Thị trường

Doanh nhân Thái Hương và giấc mơ ‘tỷ đô xanh’ của người Việt

Hồ nga 06/04/2025 - 08:00

Hành trình vượt qua trăn trở, thử thách và cả nước mắt để chạm tới thành công của doanh nhân Thái Hương không chỉ là câu chuyện cá nhân. Đó là hình ảnh cho một xu thế tất yếu – sự chuyển mình vì một tương lai bền vững và vươn cao hơn của người Việt.

cover-pc(1).jpg

Dọc theo con đường Hồ Chí Minh hôm nay, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước sự "thay da đổi thịt" của vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ. Những cánh đồng cỏ mombasa xanh mướt trải dài trên diện tích 2.230ha, những cánh đồng ngô, hoa hướng dương bát ngát, những nhà máy, trang trại bề thế công nghệ hiện đại... Đó là minh chứng cho sự lột xác ngoạn mục của vùng đất này, sau gần 15 năm Tập đoàn TH rót vốn đầu tư vào dự án sữa tươi sạch tại Nghĩa Đàn, Nghệ An, tập trung ứng dụng công nghệ cao với quy trình sản xuất khép kín quy mô lớn nhất thế giới

anh-3-2-.jpg

Không chỉ dừng lại ở những thành tựu kinh tế, Tập đoàn TH true MILK đã khẳng định vị thế "người tiên phong" trong việc bảo vệ môi trường. Tại COP26, họ đã đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, khẳng định quyết tâm theo đuổi mô hình kinh tế xanh, kinh tế bền vững.

Dưới sự dẫn dắt của Anh hùng Lao động Thái Hương, Tập đoàn TH đã và đang kiến tạo một "hệ sinh thái" nông nghiệp công nghệ cao, góp phần nâng bước nền nông nghiệp Việt Nam trên con đường phát triển bền vững. Nhìn lại chặng đường "nữ tướng" ấy đã đi qua, những thành tựu đã đạt được và những kế hoạch được vẽ ra chi tiết cho tương lai, sẽ không ngoa khi giới thương trường gọi bà là “Người đàn bà sữa”.

asset-2.png

PV: Cơ duyên nào khiến bà nung nấu làm "cuộc cách mạng "sữa sạch trong vòng xoáy kinh tế tuần hoàn? Câu chuyện khởi nguồn như thế nào để đưa tới quyết định này?

Nhà sáng lập Thái Hương: Đỉnh điểm để tôi có một quyết định đầy táo bạo, đầy dũng cảm là sự cố sữa nhiễm melamine của Trung Quốc năm 2008, nguy cơ có thể làm cho hàng triệu triệu trẻ em phải chảy máu thận. Vào cái đêm định mệnh đầy nhân duyên đó, sau khi xem truyền hình đưa tin có kèm hình ảnh, tôi đã đau thắt trái tim mình. Với trực quan của một người mẹ, tôi quả quyết, không thể chậm trễ hơn nữa và ngay sáng hôm sau tôi đã khẩn cấp họp Hội đồng tín dụng và ra quyết định tư vấn cho TH làm sữa sạch ngay trên đồng đất quê hương mình.

Gọi đầu tư vào nông nghiệp là cuộc cách mạng cũng đúng, bởi ở thời điểm hơn 16 năm trước, khái niệm “kinh tế tuần hoàn” vẫn mơ hồ, trong khi các doanh nghiệp còn e dè, thì tôi lại đi "ngược sóng", đầu tư “khủng”, sẵn sàng rót hàng tỷ đô la cho lĩnh vực này. Tôi luôn chủ trương lựa chọn những công nghệ, máy móc hiện đại "đỉnh" hàng đầu để đi con đường "xanh", và hệ thống trang trại của dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tươi sạch tại huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) có quy mô lên tới 1,2 tỷ USD ra đời theo một chuỗi sản xuất khép kín, một vòng tuần hoàn từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch.

