Theo phân tích của các chuyên gia, sẽ khó có “người chơi mới” trên sân chơi 5G, mà sẽ chỉ có những nhà mạng đang cung cấp dịch vụ trên thị trường tham gia cuộc chạy đua đấu giá tần số 5G.
Đấu giá sẽ là cuộc chạy đua của những “người chơi cũ”
Chiều nay 8/3, việc đấu giá tần số 5G sẽ được thực hiện bởi Công ty Đấu giá Hợp danh Số 5 – Quốc gia. Sẽ có 3 dải băng tần dành cho 5G được đem ra đấu giá lần này. Như vậy, nếu cuộc đấu giá thành công sẽ có 3 nhà mạng nhận được giấy phép băng tần cung cấp dịch vụ 5G.
Chia sẻ với VietNamNet, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chính sách cấp phép tần số của Bộ TT&TT rất cởi mở, tất cả các doanh nghiệp có đủ điều kiện đều có thể tham gia đấu giá chứ không chỉ có các nhà mạng di động đang cung cấp dịch vụ mới được tham gia đấu giá tần số 5G. Thậm chí, nếu doanh nghiệp đấu giá được tần số 5G thì sau đó sẽ được cấp phép cung cấp dịch vụ thông tin di động.
>> Viettel giữ vững vị thế đứng đầu về Công nghệ thông tin và Viễn thông 
Trên lý thuyết, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá tần số 5G. Nhưng theo phân tích của các chuyên gia, khó có “người chơi mới” trên sân chơi 5G mà sẽ chỉ có những nhà mạng đang cung cấp dịch vụ trên thị trường tham gia cuộc chạy đua đấu giá tần số 5G.
Sở dĩ như vậy vì nếu như một doanh nghiệp nào đó chưa từng cung cấp dịch vụ di động muốn nhảy vào đấu giá để cung cấp dịch vụ 5G thì sẽ phải đầu tư ít nhất 1 tỷ USD. Tuy nhiên, thị trường di động Việt Nam được nhận định bước vào ngưỡng bão hòa về thuê bao. Bên cạnh đó, dịch vụ viễn thông truyền thống như thoại và SMS vốn là “con gà đẻ trứng vàng” cho các nhà mạng đã trên đà suy giảm. Lợi nhuận của các doanh nghiệp trong lĩnh vực di động ở giai đoạn hơn 10 năm trước ở mức 2 con số thì hiện giờ tăng rất thấp ở mức 1 con số. Thị trường đi động đã chuyển từ "mảnh đất màu mỡ" sang mảnh đất nhiều khó khăn cằn cỗi. Như vậy, thị trường di động Việt Nam rất khó có “người chơi mới” nhảy thẳng vào công nghệ  5G.
Trên thực tế hiện nay, thị trường di động với 5 mạng di động có hạ tầng là Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile và Gtel Mobile. Tuy nhiên, thị phần gần như nằm trong tay 3 nhà mạng là Viettel, VNPT, MobiFone. Như vậy, xét về lý thuyết, 3 nhà mạng lớn này có nhiều lợi thế và quyết tâm cao nhất trong cuộc đua giành giấy phép tần số 5G. Tuy nhiên, Vietnamobile cũng đang ở tình trạng thiếu băng tần để phát triển dịch vụ và đang khát tần số cả 4G và 5G. Nếu Vietnamobile không trúng đấu giá tần số 5G thì gần như nhà mạng này sẽ không còn “cửa” ở Việt Nam nữa. Đây thực sự là cuộc chạy đua "sinh tử" của các nhà mạng nhỏ như Vietnamobile.
5G là “cửa” mới cho nhà mạng
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2024 là năm Bộ TT&TT sẽ thương mại hóa 5G trên phạm vi toàn quốc. Nhấn mạnh 5G là không gian mới quan trọng của nhà mạng, Bộ trưởng đưa ra dẫn chứng Nhà mạng China Mobile một năm chi tới 4 tỷ USD, khoảng 3-4% doanh thu, để phát triển các ứng dụng. Họ đã phát triển được trên 30.000 ứng dụng 5G công nghiệp và doanh thu hàng năm của China Mobile vì thế mà tăng trên 10%.
