Đô thị đặc biệt của Việt Nam thu hồi đất 183 hộ gia đình để làm đường 500 tỷ
Đô thị đặc biệt bậc nhất của Việt Nam đã tiến hành thu hồi hơn 36.400m2 đất của 183 hộ gia đình để xây dựng tuyến đường hơn 500 tỷ đồng.
Mới đây, quận Tây Hồ (TP. Hà Nội) đã tổ chức lễ khởi công xây dựng tuyến đường Đặng Thai Mai - giai đoạn I với tổng chiều dài tuyến đường 1.260m và tổng vốn đầu tư gần 553 tỷ đồng.
Cụ thể, Dự án Xây dựng tuyến đường Đặng Thai Mai - giai đoạn I đã được UBND quận Tây Hồ phê duyệt tại Quyết định số 1434/QĐ-UBND ngày 26/8/2024 với tổng mức đầu tư là 552,697 tỷ đồng (trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là 391,431 tỷ đồng; chi phí xây dựng: 82,872 tỷ đồng).
Tuyến đường sẽ được triển khai xây dựng với chiều dài 1.260m, điểm đầu dự án từ khu biệt thự Tây Hồ, điểm cuối dự án tại vị trí giao cắt với đường Xuân Diệu. Tuyến đường Đặng Thai Mai - giai đoạn I cũng sẽ được xây dựng đồng bộ hệ thống cấp, thoát nước, hào kỹ thuật; tổ chức giao thông, lắp đặt hệ thống chiếu sáng và cây xanh.
> > Hà Nội đưa ra phương án ‘cứu’ dòng sông hơn 2.000 năm tuổi, Bộ Xây dựng nói gì? 
Để triển khai tuyến đường này, UBND TP. Hà Nội đã tiến hành thu hồi 36.482,5m2 của 183 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức với tổng số trường hợp tái định cư là 49 căn.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án đường Đặng Thai Mai - giai đoạn I tại Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 27/12/2024, theo định hướng Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.
Theo quy hoạch, Thủ đô Hà Nội sẽ được định hướng phát triển với 5 trục không gian quan trọng, gồm: Trục Sông Hồng, Trục Hồ Tây - Ba Vì, Trục Hồ Tây - Cổ Loa, Trục Nhật Tân - Nội Bài và Trục Nam Hà Nội.
Trong đó, tuyến đường Đặng Thai Mai được xem là trục kết nối di sản đô thị lịch sử, kết hợp đồng bộ không gian kết nối Hồ Tây - cầu Tứ Liên - Cổ Loa; kết nối trực tiếp với khu vực phía Bắc sông Hồng - thành phố Đông Anh, trung tâm dịch vụ, tài chính, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo Đồ án Quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An (tỷ lệ 1/500), đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 6132/QĐ-UBND ngày 26/11/2024, trục không gian này được hình thành dựa trên tuyến đường Đặng Thai Mai.
Cơ cấu quy hoạch bao gồm hai tuyến đường giao thông hai bên (mỗi tuyến 4 làn xe) cùng dải cây xanh cảnh quan ở giữa. Dưới dải cây xanh là bãi đỗ xe ngầm với công suất tối thiểu 1.635 xe, được thiết kế kết nối trực tiếp với không gian xây dựng ngầm.
Quy hoạch này hướng tới việc thiết lập một trục không gian kết nối xuyên suốt từ trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây - Hồ Tây - bán đảo Hồ Tây - sông Hồng - thành Cổ Loa. Giai đoạn I của dự án Đặng Thai Mai dự kiến sẽ góp phần quan trọng trong việc định hình bản sắc và hình ảnh hiện đại của Thủ đô Hà Nội.
Theo Nghị quyết số 1210/2016, đô thị đặc biệt được xác định có vị trí, chức năng và vai trò quan trọng, bao gồm Thủ đô hoặc trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, quốc tế về các lĩnh vực như kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ. Ngoài ra, đô thị đặc biệt còn là đầu mối giao thông và giao lưu quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Theo quy định, một đô thị đặc biệt phải có quy mô dân số từ 5 triệu người trở lên, trong đó khu vực nội thành phải đạt từ 3 triệu người trở lên.
Hiện tại, Hà Nội và TP. HCM là hai thành phố được xếp loại đô thị đặc biệt. Thủ đô Hà Nội có diện tích hơn 3.358km2 với dân số hơn 8,2 triệu người, trong khi TP. HCM rộng 2.095km2 với dân số gần 10 triệu người.
Nhà máy giấy 1.300 tỷ đồng tại tỉnh sở hữu ‘Đà Lạt thứ hai’ của Tây Nguyên bị thu hồi đất 
Tỉnh sở hữu sân bay lớn nhất Việt Nam tiến hành thu hồi đất để làm khu tái định cư