Doanh nghiệp da giày khởi sắc
Khác với tình hình ảm đạm của năm trước, xuất khẩu các ngành hàng chủ lực của Việt Nam như: dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ năm nay đã có nhiều khởi sắc rõ rệt.
Đặc biệt, da giày là ngành tận dụng tốt các FTA. Có nhiều dấu hiệu cho thấy xuất khẩu của ngành da giày phục hồi mạnh mẽ.
Nhiều đơn hàng trở lại
Việt Nam hiện là nước đứng thứ 3 trên thế giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ) về sản xuất và đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép, với kim ngạch xuất khẩu gần 24 tỷ USD năm 2023 và đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt 26 - 27 tỷ USD năm 2024. Ngành da giày là ngành tận dụng tốt các FTA, nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định EVFTA, CPTPP. Nhiều DN đã ký được hợp đồng xuất khẩu cho cả năm 2024...
Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê và Hải quan, quý I/2024, tính chung 5 tháng đầu năm 2024,dệt may và da giày  tiếp tục nằm trong nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu cao của cả nước và chỉ xếp sau mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phương tiện khác. Trong đó giày, dép đạt 8,639 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… vẫn là những thị trường xuất khẩu chính của 2 nhóm ngành hàng...
Mới đây, chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024” (Viet Nam International Sourcing 2024) do Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức từ ngày 6/6 - 8/6/2024 tạo điều kiện cho hơn 300 đoàn DN từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, như: Just to Flirt Inc. (Mỹ), Decathlon (Pháp), Uniqlo/Fast Retailing (Nhật), Loblaws/Joe Fresh (Canada), Coppel (Mexico), Walmart (Mỹ) và Falabella... gặp gỡ, tìm kiếm đa dạng hóa nguồn hàng và đối tác cung cấp nội địa các sản phẩm dệt may, da giày, ba lô, túi xách, đồ thể thao và dã ngoại, đồ gia dụng và nội thất… tạo thêm động lực cho phát triển ngành trong thời gian tới.
Từ ngày 1/1/2024, các sản phẩm công nghiệp cho dù có nguồn gốc xuất xứ từ bất kỳ nước nào đều được miễn thuế nhập khẩu vào Thụy Sỹ. Việc bãi bỏ thuế nhập khẩu hàng công nghiệp của Thụy Sỹ, một số sản phẩm như dệt may, da giày… từ Việt Nam sẽ được hưởng lợi hơn so với các đối thủ cạnh tranh thuộc nhóm nước kém phát triển (LCD).
Những khó khăn và thách thức
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khởi sắc trên, ngành da giày vẫn đối diện với các khó khăn, như: nhiều DN thiếu đơn hàng, bị ép giá và phải thu hẹp sản xuất, giảm giờ làm, giảm nhân công và thu nhập; giá đơn hàng không tăng trong khi chi phí logistics, cụ thể là chi phí vận tải biển đã tăng liên tục và DN Việt phải chia sẻ một phần chi phí vận chuyển, ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của DN. Đồng thời, Việt Nam hiện vẫn chưa có thị trường kinh doanh giao dịch mua bán nguyên phụ liệu da giày...
Bên cạnh đó, cùng với thế giới, Việt Nam đang đứng trước sự gia tăng sức ép phát triển bền vững. Năm 2024 là năm bản lề trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường của thế giới. Các DN, chính phủ và cá nhân ngày càng tăng cường hành động theo các xu hướng nổi bật: gia tăng các khoản đầu tư, quy mô tài chính và tín dụng xanh;
Tăng cường ứng dụng AI tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, bảo tồn đa dạng sinh học, phân tích dữ liệu lớn cho khoa học môi trường, đơn giản hóa các mô hình quản lý dữ liệu về ESG cho các DN; đẩy nhanh việc công bố bắt buộc và được chuẩn hóa các thông tin về môi trường, đặc biệt là liên quan đến Chỉ thị về báo cáo phát triển bền vững của DN (CSRD) tại Liên minh châu Âu và của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch tại Mỹ (SEC); tăng cường đánh giá lượng phát thải phạm vi 3 và quản lý rủi ro khí hậu...
Các xu hướng này đưa đến không chỉ là sự thay đổi về hoạt động của DN, mà lớn hơn là hành động tập thể hướng tới một thế giới bền vững hơn để bảo đảm tương lai của họ và góp phần tích cực vào chương trình nghị sự bền vững của toàn cầu.
