Doanh nghiệp muốn sản xuất thép làm ô tô giống Hòa Phát, cổ phiếu về dưới giá trị sổ sách
Ngày 25/4, CTCP Thép Nam Kim (NKG) – doanh nghiệp có hơn 1.500 nhân sự – tổ chức ĐHCĐ thường niên 2025. Bên cạnh chiến lược xoay quanh dự án nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ, câu chuyện về giá cổ phiếu cũng được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên 25/4, cổ phiếu NKG của Nam Kim giao dịch ở mức 11.950 đồng, thấp hơn khoảng 9% so với giá trị sổ sách. Thị giá hiện tại đã giảm 25% trong một tháng gần nhất, đồng thời kéo dài xu hướng giảm kể từ giữa tháng 6 năm ngoái, với mức sụt giảm khoảng 42%.
Tại đại hội, cổ đông đặt câu hỏi về khả năng mua cổ phiếu quỹ để hỗ trợ giá. Trả lời, ông Hồ Minh Quang – Chủ tịch HĐQT cho biết "Công ty vừa phát hành cổ phiếu để huy động vốn (tháng 12/2024). Nếu mua cổ phiếu quỹ thì lại giảm vốn, sẽ bất cập với việc phát hành cổ phiếu vừa rồi. Do đó, công ty không còn ý định mua cổ phiếu quỹ nữa".
Ông Quang trấn an cổ đông: "Cổ đông cứ tự tin vào NKG. Bởi, Công ty xây dựng dự án nhà máy Phú Mỹ và tập trung vào sản phẩm giá trị cao, những sản phẩm Việt Nam chưa làm được thì chúng ta cố gắng làm được. Hy vọng khi nhà máy hoạt động trơn tru sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động. Cho nên, không có lý do gì để mua cổ phiếu quỹ cả".
Một cổ đông khác nêu ý kiến về việc cổ phiếu NKG giảm một nửa từ lúc mua. Lãnh đạo Nam Kim chia sẻ: "Rất buồn khi thị giá đã về lúc phát hành (giá 12.000 đồng/cp). HĐQT và Ban Tổng Giám đốc kỳ vọng đầu tư lâu dài sẽ có lời, nếu nói ngắn hạn sẽ không nói được. Thị trường và nền kinh tế bây giờ có nhiều bất ổn, khi Mỹ áp thuế đối ứng. Kỳ vọng khi nhà máy mới đi vào hoạt động tình hình kinh doanh sẽ khởi sắc".
>> Hàng nghìn cổ đông rời Thép Nam Kim (NKG): Điều gì đang diễn ra?
Liên quan đến thuế đối ứng của Mỹ, Chủ tịch Nam Kim thông tin: "Thuế đối ứng (dự kiến 46%) thì thép không thuộc danh mục này nhưng vẫn bị 25% từ mục 232. Về mặt chính thức, thuế đối ứng không ảnh hưởng. Tôn mạ từ tháng 9/2024, Mỹ đã tiến hành điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp".
Vị lãnh đạo đồng thời lưu ý: "Thuế sơ bộ khá bất lợi, đánh giá đi thị trường Mỹ rất khó khăn" đồng thời khuyên cổ đông nên giữ bình tĩnh trong giai đoạn này, với kỳ vọng tình hình xuất khẩu sẽ ổn định trong vòng 3–6 tháng tới.
Đặt cược vào nhà máy Phú Mỹ
Năm 2025, Nam Kim đặt mục tiêu tiêu thụ 1,05 triệu tấn thép, nhích nhẹ so với 1,02 triệu tấn năm trước. Doanh thu kỳ vọng đạt 23.000 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận trước thuế ước đạt 440 tỷ đồng – giảm hơn 21% so với năm 2024. Ban lãnh đạo cho biết đây là kế hoạch thận trọng trong bối cảnh áp lực thuế quan từ Mỹ gia tăng.
Theo ông Hồ Minh Quang, nhà máy Phú Mỹ – dự án khởi công từ tháng 4/2024 với tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng – dự kiến đi vào vận hành đầu quý I/2026. Với công suất thiết kế 800.000 tấn/năm, nhà máy sẽ nâng tổng công suất Nam Kim lên 2 triệu tấn/năm, tăng 67% so với hiện tại.
Khác với các nhà máy hiện hữu, Phú Mỹ tập trung sản xuất thép chất lượng cao cho các ngành công nghiệp đặc thù như ô tô, đồ gia dụng và công nghiệp nặng – các phân khúc đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật cao và biên lợi nhuận tốt. Nếu thành công, Nam Kim sẽ nối gót Tập đoàn Hòa Phát tham gia chuỗi cung ứng ngành ô tô và đồ gia dụng.
>> Vụ áp thuế chống bán phá giá thép HRC Trung Quốc do Hòa Phát và Formosa khởi xướng vào chặng cuối