Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất liên tục 4 lần song vốn kinh doanh vẫn là một trong những khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp đang phải đối diện.
Theo Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dù doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn song đã có nhiều tín hiệu tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh được ghi nhận. 6 tháng đầu năm, có 113.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại thị trường. Trong đó, riêng tháng 6, có 13.900 doanh nghiệp thành lập mới và 7.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Đây là số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt mức cao nhất trong tháng 6 từ trước đến nay.
Ở chiều ngược lại, mỗi tháng trung bình có 16.700 doanh nghiệp đóng cửa, giảm so với mức bình quân doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong một tháng của giai đoạn 5 tháng đầu năm 2023 (17.600 doanh nghiệp) và giai đoạn 4 tháng đầu năm 2023 (hơn 19.000 doanh nghiệp).
Còn theo số liệu điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo- ngành công nghiệp chủ lực - trong quý II/2023, có 27,5% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý I/2023. Dự kiến trong quý III tới, 34,3% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2023; 38,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 27,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Nhận định về khó khăn của doanh nghiệp, Cục Đăng ký kinh doanh cho rằng, vốn kinh doanh vẫn là một trong những khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp đang phải đối diện.
Theo thống kê, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 9,3 tỷ đồng; giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn mức bình quân 6 tháng đầu năm giai đoạn 2018-2022 và là mức thấp nhất trong 6 tháng đầu năm kể từ năm 2017.
6 tháng vừa qua cũng là thời điểm Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh liên tục 4 lần các mức lãi suất với mức giảm từ 0,5 - 2,0%/năm. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp, đến giữa tháng 6 chỉ tăng 3,36% so với năm 2022, chưa bằng 1/4 mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm (khoảng 14-15%).
Nguyên nhân của việc tín dụng tăng trưởng chậm, theo Cục Đăng ký kinh doanh, giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao dẫn tới giá cả hàng hoá tăng, trong khi đó, tác động của suy thoái kinh tế thế giới, lạm phát khiến sức mua của nền kinh tế cả trong nước và thế giới đều suy giảm, hàng tồn kho nhiều. Đầu ra tiêu thụ sản phẩm khó khăn, đơn hàng thiếu, thậm chí một số doanh nghiệp phải giảm bớt lao động dẫn đến việc doanh nghiệp giảm nhu cầu vay vốn mới để sản xuất .
Ngoài ra, tình hình tài chính của một số doanh nghiệp suy yếu, phương án kinh doanh không khả thi dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng. Các nguồn vốn thị trường như trái phiếu, chứng khoán và thị trường bất động sản chậm khôi phục.
Để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, giải pháp tháo gỡ khó khăn về tài chính, g iảm lãi suất vay vốn và được hỗ trợ quá trình hoàn thiện hồ sơ vay vốn nhanh hơn để doanh nghiệp có nguồn vốn sản xuất kinh doanh được doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất trong thời điểm này. Bên cạnh đó là kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.
Với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đảm bảo ổn định năng lượng, cung cấp đủ điện liên tục, không bị gián đoạn cũng là một trong những mong muốn lớn nhất. Theo điều tra của Tổng cục Thống kê, việc cắt điện luân phiên tại một số địa phương phía Bắc đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý II, thể hiện qua yếu tố “thiếu năng lượng” trở thành lựa chọn của nhiều doanh nghiệp.
Với 8,5% doanh nghiệp lựa chọn, tăng 7,1% so với quý trước, đây là yếu tố biến động nhiều nhất trong số các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Quý II/2023 cũng là quý đầu tiên trong vòng 5 năm gần đây tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công suất máy móc, thiết bị từ 70% đến dưới 90% đạt dưới 40%.