Doanh nghiệp

Doanh nghiệp nội khó khăn và phản ứng chính sách

Tư Giang 23/01/2024 - 09:24

Chính phủ đã nỗ lực cải cách trước tình thế khó khăn của khu vực doanh nghiệp trong nước với Nghị quyết 02/NQ-CP.

Một năm gặp thách thức chưa có tiền lệ

Đầu năm 2023 chứng kiến một sự kiện hy hữu khi một nhóm 36 nhà đầu tư tư nhân có các dự án điện mặt trời, điện gió với tổng vốn đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng gửi đơn kiến nghị kêu cứu tới các nhà hoạch định chính sách do những vướng mắc trong cơ chế làm họ không bán được điện, đứt gãy thanh khoản.

Cho đến cuối năm, khó khăn của họ vẫn tiếp tục kéo dài. Luồng đầu tư mới trong ngành năng lượng tái tạo khựng lại, chấm dứt thời kỳ đỉnh cao kéo dài 4 năm trước đó thu hút tổng cộng hơn 20 tỷ USD từ các doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Khó khăn của các doanh nghiệp nêu trên mang tính đặc thù của ngành điện, nhưng thật đáng tiếc, cũng đại diện cho khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nói chung.

dien mat troi 930.jpg
Nhiều nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời đang gặp khó. Ảnh: Nam Khánh

Có lẽ, cần nhắc lại đánh giá của Bộ Công Thương trong báo cáo tổng kết: Nền kinh tế bước vào năm 2023 trong bối cảnh hết sức khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế chung suy giảm mạnh so với cuối năm 2022… Các khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, thiếu đơn hàng, đà tăng trưởng thị trường trong nước có dấu hiệu chững lại, giá xăng dầu và nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, chi phí sản xuất, vận tải còn ở mức cao, áp lực cạnh tranh và sự gia tăng các rào cản kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu, nhiều bất cập, vướng mắc nội tại sau nhiều năm tích tụ tiếp tục bộc lộ…, tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm và đời sống của người lao động.

Tình hình nêu trên được Bộ Kế hoạch và Đầu tư khái quát: nền kinh tế đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm qua số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên đến 172.578, cao hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 159.294, nếu không tính 58.412 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Sức khỏe của doanh nghiệp như trên đáng báo động khi xem xét thêm thêm góc khác: đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước chỉ tăng 2,7% trong năm 2023, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 14,5%, 3,0%, 7,1% và 8,1% tương ứng cho các năm 2019, 2020, 2021 và 2022.

Như vậy, tốc độ tăng đầu tư của khu vực tư nhân năm 2023 còn thấp hơn của năm 2020 và 2021, những năm chịu tác động nặng nề của chính sách chống đại dịch Covid-19. Hay nói cách khác, tình hình còn khó khăn hơn thời Covid-19.

Doanh nghiệp nội rất khó khăn

Tình thế này cũng được Nghị quyết 02 của Chính phủ ghi nhận: Cộng đồng doanh nghiệp gặp khó khăn so với các năm trước. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Năng lực hấp thụ vốn sụt giảm khiến tăng trưởng tín dụng chậm. Xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn, chậm phục hồi.

Bên cạnh đó, các gói kích cầu như giảm thuế giá trị gia tăng đã được triển khai, nhưng tiêu dùng trong nước tăng chậm, thấp hơn nhiều so với các năm trước. Thực tế này phần nào phản ánh sự suy giảm nhu cầu đầu tư, kinh doanh; thể hiện mức độ khó khăn và sức chống chịu suy yếu của doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực xuất khẩu, do đơn hàng suy giảm khu vực kinh tế trong nước đạt 95,55 tỷ USD, giảm 0,3%, chiếm 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này phản ánh rất rõ khi chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam tháng 12/2023 đạt 48,9 điểm, là tháng thứ tư liên tiếp nằm dưới ngưỡng 50 điểm, cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới giảm.

Sức khỏe của doanh nghiệp được phản ánh rất rõ trong việc tiếp cận vốn. Cuối năm 2022, tình trạng thiếu tiền, khó khăn về thanh khoản đã là mối lo cho sức khỏe của doanh nghiệp và nền kinh tế. Đến cuối năm 2023, lãi suất giảm kỷ lục mà hệ thống ngân hàng thương mại “thừa tiền” cho thấy sức khỏe của doanh nghiệp và nền kinh tế suy kiệt hơn.

hoa tet.jpeg
Doanh nghiệp khó khăn đặc biệt sau 2 năm Covid-19 và hai năm phải đối mặt với những bất ổn của kinh tế vĩ mô toàn cầu. Ảnh: Anh Văn

Báo cáo chuyên đề khảo sát tình hình doanh nghiệp cuối năm 2023 và nhận định bối cảnh kinh doanh năm 2024 của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho thấy tình trạng sức khỏe cụ thể hơn.

Trong tổng số 2.734 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 82.4% doanh nghiệp đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm 2023; 69.1% đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế năm 2024.

