Doanh nhân Việt Nam 'bắt kịp thế giới, đi cùng thời đại'
Các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã "dám chơi và biết chơi" hơn trong một sân chơi không chỉ trong lòng đất nước mà cả khu vực và thế giới. Chúng ta không chỉ bắt kịp mà có những bước quan trọng để đi cùng với thế giới, với thời đại.
Có tầm nhìn xa, vươn ra thế giới, vừa phát triển doanh nghiệp  nhưng đồng thời cũng có trách nhiệm với xã hội là một chủ đề được các doanh nghiệp, chuyên gia tập trung bàn luận tại buổi tọa đàm do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).
Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, sau gần 40 Đổi mới, bức tranh về doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam có sự thay đổi hết sức ý nghĩa. Các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã "dám chơi và biết chơi" hơn trong một sân chơi không chỉ trong lòng đất nước mà cả khu vực và thế giới. Chúng ta không chỉ bắt kịp mà có những bước quan trọng để đi cùng với thế giới, với thời đại.
Đặc biệt, khối doanh nghiệp tư nhân đã có những chuyển mình đáng kể với những công trình ấn tượng, đòi hỏi phải làm chủ KH&CN, làm với tốc độ nhanh, chất lượng tốt.
Nhiều doanh nghiệp không chỉ mở rộng quy mô theo ngành nghề mà có thể tạo ra được lợi nhuận, doanh số cao, chuyển hướng sang lĩnh vực đòi hỏi công nghệ, đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp còn tạo ra những phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu để tạo ra giá trị cao và do người Việt làm chủ.
Đặc biệt, qua quá trình hoạt động của mình, các doanh nghiệp, doanh nhân  còn góp phần cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo nền tảng quan trọng để khu vực doanh nghiệp có động năng phát triển, qua đó phát triển đất nước.
Doanh nghiệp, doanh nhân cần có ý thức trách nhiệm với xã hội
Công ty Cổ phần Phúc Sinh là một doanh nghiệp top đầu cả nước về xuất khẩu cà phê cũng như hồ tiêu tới hơn 100 quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, hiện nay Phúc Sinh là doanh nghiệp đi đầu trong phát triển bền vững qua việc chỉ trong năm 2024, doanh nghiệp đã nhận được 2 nguồn tài trợ FDI cho hoạt động này.
Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Phạm Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty Phúc Sinh, cho biết, thị trường châu Âu - một thị trường rất khắt khe về an toàn thực phẩm và phát triển bền vững- là một trong những thị trường xuất khẩu chính của công ty. Chính vì yêu cầu quyết liệt từ khách hàng châu Âu mà Công ty bắt tay vào làm các chương trình phát triển bền vững (ISG) từ cách đây 14 năm.
Tuy nhiên, khách hàng tác động là một phần, ông Nguyễn Minh Thông cho biết công ty cũng nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững, vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) và chủ động làm. Cùng với thời gian, công ty nhận thấy đó là lựa chọn chính xác.
"Trong quá trình làm, chúng tôi nhận thấy mình tạo ra những vùng trồng bảo đảm vệ sinh ATTP, cho thu nhập tốt cho người dân. Việc kết hợp với nông dân có rất nhiều thách thức, nhưng với Phúc Sinh, chúng tôi kết hợp khá hài hòa các vùng trồng và các vùng sản xuất, tạo ra những vùng mang thương hiệu Việt Nam trên toàn thế giới", ông Nguyễn Minh Thông nói.
Chia sẻ về thành tựu với xã hội, ông Lê Công Thành, Giám đốc công ty Cổ phần Công nghệ Chọn lọc thông tin (InfoRe Technology) cho biết InfoRe Technology thành lập 2011, theo đuổi lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý dữ liệu lớn (big data). Ngay từ khi mới thành lập, công ty đã tâm niệm một điều là ngoài việc phát triển doanh nghiệp thì cũng phải tìm kiếm những cách thức khác nhau để cống hiến cho xã hội.