Bộ trưởng đưa ra dẫn chứng tiếp về ứng dụng 5G mà các nhà mạng Trung Quốc đã giải phóng sức lao động cho hàng triệu cô gái vẫn hàng ngày cầm kính lúp soi các bản mạch in để phát hiện lỗi. Họ dùng camera có gắn SIM 5G và chụp ảnh bản mạch chuẩn để chuyển về trung tâm dữ liệu , sau đó, dùng AI để so sánh, phát hiện bản mạch bị lỗi. Đó là một ứng dụng số đơn giản, dễ làm nhưng giá trị mang lại thì vô cùng lớn và cũng giúp cho đất nước tăng năng suất lao động.
Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng nếu không có 5G thì nhà mạng sẽ không có tăng trưởng 10%, nhưng tăng trưởng 10% thì không chỉ là 5G mà là một hệ sinh thái 5G.
Đại diện Ericsson Việt Nam thì cho rằng, 5G sẽ là hạ tầng số gần như thay thế cơ sở hạ tầng vật lý trong việc xây dựng nền tảng cũng như kết nối xã hội tương lai. Cơ sở hạ tầng số này tạo ra kết nối không chỉ giữa con người với con người mà còn giữa con người với máy móc, giữa máy móc với máy móc. Đó là những cơ sở tạo ra tự động hóa cũng như việc chuyển đổi giữa các ngành công nghiệp. Đến năm 2030, 5G dự kiến đem lại cho các nhà khai thác Việt Nam doanh thu 1,5 tỷ USD.
Người dân muốn sớm được dùng dịch vụ 5G
Chia sẻ thực tế sau khi thử nghiệm dịch vụ 5G, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm di động  của Viettel Telecom cho biết, nhu cầu sử dụng 5G của người dân là nhiều nhưng số thiết bị hỗ trợ 5G còn thấp, chỉ chiếm khoảng 17-20%. Trước thực trạng này, Viettel sẽ lựa chọn ưu tiên triển khai 5G ở những khu vực có nhu cầu cao, với tỷ lệ máy điện thoại hỗ trợ 5G cao. Bên cạnh đó là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm đổi mới sáng tạo...
Theo đại diện Viettel Telecom, sau khi trải nghiệm 5G, 100% người dùng chia sẻ mong muốn Việt Nam sớm triển khai 5G để họ được trải nghiệm công nghệ mới với tốc độ cao hơn.
Sau 3 năm thử nghiệm, doanh nghiệp hiện đã có đủ cơ sở đánh giá về chất lượng hạ tầng mạng lưới, hiệu quả, phương án kinh doanh. Do vậy, đây được xem là thời điểm chín muồi cho câu chuyện đấu giá tần số để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ 5G.
Viettel cũng đề xuất Bộ TT&TT sớm triển khai đấu giá  tần số cho 5G càng sớm càng tốt. "5G sẽ thúc đẩy xã hội số, kinh tế số, Chính phủ số. Không có lý do gì không tận dụng các lợi ích 5G mang lại", đại diện Viettel nói.
Chia sẻ với VietNamNet, ông Tô Mạnh Cường, Tổng giám đốc MobiFone khẳng định, MobiFone sẽ triển khai cung cấp dịch vụ nhanh nhất nếu nhận được giấy phép 5G.
Về vấn đề triển khai 5G, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó trưởng Ban Công nghệ tập đoàn VNPT cho rằng, ở thời điểm hiện tại, khi cân đối các yếu tố về thị trường, đầu tư phát triển, việc triển khai thương mại hóa 5G ở Việt Nam đã bắt đầu có hiệu quả. Do vậy, VNPT cũng bày tỏ mong muốn cần thúc đẩy sớm việc thương mại hóa 5G.
>> Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kiểm tra công tác phục vụ Tết của các nhà mạng