Tại các trang trại của Tập đoàn TH, không có khái niệm "phế phẩm". Mọi thứ đều được tận dụng tối đa, biến rác thải thành tài nguyên. Bằng việc tự động hóa, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 một cách mẫu mực trong sản xuất nông nghiệp và chế biến cùng khoa học quản trị theo chuỗi, TH đã tạo ra một hệ sinh thái sản xuất khép kín, tối ưu hóa mọi nguồn lực và giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường, dẫn lối và định hình cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam.

PV: Chuyển đổi xanh đang là yêu cầu bức thiết cho sự phát triển bền vững của nhiều nước trên thế giới. Việc đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn xanh, giảm thiểu khí phát thải nhà kính đang được TH thực hiện thế nào, thưa bà?

Nhà sáng lập Thái Hương: Xu hướng tiêu dùng xanh, hướng đến phát triển bền vững không còn là thị trường ngách mà đang trở thành "luật chơi mới" trong câu chuyện thương mại toàn cầu, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhanh chóng chuyển đổi để "rộng đường" xuất khẩu và được hưởng những ưu đãi riêng của quốc gia nhập khẩu. Tự hào khi Tập đoàn TH là doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi xanh thông qua mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, với các giải pháp nhằm thực hành một nền kinh tế phát thải thấp.

Có thể kể đến các hành động như: Xây dựng hệ thống xử lý chất thải với những công nghệ và thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới. Từ năm 2014, TH đã có máy tách phân, đã xử lý chất thải trang trại thành phân bón vi sinh. Đến nay, TH có nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ, mà sản phẩm không chỉ đủ sử dụng trong canh tác của Tập đoàn mà còn bán ra thị trường.

Bên cạnh đó là hệ thống xử lý nước thải. Mỗi cụm trang trại có nhà máy xử lý nước thải riêng, công suất từ 1.200 đến 2.500 m3/ngày đêm. Đầu ra của các nhà máy là nước đạt tiêu chuẩn xả thải của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Từ năm 2020 bắt đầu lắp pin mặt trời mái nhà: sản xuất khoảng 8 triệu kWh/năm, tương đương giảm 5.000-6.000 tấn CO2 phát thải/năm; Thay nhiên liệu hóa thạch bằng nhiên liệu sinh khối; Thu gom bao bì sau sử dụng.

asset-5.png

Đồng thời, đề ra nhiều sáng kiến nhằm giảm nhựa trong sản xuất, ví dụ: bỏ màng co nắp chai, giảm trọng lượng nhựa trên mỗi chai nước, giảm độ dày của nhãn mác bọc chai, thậm chí giảm cả lượng keo dán ống hút, tất cả đều trong chừng mực không ảnh hưởng tới chất lượng, mẫu mã sản phẩm mà vẫn giảm rác thải nhựa; Trồng cây xanh và phối hợp với các đơn vị phục hồi rừng nhằm tăng hấp thụ khí CO2… Các mô hình tuần hoàn nhỏ ở từng đơn vị và mô hình tuần hoàn lớn kết nối toàn bộ hệ sinh thái các đơn vị trực thuộc Tập đoàn.

asset-3.png

PV: Quá trình giảm phát thải khí nhà kính, từng bước chuyển đổi xanh thực sự không hề dễ dàng bởi nó liên quan đến vốn, thiết bị, quy trình công nghệ, đặc biệt là việc đưa nông dân vào chuỗi mắt xích của kinh tế xanh, tuần hoàn. TH gặp phải thách thức như thế nào, đâu là những giải pháp mà tập đoàn đã áp dụng để vượt qua khó khăn?

Nhà sáng lập Thái Hương: Nhiều giải pháp chuyển đổi xanh, đặc biệt là kinh tế tuần hoàn, thường gắn liền với công nghệ cao, đòi hỏi chi phí lớn, đầu tư lớn và tầm nhìn dài hạn. Tuy nhiên đối với Tập đoàn TH, đây không phải là thách thức mà là một cơ hội. Bởi ngay từ những ngày đầu thành lập, triết lý phát triển bền vững và cam kết bảo vệ môi trường đã luôn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của chúng tôi. Việc áp dụng các công nghệ số và mô hình kinh tế xanh – tuần hoàn giúp chúng tôi không chỉ bảo vệ môi trường, mà còn tối ưu hóa chi phí sản xuất, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn và tăng cường lòng tin của người tiêu dùng.

