tổng thống Macron vẫn có nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, theo hiến pháp, ông Macron vẫn bị hạn chế vì từng giải tán quốc hội vào tháng 6 và không thể làm như vậy nữa cho đến tháng 6/2025.

Tổng thống có thể chọn tái bổ nhiệm ông Barnier làm thủ tướng, điều quốc hội có thể coi là khiêu khích, nên hầu hết các nhà quan sát tin khó có khả năng xảy ra tình huống này. Ông Macron cũng có thể yêu cầu các đảng phái chính trị đối lập cố gắng xây dựng một liên minh mới với nhiều sự ủng hộ hơn. Điều đó có thể liên quan đến những nỗ lực của phe trung dung nhằm lôi kéo các thành phần ôn hòa hơn của NFP khỏi liên minh cánh tả. Mặc dù NFP thường trông có vẻ bị chia rẽ, nhưng không có gì đảm bảo rằng nỗ lực này sẽ hiệu quả.

Một khả năng khác là ông Macron bổ nhiệm một chính phủ kỹ trị để điều hành đất nước trong 6 tháng tới. Ngoài ra, ông cũng có thể từ chức, kích hoạt một cuộc bầu cử tổng thống mới, nhưng hiện tại viễn cảnh này được đánh giá khó xảy ra.

Mặc dù bà Le Pen tuyên bố đảng của bà sẽ ủng hộ bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ nhưng RN vẫn có thể thay đổi chiến thuật. Cơ hội cuối cùng trong năm nay để đảng này lật đổ chính phủ đương nhiệm sẽ là cuộc bỏ phiếu phê duyệt ngân sách cuối cùng vào ngày 20/12 tới và nhiều nhà quan sát vẫn đặt câu hỏi về lợi ích chính trị mà bà Le Pen có được khi hạ bệ ông Barnier vào lúc này.

>> Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố kết thúc thiết quân luật sau 6 giờ hỗn loạn

Hơn 150 máy bay không người lái Nga bay vào không phận Belarus

Ông Trump 'giải cứu' các nhà bán lẻ Mỹ mùa Giáng sinh

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/dieu-gi-se-xay-ra-neu-chinh-phu-phap-khong-vuot-qua-cuoc-bo-phieu-bat-tin-nhiem-2348064.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Điều gì sẽ xảy ra nếu chính phủ Pháp không vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm?
    POWERED BY ONECMS & INTECH