Doanh nhân Đặng Văn Thành: 45 năm ‘chinh chiến’, hệ sinh thái TTC Group có được những gì?
Doanh nhân Đặng Văn Thành không chỉ nổi tiếng trong đế chế mía đường, năng lượng, mà còn được biết đến với những dấu ấn không phai trong ngành tài chính.
Năm 2024 đánh dấu cột mốc 45 năm hình thành và phát triển của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) - một trong những tập đoàn lớn, đa ngành nghề tại Việt Nam. Hiện TTC hoạt động trong 6 lĩnh vực chính, gồm nông nghiệp, năng lượng, bất động sản, bất động sản công nghiệp, du lịch và giáo dục.
Hệ sinh thái của TTC rộng lớn với khoảng 120 đơn vị trực thuộc, trong đó 4 doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết trên HoSE là CTCP Thành Thành Công Biên Hoà (TTC AgriS – SBT ), CTCP Điện Gia Lai (GEG ), CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land – SCR ) và CTCP Du lịch Thành Thành Công (TTC Hospitality – VNG ).
TTC gắn liền với tên tuổi doanh nhân Đặng Văn Thành, người ghi dấu ấn lớn trong nhiều lĩnh vực hoạt động.
TTC Group ngày nay, tiền thân là một cơ sở sản xuất cồn với vốn điều lệ chỉ 100 triệu đồng, do ông Đặng Văn Thành cùng vợ là bà Huỳnh Bích Ngọc thành lập. Thời kỳ đó, Thành Thành Công là một trong những cơ sở sản xuất cồn có quy mô lớn nhất ở TP Hồ Chí Minh.
Năm 1998, sau 20 năm tích luỹ, Công ty TNHH Thương mại – sản Xuất Thành Thành Công ra đời, mở đầu cho sự xâm nhập sâu vào các lĩnh vực đầy tiềm năng như mía đường, ngân hàng, bất động sản và du lịch.
Những năm sau đó, loạt ‘cái đầu tiên’ nối nhau ra đời, từ hệ thống kho bãi, hệ thống giao dịch mật rỉ, vận tải, cụm kho tại các khu công nghiệp….
Thêm 10 năm để củng cố nội lực, năm 2007, TTC cổ phần hoá, tăng vốn để thực hiện các tham vọng. Năm 2016, công ty chính thức hoạt động theo mô hình Tổng công ty đa ngành, với các ngành chính gồm bất động sản, năng lượng, mía đường, du lịch, giáo dục.
Năm 2020, TTC tăng vốn điều lệ lên gần 19.400 tỷ đồng, tổng tài sản đạt trên 72.300 tỷ đồng. Kết thúc năm 2021, TTC Group tăng vốn điều lệ lên 20.269 tỷ đồng và tổng tài sản đạt trên 80.300 tỷ đồng.
Đến nay, TTC Group mở rộng hệ sinh thái với 120 đơn vị thành viên, hoạt động trong 6 lĩnh vực chính. Mọi bước đi của TTC Group gắn liền với tên tuổi doanh nhân Đặng Văn Thành và những thành viên trong gia đình ông.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành mía đường, tuy vậy, thật kỳ lạ khi những danh xưng như Vua mía đường, Nữ hoàng mía đường (bà Huỳnh Bích Ngọc - vợ ông Thành) hay Công chúa mía đường (bà Đặng Huỳnh Ức My - con gái ông Thành) lại cùng thuộc về những người trong 1 gia đình - gia đình mía đường Đặng Văn Thành.
Không chỉ đồng hành cùng TTC Group và hệ sinh thái mía đường, trong giới tài chính, tên tuổi ông Đặng Văn Thành còn gắn liền với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – STB ) cùng những câu chuyện truyền kỳ đầy cảm hứng.
Năm 1991, khi đang nỗ lực đặt nền móng cho sự hình thành của Công ty Thành Thành Công với hệ sinh thái mía đường, ông Đặng Văn Thành bất ngờ ‘rẽ ngang’, tham gia góp vốn thành lập ngân hàng Sacombank.
Thời điểm đó, ngành tài chính Việt Nam vừa ‘mở cửa’, ông Đặng Văn Thành cũng được xem là doanh nhân đi trước đón đầu, Sacombank là một trong những ngân hàng đầu tiên được thành lập tại TP HCM. Sacombank lúc đầu có quy mô khiêm tốn, vốn điều lệ 3 tỷ đồng, ông Đặng Văn Thành giữ chức vụ Uỷ viên HĐQT. Từ 1994-2012, ông Đặng Văn Thành được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT, giữ vị trí người đứng đầu trong suốt 16 năm.
Cùng với Sacombank, ông Đặng Văn Thành ghi dấu ấn lớn trong ngành tài chính, khi năm 2006 đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán, trở thành ngân hàng TMCP đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE. Sacombank cũng trở thành ngân hàng đầu tiên của Sài Gòn tiến quân ra Bắc, khai trương chi nhánh tại Hà Nội (năm 1993). Sacombank cũng là ngân hàng đầu tiên thực hiện việc phát hành cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn điều lệ (năm 1996), được sự hưởng ứng của đông đảo nhà đầu tư (hút khoảng 9.000 cổ đông góp vốn).