Với tôi, thách thức lớn nhất là tư duy. Còn nhớ những ngày đầu, khi vừa đặt vấn đề, nhiều người coi đây là mô hình viển vông, mất thời gian, tốn kém chi phí, bởi tâm lý chung của họ là e ngại, sợ rủi ro. Thế nhưng, tôi đã thành công khi đưa người nông dân Nghĩa Đàn vào mắt xích đầu tiên trong chuỗi sản xuất sữa tươi sạch. Bên cạnh việc tự chủ thức ăn thô xanh cho bò sữa, cụm trang trại bò sữa TH ở Nghĩa Đàn cũng tổ chức thu mua ngô, cỏ cho nông dân trên địa bàn thông qua các Hợp tác xã với các tiêu chí đồng nhất về chất lượng. Tiếp theo đó, TH phát triển nhiều dự án trồng trọt, chăn nuôi ở các tỉnh và đồng hành cùng nông dân trên tiến trình phát triển.

asset-8.png

Để lôi kéo những con người dám "đương đầu" vào cuộc, TH true MILK đã thiết kế 3 lộ trình: Biến người nông dân thành thành viên hợp tác xã, trao cho họ quyền làm chủ và chia sẻ lợi ích; Truyền đạt kiến thức khoa học kỹ thuật, giúp họ nâng cao năng lực sản xuất và quản lý; Xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ, tạo ra sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau.

Đó là bài toán "khó nhằn", bởi sự kết nối giữa các thành viên trong chuỗi rất dễ đổ vỡ. Bản chất của mô hình chuỗi đó là sự phụ thuộc lẫn nhau và ai cũng muốn tối đa hóa lợi ích của mình nên mâu thuẫn là tất yếu. Để đảm bảo tính bền vững chuỗi, yếu tố quan trọng nhất vẫn là vai trò dẫn dắt của người thuyền trưởng. Thiếu đi đầu tàu, bà con nông dân “mạnh ai nấy làm” thì không bao giờ thành công. Mắt xích nào cũng có khó khăn nhưng đều có sự thú vị riêng của nó. Nếu mình làm mọi thứ một cách nghiêm túc, bài bản thì những khó khăn ấy không phải là trở ngại, mà là những bài tập rèn luyện bản lĩnh.

Đặc biệt, để đảm trình độ và nhận thức của người lao động không chỉ bắt kịp mà còn dẫn đầu trong cuộc cách mạng xanh và công nghệ 4.0, chúng tôi đã xây dựng một "hệ sinh thái học tập" không ngừng nghỉ. Khuyến khích nhân viên tham gia các hội thảo, diễn đàn quốc tế, để mắt thấy tai nghe những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất. Họ không chỉ là người học, mà còn là sứ giả mang những ý tưởng đột phá về ứng dụng vào thực tiễn Việt Nam. Chúng tôi hướng đến những thành tựu lớn về khoa học kỹ thuật của thế giới như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và internet vạn vật, biến chúng thành công cụ đắc lực để cải thiện các quy trình làm việc, tăng cường tiếp cận khách hàng, nâng cao trải nghiệm người dùng và tạo ra giá trị kinh doanh.

PV: Năm 2023, hệ thống trang trại của TH giảm phát thải trung bình hơn 20%/đơn vị sản phẩm, vượt kế hoạch đề ra. Đâu là giá trị cốt lõi và chiến lược phát triển để đạt được thành công này?

Nhà sáng lập Thái Hương: Theo kế hoạch phát triển bền vững, Tập đoàn TH đề ra mục tiêu tổng phạm vi phát thải nhà kính trực tiếp và gián tiếp trên một đơn vị sản phẩm sẽ giảm trung bình 15%/năm vào năm 2022. Tuy nhiên nhờ áp dụng nhiều giải pháp giảm phát thải, kết quả TH đã giảm trung bình hơn 20%/đơn vị sản phẩm, vượt KPI đề ra. Có thể thấy, hành trình hướng đến NetZero của TH đang được mọi đơn vị trong Tập đoàn khẩn trương thực thi hơn bao giờ hết. Đây chính là cách TH đồng hành với các cam kết của Chính phủ về mục tiêu chống biến đổi khí hậu nói riêng và các mục tiêu phát triển bền vững nói chung trong đó có mục tiêu Net Zero vào năm 2025.