Về sức mạnh nội tại và dự kiến kinh doanh, có 72.8% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong năm 2024. Trong số đó, tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 11.8%; dự kiến tạm ngừng kinh doanh là 12.2%; dự kiến giảm mạnh quy mô là 28.2% và dự kiến giảm nhẹ quy mô là 20.6%.

Trong số các doanh nghiệp dự kiến còn hoạt động năm 2024, có 58.9% có thể giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 16.6% giảm trên 50%; có 60.2% DN dự kiến giảm doanh thu, trong đó tỷ lệ giảm trên 50% doanh thu là 17.3%.

Xu hướng này cũng được phản ánh trong các báo cáo của Tổng cục Thống kê. Tháng 4/2023, có 5.837 doanh nghiệp ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và 1.509 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể; đến tháng 12/2023 con số này đã cao lên tương ứng là 8.687 và 1.866.

Giám đốc Văn phòng Ban IV bà Phạm Thị Ngọc Thủy nhận xét, “Doanh nghiệp kiệt sức là sự thật, đặc biệt sau 2 năm Covid-19 và 2 năm phải đối mặt với những bất ổn của kinh tế vĩ mô toàn cầu”.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung, một trong những tác giả của Luật Doanh nghiệp tính toán, sau 23 năm sau khi luật được triển khai, sửa đổi, mang lại các làn sóng thành lập doanh nghiệp, thì đến nay, mật độ doanh nghiệp ở Việt Nam còn rất thưa thớt. Tính trung bình cả nước chỉ có 9 doanh nghiệp/1.000 dân; có 40 tỉnh có mật độ 4 doanh nghiệp/1.000 dân trở xuống; chỉ có 6 địa phương có 12 trở lên, bao gồm Hà Nội và TP.HCM.

Khu vực doanh nghiệp tạo ra khoảng 15 triệu lao động, khoảng 30% lực lượng lao động trong nền kinh tế. Trong số đó, khoảng 2/3 làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và bán buôn, bán lẻ; khoảng 60% trong việc làm trong khu vực doanh nghiệp tư nhân, 33% trong FDI; 70% doanh nghiệp là siêu nhỏ, hơn 25% là nhỏ; thiếu vắng đội ngũ doanh nghiệp vừa; 2,6% doanh nghiệp lớn.

Chưa đầy 30% số doanh nghiệp siêu nhỏ kinh doanh có lãi. Hiệu quả kinh doanh trên tất cả các chỉ số của doanh nghiệp nhóm này nói chung rất thấp, thường bằng 0 hoặc âm. Hay nói cách khác, phần đông doanh nghiệp siêu nhỏ không bảo toàn được vốn, không thể tự tích luỹ để tái đầu tư.

Thời điểm để thay đổi, phục hồi

Xin nói thêm, khó khăn của doanh nghiệp trong nước rất tương phản với doanh nghiệp FDI. Trong năm 2023, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng hơn 32% so với năm 2022. Trong đó, vốn đăng ký đầu tư mới đạt gần 20,2 tỷ USD, tăng hơn 62% so với năm 2022, phản ánh các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam. FDI thực hiện năm 2023 ước đạt khoảng 23,2 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022.

Số vốn FDI cao kỷ lục như trên cho thấy, vai trò của Việt Nam không ngừng được củng cố trên trường quốc tế, tạo lập được lòng tin của các nhà đầu tư FDI.

Trong bối cảnh thuận lợi cho khu vực FDI, khó khăn cho doanh nghiệp nội địa, Ban IV trong báo cáo gửi Thủ tướng cho rằng, đây là “thời điểm vàng” của cải cách, giải quyết triệt để những vấn đề nội tại của nền kinh tế cũng như của mô hình phát triển để tạo ra các động lực phát triển mới.

Họ kiến nghị: “Nếu không được vun đắp kịp thời, sức lực của doanh nghiệp sẽ cạn kiệt. Vì thế, năm 2024 là thời điểm cần tiếp tục khoan thư sức dân, sức doanh nghiệp hơn bao giờ hết để nuôi dưỡng niềm tin và năng lực phục hồi của doanh nghiệp cũng như tổng thể nền kinh tế”.

Nỗ lực của Chính phủ
Chính phủ đã nhận ra rõ tình thế này và đã ban hành Nghị quyết 02 để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 sau khi nghị quyết này vắng bóng năm 2023.
Nghị quyết yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh quán triệt, chấp hành nghiêm, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp theo đúng quy định của Hiến pháp 2013; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và phát triển các ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo. Cải cách theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp.

>> Năm 2023, giải ngân vốn FDI ở mức kỷ lục hơn 23 tỷ USD

Hỗ trợ doanh nghiệp trước tình trạng cước vận tải container tăng

AI sẽ có khả năng phát minh, kinh doanh thương mại và quản lý doanh nghiệp

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/doanh-nghiep-noi-kho-khan-va-phan-ung-chinh-sach-2242381.html
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Doanh nghiệp nội khó khăn và phản ứng chính sách
    POWERED BY ONECMS & INTECH