Không chỉ vậy, con trai ông Thành, ông Đặng Hồng Anh, cũng cùng cha gây dựng sự nghiệp. Dưới thời ông Đặng Văn Thành, Sacombank được nhắc tới là một trong những ngân hàng TMCP có tiềm lực mạnh mẽ, lợi tăng trưởng đều đặn hàng năm.
Đồng hành cùng Sacombank gần 20 năm, song ông Đặng Văn Thành vẫn không thể tránh khỏi vòng cuốn của những cuộc đổi ngôi. Năm 2012, ông Đặng Văn Thành thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT. Các thành viên trong gia đình và cả hệ sinh thái TTC Group cũng lần lượt bán bớt vốn tại Sacombank. Cuộc ‘rời đi’ của ông Đặng Văn Thành tại Sacombank đến nay vẫn được giới tài chính nhắc lại như một vụ thâu tóm điển hình.
Đến với Sacombank với tư cách người sáng lập, ghi dấu ấn đậm nét trong ngành tài chính với rất nhiều những ‘cái đầu tiên’ chưa có tiền lệ, và rời đi trong vụ thâu tóm đình đám ngành ngân hàng, tên tuổi ông Đặng Văn Thành ngày nay vẫn được nhắc tới gắn liền với các bước ngoặt của Sacombank.
Rời Sacombank, ông Đặng Văn Thành quay về tập trung tất cả nguồn lực cho hệ sinh thái TTC Group, xây dựng hệ thống trở thành một tập đoàn hoạt động đa ngành nghề. TTC Group cũng liên tục khẳng định mình tại mỗi lĩnh vực mà mình theo đuổi.
45 năm ‘chinh chiến’ cùng Thành Thành Công, hệ sinh thái TTC Group của doanh nhân Đặng Văn Thành có được những gì?
Ở mảng bất động sản công nghiệp, TTC Industrial hiện sở hữu 2 khu công nghiệp, 1 cụm công nghiệp, 2 cảng thuỷ nội địa và 15 tổng kho. Trong đó, khu công nghiệp Thành Thành Công có quy mô 1.020ha, bao gồm cả phần khu công nghiệp (760ha) và khu dân cư (76ha), khu kho cảng và nhà máy điện mặt trời (184ha).
Ở mảng giáo dục, tháng 6/2022, TTC Group thực hiện thành công thương vụ M&A, mang Trường Đại học Yersin Đà Lạt và Trường THPT Yersin Đà Lạt về cùng trong hệ sinh thái.
Mang Đại học Yersin Đà Lạt về, cũng đồng nghĩa với việc TTC Group có thêm quỹ đất lớn, đồng thời mở ra lợi thế cho ngành du lịch khi trường đại học này nằm tại thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam.
Ở mảng bất động sản, TTC Land được giới thiệu quản lý quỹ đất lên đến 1.875ha với gần 15.000 sản phẩm công bố ra thị trường. Các dự án của TTC Land tập trung chủ yếu tại TP HCM, các tỉnh thành vệ tinh lân cận và các thành phố lớn như Đà Nẵng, Phú Quốc, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An…
Mới đây, sau khi công bố kết quả kết thúc quý 3/2024, vượt xa mục tiêu lãi cả năm với doanh thu đạt 329 tỷ đồng và lãi trước thuế đạt 22 tỷ đồng, lần lượt tăng 20,5% và 37% so với cùng kỳ, hoàn thành 137% kế hoạch lãi cả năm, TTC Land tiếp tục có các động thái mạnh, triển khai nhiều hoạt động hiện thực hóa chiến lược kinh doanh, sẵn sàng đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới.
Ở mảng năng lượng, CTCP Điện Gia Lai hiện quản lý 13 nhà máy thuỷ điện, 5 nhà máy điện gió, cùng hệ thống nhà máy điện mặt trời, công trình điện mặt trời và điện gió cùng, tổng công suất vận hành 800MW, cung cấp 5,9 tỷ kWh sản lượng điện cho lưới điện quốc gia. Điện Gia Lai đang hướng đến tiêu chuẩn Net Zero vào năm 2050.
Tính đến cuối quý III/2024, tổng tài sản Điện Gia Lai đã vượt 16.000 tỷ đồng. Doanh thu 9 tháng đầu năm 2024 tăng 11% lên 1.770 tỷ đồng; biên lợi nhuận gộp đạt xấp xỉ 49%.
Ở mảng du lịch, hiện TTC Hospital (VNG) đang quản lý một đơn vị lữ hành, 10 khách sạn, 5 khu nghỉ dưỡng, 2 khu vui chơi, 4 trung tâm hội nghị, nhà hàng với quy mô 1.500 phòng ở tiện nghi.