Tập đoàn luôn lấy tôn chỉ "Trân quý Mẹ Thiên nhiên" làm nền tảng cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh và theo hướng phát triển bền vững. Theo đó, đã định hướng Tập đoàn trở thành một trong những doanh nghiệp nổi bật trong ngành nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam, góp phần tạo dựng và nâng bước nền sản xuất xanh, nền kinh tế bền vững.

asset-10.png

Từ tư duy đến hành động, từ quản trị đến thực thi, TH thực hiện chiến lược phát triển bền vững bài bản theo tiêu chuẩn quốc tế GRI, với 6 trụ cột là dinh dưỡng - sức khỏe, môi trường, giáo dục, con người, cộng đồng và phúc lợi động vật. Các giải pháp giảm khí nhà kính của TH dựa trên chuỗi hoạt động với 3 mục tiêu lớn cùng với đó là 3 hoạt động: Cắt giảm phát thải khí nhà kính; chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo và hấp thụ khí nhà kính. Đây được xem là một hình mẫu về kinh tế xanh. Cho đến nay, TH tự tin là đơn vị đứng đầu ngành chăn nuôi về giảm phát thải metan, chúng tôi tin rằng, khoảng 1 đến 2 thập kỷ nữa, TH vẫn độc tôn với vị thế này.

asset-4.png

PV: Mặc dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng TH true MILK đã nhanh chóng định vị mình là một thương hiệu sữa tươi sạch, và tự tin tuyên bố “không có đối thủ” khiến không ít doanh nghiệp ngành sữa phải "cay mũi". Đâu là chìa khoá giúp TH nhanh chóng trở thành lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng trong nước và quốc tế chỉ sau 15 năm ra mắt? Chiến lược mở rộng thị trường ra Trung Quốc, các nước ASEAN, Nhật Bản và Nga của TH true MILK có những điểm gì nổi bật?

Nhà sáng lập Thái Hương: Trong khi thị trường tràn ngập các sản phẩm sữa pha lại, TH true MILK lại kiên định với con đường sữa tươi nguyên chất. Chính những sản phẩm khoa học đột phá, sáng tạo ra đời dựa trên sự thấu hiểu thực trạng và nhu cầu dinh dưỡng của người tiêu dùng ngày càng khẳng định vị thế "chuyên gia dinh dưỡng" của TH trên bản đồ các thương hiệu ngành sữa và thực phẩm tốt cho sức khỏe. TH không chỉ bán sản phẩm, mà bán một phong cách sống lành mạnh và trách nhiệm. TH đã chứng minh rằng phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường hoàn toàn có thể song hành.

Đến nay, hệ sinh thái hơn 200 sản phẩm sữa và đồ uống TH phần lớn đều đạt chứng chỉ Halal - cho phép đáp ứng các tiêu chuẩn của thế giới Hồi giáo. Cùng với đó là các chứng chỉ chất lượng quan trọng như ISO, FSSC, BRC..., đó là "giấy thông hành" để TH có nhiều ưu thế trong kết nối giao thương trên thế giới.

Đặc biệt, với 45% thị phần ngành hàng sữa nước, đã tạo nền tảng vững chắc cho TH true MILK "đánh" mạnh vào thị trường Trung Quốc và các nước ASEAN - thị trường "trọng điểm" trong chiến lược xuất khẩu của TH, đóng góp đáng kể vào doanh thu của công ty. Tháng 10/2019, TH là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên được cấp mã số xuất khẩu chính ngạch sữa tươi vào thị trường Trung Quốc. Tháng 2/2022, với việc ký Biên bản ghi nhớ với HAO Mart - hệ thống siêu thị bán lẻ hàng đầu Singapore, Tập đoàn TH tiếp tục mở rộng thị trường cho các mặt hàng sữa và thực phẩm sạch tại châu Á.

