Được xem là dòng sông dài nhất và có lưu vực lớn nhất thế giới nhưng điều kỳ lạ là không có bất kỳ một cây cầu nào kết nối hai bờ của nó.
Khởi nguồn từ đỉnh Nevado Mismi cao 5.597m có nguồn gốc núi lửa trong dãy Andes, thuộc Arequipa của Peru, sông Amazon  có chiều dài 6.992 km, dài hơn cả sông Nile (6.695 km), với lưu vực trải rộng hơn 7 triệu km².
Theo National Geographic, sông Amazon được Francisco de Orellana phát hiện năm 1542, ban đầu được đặt tên là Riomar. Kết quả nghiên cứu những mẫu trầm tích lấy từ hai lỗ khoan ở cửa sông Amazon cho thấy nó đã 11 triệu năm tuổi và có hình dạng như hiện nay từ 2,4 triệu năm trước.
Trước đó, độ tuổi chính xác của sông Amazon vẫn là một bí ẩn. Các nhà nghiên cứu vốn không thể xâm nhập vào Amazon Fan - một cột trầm tích dày tới 10km ở con sông này. Vì thế họ đã quyết định khoan hai lỗ ở cửa sông Amazon - một cái sâu tới 4,5km dưới mực nước biển - để lấy trầm tích phục vụ cho nghiên cứu.
Sông Amazon chiếm khoảng 20% tổng lưu lượng nước ngọt cung cấp cho các đại dương. Chỗ rộng nhất của sông vào mùa khô khoảng 11km và lên tới 40km vào mùa mưa lũ. Với khu vực cửa sông có thể rộng tới 325km (202 dặm) nên Amazon còn được gọi là sông biển.
Lưu vực sông bao phủ phần lớn rừng Amazon, khu rừng nhiệt đới lớn nhất trên thế giới, chiếm diện tích 5.500.000 km² (phần lớn ở Brazil).
Amazon có lưu vực rộng nhất thế giới với hơn 1.000 sông nhánh đan chéo nhau dệt thành một mạng sông dày đặc, trong đó có hơn 17 nhánh có chiều dài 1.500km. Lưu vực Amazon chiếm khoảng 40% tổng diện tích đại lục Nam Mỹ, lớn gấp đôi diện tích lưu vực sông Congo ở châu Phi.
Dẫu được xem là con sông dài nhất thế giới, có lưu vực rộng nhất và lưu lượng nước nhiều nhất thế giới nhưng sông Amazon ở Nam Mỹ khiến bất kỳ ai lần đầu nghe đến cũng phải kinh ngạc khi không có tới nổi 1 cây cầu.
Chính vì vậy, 25 triệu người sống bên bờ sông từ làng quê hẻo lánh cho tới đô thị sầm uất ở Brazil, Peru hay Colombia, nếu muốn qua sông đều phải chèo thuyền hoặc đi phà.
Xuyên suốt chiều dài của mình, Amazon không có nơi nào quá hẹp hoặc quá rộng để bắc cầu - trong mùa khô. Nguyên nhân chính là bởi dòng sông này có quy mô khổng lồ nên bất kỳ dự án xây dựng nào ở đây cũng là một nhiệm vụ nặng nề, khó khăn ngay cả ở trên giấy tờ, hay ngoài thực tế.
Thử thách đầu tiên và rõ ràng nhất chính là dòng nước. Sông Amazon luôn trong tình trạng thay đổi liên tục về tốc độ dòng chảy và lưu lượng nước trên sông. Trong mùa khô, từ tháng 6 đến tháng 11, chiều rộng trung bình của sông Amazon từ 3,2 đến 9,6km, tùy thuộc vào vị trí. Tuy nhiên, trong mùa mưa, từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, nước dâng cao khiến chiều rộng sông Amazon lên tới 48km.
Vào lúc cao điểm mùa mưa, dòng nước chảy rất mạnh với tốc độ tới 6,4 km/h. Chính sự bất ổn của dòng chảy và khối lượng nước không thể đoán trước đã gây khó khăn cho việc lên thiết kế xây cầu an toàn, bền vững trong khu vực. Các kỹ sư cần phải xem xét các yếu tố này, đồng thời lưu ý đến sự xuống cấp cấu trúc cầu có thể xảy ra, do lượng nước cực đoan liên tục tác động vào các chân cầu.
Bệnh cạnh dòng sông chảy xiết với những khu rừng nhiệt đới hai bên kéo dài, nơi này còn chứa nhiều đầm lầy. Địa hình này gây nhiều khó khăn trong việc xây dựng cầu, nếu xây cầu, móng chân cầu phải rất là sâu.
Walter Kauffmann, Chủ tịch Kỹ thuật kết cấu Thiết kế cầu tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH) Zurich, cho biết: “Tình trạng luôn thay đổi của dòng sông, cùng với sự xói mòn liên tục của trầm tích sẽ khiến bất kỳ công trình xây dựng nào trên sông Amazon cũng trở nên cực kỳ khó khăn”.
Ngoài địa chất phức tạp của khu vực, việc xây dựng cầu có thể ảnh hưởng tới hệ sinh thái Amazon. Con sông này đóng vai trò như huyết mạch cho 3 triệu loài động vật và 2.500 loài cây sinh sống xung quanh. Vậy nên, các dự án xây dựng cầu quy mô lớn có khả năng gây tổn hại đến đa dạng sinh học của khu vực.
Theo Walter Kauffmann, nhu cầu xây dựng cầu trên sông Amazon chưa thực sự cấp thiết, bởi phần lớn sông Amazon chảy qua các khu vực dân cư thưa thớt. Ngoài ra, các thị trấn ven sông Amazon nay đã có mạng lưới tàu thuyền và phà vững chắc để vận chuyển hàng hóa và người dân từ bên này sang bên kia sông. Vậy nên, việc đầu tư vào một dự án cây cầu khổng lồ chỉ mang lại lợi ích tối thiểu cho người dân địa phương.