Cùng với sự hiện diện của các đơn vị trong hệ sinh thái TTC Group, TTC Hospital đặt nền móng cho ngành du lịch bền vững khi tiên phong sở hữu chuỗi giá trị theo mô hình hoạt động khép kín ‘Lưu trú - Trung tâm hội nghị/ Nhà hàng - Khu vui chơi - Lữ hành’ tại khoảng 20 điểm đến ở các tỉnh, thành trên cả nước. Thậm chí, TTC Hospital đã ‘vươn mình’, đặt chân ra ngoài biên giới với điểm đến tại thành phố Siem Reap (Campuchia).
Mảng nông nghiệp của TTC Group tập trung chủ yếu ở ngành mía đường. Đế chế mía đường TTC sở hữu vùng nguyên liệu rộng 71.000ha với 10 nhà máy, trải dài 4 quốc gia, xuất khẩu đi 50 nước và vùng lãnh thổ. Hiện hệ thống đang sản xuất được khoảng 4.690 tấn đường/ngày và chiếm khoảng 46% thị phần đường cả nước.
Năm tài chính 2023-2024, doanh thu thuần TTC AgriS đạt hơn 29.000 tỷ đồng và lãi sau thuế vượt 800 tỷ đồng. Tổng tài sản vượt 34.000 tỷ đồng, đồng thời duy trì tổng nợ phải trả hơn 22.900 tỷ đồng, trong nó nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn xấp xỉ 16.000 tỷ đồng.
Gia đình doanh nhân Đặng Văn Thành
Hiện nay trên thương trường, nhắc đến doanh nhân Đặng Văn Thành, thông thường sẽ nhắc kèm biệt danh ‘ông vua mía đường’. Không chỉ vậy, cả gia đình ông đều gắn liền với hệ sinh thái Thành Thành Công và các danh xưng trong ngành mía đường.
Vợ ông Đặng Văn Thành, bà Huỳnh Bích Ngọc, là người đồng hành khởi nghiệp cùng ông Thành từ năm 1979 với xưởng sản xuất cồn nhỏ quy mô vốn 100 triệu đồng. Đến nay bà Huỳnh Bích Ngọc kiêm nhiệm nhiều vị trí trong hệ sinh thái TTC Group. Hiện bà là Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Giám đốc TTC Group, cùng nhiều vị trí khác trong hệ sinh thái TTC Group.
Ở ‘bề nổi’ tại các doanh nghiệp trên sàn, mới đây, bà Bích Ngọc ‘lui về hậu trường’ tại TTC AgriS, chuyển giao vị trí Chủ tịch HĐQT cho con gái, bà Đặng Huỳnh Ức My. Tại TTC Land, bà cũng đã thôi nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT hồi tháng 4/2024.
Những người con của ông Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc đều tham gia hoạt động kinh doanh của gia đình từ rất sớm, trong đó nổi bật nhất là 2 cái tên Đặng Huỳnh Ức My và Đặng Hồng Anh.
Bà Đặng Huỳnh Ức My được gọi với biệt danh ‘công chúa mía đường’. Sinh năm 1981, bà Ức My có trong tay bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Tiếp nhận vị trí Chủ tịch HĐQT TTC AgriS từ mẹ, bà Đặng Huỳnh Ức My đang thổi làn gió mới vào ngành mía đường nói chung và công ty mình nói riêng.
Cùng cha chinh chiến cả trong ngành tài chính tại Sacombank, đến cả đế chế Thành Thành Công, vị thiếu gia Đặng Hồng Anh đã nổi tiếng trên thương trường nhiều năm nay. Hiện ông Hồng Anh kiêm nhiệm và kinh qua nhiều chức vụ quan trọng tại TTC Group, như DHC Corp hay Sacomreal...
Vị thiếu gia nhà mía đường này còn được nhắc đến nhiều như một “cá mập” trong chuỗi chương trình Shark Tank. Ông Đặng Hồng Anh tham gia Shark Tank từ mùa thứ 2 và để lại nhiều dấu ấn trong các thương vụ đầu tư.
Ông Đặng Huỳnh Anh Tuấn, một người con khác của ông Đặng Văn Thành cũng đã tham gia lãnh đạo tại nhiều doanh nghiệp trong hệ sinh thái gia đình. Tại Điện Gia Lai, hiện ông Anh Tuấn đang là thành viên HĐQT không điều hành.
Ông Anh Tuấn còn là Chủ tịch HĐQT của CTCP Năng lượng TTC, và là thành viên HĐQT tại nhiều đơn vị thành viên khác trong tập đoàn.
Là ‘sếp’, người lãnh đạo chủ chốt trong hệ sinh thái TTC Group, tuy vậy bản thân ông Đặng Văn Thành không nắm giữ nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp trong hệ sinh thái đang giao dịch trên sàn chứng khoán.
Do vậy, bản thân ông Đặng Văn Thành không thường xuyên được nhắc tới trong Top những người giàu. Còn xét giá trị các cổ phiếu của các doanh nghiệp trên sàn mà gia đình doanh nhân Đặng Văn Thành nắm giữ, con số cũng không hề nhỏ.