Đặc biệt, gần đây, các nước nhập khẩu giày dép lớn liên tiếp đưa ra những yêu cầu mới về việc nhập khẩu các sản phẩm có trách nhiệm xã hội và môi trường ngày càng cao (như EPR - mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất, CBAM - cơ chế định giá carbon).
Điển hình từ tháng 3/2024, thị trường EU đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu mới, như thiết kế sinh thái với các thiết kế bền vững và truy xuất, minh bạch chuỗi cung ứng. Nếu nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, DN sẽ phải minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất tại khu vực sản xuất. Những chính sách này trực tiếp và gián tiếp đang, sẽ có tác động mạnh mẽ tới các DN trong ngành.
Mới đây, Mỹ đã ban hành chính sách cho phép áp dụng điều tra trợ cấp xuyên quốc gia. Chính sách này nhằm vào những ngành gia công và nhiều nguyên phụ liệu đầu vào. Theo đó, nếu Việt Nam mua nguyên phụ liệu từ nước thứ 3, và nước này trợ cấp sản xuất nguyên phụ liệu này thì khi Việt Nam mua sử dụng sản phẩm này để sản xuất và xuất khẩu sẽ bị đánh thuế.
Không chỉ Mỹ, mà cả EU cũng đang nghiên cứu triển khai chính sách này. Thực tiễn đòi hỏi, một DN muốn thành công không chỉ tạo ra nhiều lợi nhuận, mà còn phải chú trọng tới các yếu tố ESG (bộ 3 tiêu chuẩn E - Môi trường, S - Xã hội, và G - Quản trị DN đo lường yếu tố liên quan đến định hướng hoạt động phát triển bền vững).
Giải pháp cần có
Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã xác định dệt may - da giày là 2 trong số 7 ngành công nghiệp ưu tiên của Việt Nam. Để đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2024 và Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035 đã được Chính phủ thông qua năm 2022, cần sớm xây dựng và thông qua Chương trình phát triển bền vững ngành Dệt may - Da giày;
Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ ngành da giày theo tinh thần Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ...; tập trung triển khai những chính sách cụ thể để khuyến khích phát triển ngành, động viên xứng đáng cho nỗ lực và đóng góp của các DN trong nâng cấp chuỗi giá trị ngành nhằm tạo ra những lợi ích bền vững.
Các cơ quan chức năng, Hiệp hội ngành hàng và DN cần chủ động theo dõi sát Chiến lược da giày mới và xu hướng phát triển da giày tuần hoàn của EU; nghiên cứu kinh nghiệm điều chỉnh chính sách của các nước có thế mạnh, tiềm lực về da giày như: Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh.
Đồng thời, tăng cường cảnh báo, định hướng, phổ biến, chia sẻ thông tin, hướng dẫn kịp thời để tránh thế bị động trước các điều chỉnh chính sách, quy định mới từ phía EU và các thị trường toàn cầu; từ đó có phản ứng chính sách và thị trường phù hợp, hiệu quả, tránh bị động.
Ngoài ra, cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN đa dạng hóa, khai thác và phát triển thị trường; tăng cường liên kết giữa các DN trong việc chia sẻ thông tin, đơn hàng, kinh nghiệm; đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới công nghệ thiết bị, tự động hóa, ứng dụng quản trị hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn, truy xuất nguồn gốc để đáp ứng yêu cầu thị trường; có giải pháp giữ chân người lao động, nhất là lực lượng nòng cốt; giữ chân khách hàng, duy trì thị trường truyền thống bằng cách lựa chọn đơn hàng phù hợp để khách hàng không chuyển đi nơi khác. Tìm cách khai thác các thị trường mới thông qua xây dựng mối quan hệ đối tác lâu dài, tin cậy, cùng có lợi; mở rộng và khai thác thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương triển khai Kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện các mục tiêu Chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến DN hội viên về Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035...
Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hỗ trợ DN trong xây dựng, điều chỉnh chiến lược, chuyển đổi sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu, xu hướng, chiến lược và quy định mới của các thị trường, nhất là xu hướng chuyển đổi sản xuất, xuất khẩu xanh, bền vững, tận dụng có hiệu quả các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, nhất là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP, VIFTA…
>> Hơn 37 tỷ USD vốn FDI chảy vào ngành dệt may: Tỉnh nào chiếm 'ngôi vương'? 
Dệt may Thành Công (TCM) báo lãi ròng quý II tăng gần 3.700% 
Doanh nghiệp dệt may ‘bi quan’ trước triển vọng kinh doanh 6 tháng cuối năm