Sau hơn 2 năm làm việc với các đối tác kiểm định và phân phối, giữa tháng 7/2023, bộ sản phẩm sữa của TH đã được xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản. Đơn hàng đầu tiên đã được phân phối đến gần 100 siêu thị, cửa hàng. Thời gian tới, Tập đoàn TH tiếp tục mở rộng sang các thị trường châu Á tiềm năng khác, như Malaysia, Indonesia, Philippines, Hong Kong...

Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm sữa tươi, TH True Milk còn đa dạng hóa các sản phẩm như sữa trái cây và cả đồ uống, trà thảo dược túi lọc... để đáp ứng đa dạng thị hiếu người tiêu dùng. Đây là chiến lược quan trọng để tăng cường sự hiện diện của TH true MILK trên thị trường quốc tế. Ngoài chú trọng vào chất lượng sản phẩm, Tập đoàn TH cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc có chiến lược tiếp cận thị trường bài bản, đặc biệt thông qua các sự kiện, hội chợ quốc tế lớn và uy tín. Đặc biệt, TH đã xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với các nhà phân phối lớn tại các thị trường mục tiêu, giúp sản phẩm tiếp cận được với người dân bản địa...

PV: Trong bối cảnh "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", TH định vị các sản phẩm Thương hiệu Quốc gia của mình như thế nào để không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, mà còn vươn tầm quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu? Bà có kiến nghị gì trong việc hỗ trợ và thúc đẩy cho doanh nghiệp nghiên cứu các sáng kiến mang tính đột phá để chuyển đổi xanh, tạo nên một hệ sinh thái kinh doanh bền vững và mạnh mẽ?

Nhà sáng lập Thái Hương: Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tôi cho rằng, cần tiếp tục tận dụng những thành tựu to lớn của thế giới về khoa học công nghệ, khoa học quản trị và trí tuệ nhân tạo vào sản xuất, kinh doanh trong nước, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm quốc gia đạt chuẩn quốc tế. Đồng thời, kiên định phát triển theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn trên nền tảng phát triển bền vững. Đặc biệt, để xây dựng điểm nhấn cho Thương hiệu quốc gia, cần khơi dậy khát vọng, sự cống hiến và sự cam kết về chất lượng, đổi mới, sáng tạo, tiên phong của các doanh nghiệp.

Là một nhà sản xuất thực phẩm sạch, với tôi, "vươn mình" không chỉ là sự tăng trưởng kinh tế đơn thuần, mà còn là sự "vươn mình" cả về tầm vóc, thể lực và chiều cao của người Việt. Bởi lẽ, một dân tộc khỏe mạnh mới có thể tạo ra những thành tựu vĩ đại. Do đó, tầm nhìn của TH không chỉ giới hạn trong việc sản xuất thực phẩm sạch, mà còn hướng đến việc góp phần thắp sáng khát vọng vươn lên của người Việt.

Vì thế, bên cạnh các sản phẩm sạch, hữu cơ, tốt cho sự phát triển thể lực và trí lực trẻ em trong lứa tuổi vàng, Tập đoàn TH cũng như các doanh nghiệp thực phẩm có Tâm – Trí - Lực khác xem sứ mệnh nâng cao tầm vóc Việt là sứ mệnh chung để cùng gánh vác. Để hiện thực hóa điều này, chúng tôi mong muốn sớm có những hành lang pháp lý cho dinh dưỡng học đường, để "đo ni đóng giày" những quy chuẩn về bữa ăn trong trường học, từ đó bảo vệ trẻ em, cải thiện tầm vóc và sức khỏe thế hệ tương lai.

Cuối cùng, Chính phủ nên có chính sách ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các sáng kiến Net Zero. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể được ưu đãi miễn giảm thuế khi tham gia hoạt động phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, trồng rừng…

asset-11.png
asset-12.png
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doanh-nhan-thai-huong-va-giac-mo-ty-do-xanh-cua-nguoi-viet-285865.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Doanh nhân Thái Hương và giấc mơ ‘tỷ đô xanh’ của người Việt
    POWERED BY ONECMS & INTECH