"Vì thế, sau khi thành lập công ty, chúng tôi đã thực hiện dự án mang tên Lietsi.com để vận động sức mạnh cộng đồng nhằm thu thập thông tin liệt sĩ, số hóa thông tin liệt sĩ để tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ trên khắp toàn quốc. Sau 2 năm thành lập, chúng tôi đã số hóa được hơn 95% nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc, giúp rất nhiều gia đình liệt sĩ có thể tìm kiếm thông tin ở trên đó", ông Lê Công Thành cho biết.
Sau đó, Công ty tiếp tục phát triển, theo đuổi trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn; thành lập ra những vườn ươm doanh nghiệp để hỗ trợ những bạn trẻ có chí hướng, sáng tạo đổi mới có thể ứng dụng khởi nghiệp. Công ty đã tạo ra được một loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực khởi nghiệp và hiện vẫn đang hoạt động mạnh mẽ.
Thời gian gần đây, Công ty đang vận hành dự án "Bình dân học trí tuệ nhân tạo" theo hình mẫu "Bình dân học vụ", tức là người biết dạy AI cho người chưa biết. Đến hiện tại, công ty đã tạo dựng được cộng đồng khoảng 250.000 người để chia sẻ kiến thức AI trên không gian mạng.
Ông Lê Công Thành bày tỏ, doanh nhân hiện đại có rất nhiều trách nhiệm xã hội. Trách nhiệm đầu tiên đó là với người lao động của mình, những người cộng tác với mình, trách nhiệm đối với những người sử dụng sản phẩm, dịch vụ của mình, với thị trường. Trách nhiệm cao hơn là làm thế nào để cống hiến để phát triển xã hội và đất nước.
"Doanh nhân thường là người năng động và có tầm nhìn. Một trong những cách nhìn thấy tương lai chính xác nhất, đó là tạo ra nó. Một doanh nhân làm được như vậy thì sẽ hình thành trách nhiệm của người đó với xã hội vì họ sẽ sống và lao động vì tương lai đó", theo ông Lê Công Thành.
Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân
Với tinh thần kiến tạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp triển khai mạnh mẽ cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.
Chyên gia Võ Trí Thành nhận định, Việt Nam nằm trong số ít quốc gia có sự chuyển mình sau gần 40 năm đổi mới. Một trong những trụ cột, cốt lõi và thậm chí là chí bản chất của quá trình đổi mới ấy chính là cải cách thể chế.
Nhờ cải cách thể chế, Việt Nam đã chuyển từ một nền kinh tế tương đối khép kín sang nền kinh tế mở cửa hội nhập sâu rộng; chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế định hướng thị trường, hiện đang xây dựng nền kinh tế hiện đại, hội nhập.
Ngoài ra, chúng ta gắn rất chặt quá trình cải cách thể chế với hội nhập, tham gia không chỉ WTO mà còn rất nhiều hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA… Chính việc tham gia hôi nhập đã giúp Việt Nam học hỏi và thực thi các cam kết.
"Câu chuyện của Phúc Sinh là lấy những tiêu chí cao để dần bắt được, tuân thủ, bắt kịp, đi cùng với nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập", ông Võ Trí Thành nhận định.
Sau đoạn chiến tranh thương mại, sau đại dịch COVID-19, đến nay Chính phủ vẫn tiếp tục có những chính sách hỗ trợ cả về phía cầu, tiêu dùng, đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp qua chính sách thuế, phí, chính sách tiền tệ liên quan đến cơ cấu nợ…
Còn ông Lê Công Thành nhấn mạnh, là một doanh nghiệp hoạt động trên môi trường số, trên không gian mạng, Infore Technology đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, chuẩn bị hạ tầng cho các doanh nghiệp trong việc kết nối, chia sẻ thông tin, chia sẻ dữ liệu cũng như ứng dụng dữ liệu số để thay đổi cách thức làm việc.
"Đến bây giờ, khi AI đã chiếm lĩnh cuộc sống, chúng ta có thể nhìn nhận nỗ lực chuyển đổi số đã bắt đầu đem lại thành công cho hiện tại và tương lai gần cho Việt Nam. Vì AI có thể trở thành công cụ sản xuất mới, tạo ra lực lượng sản xuất mới cho xã hội. Có thể thấy, Chính phủ đã làm được rất nhiều việc để chuẩn bị cho thời đại đó", theo Giám đốc Infore Technology.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh đề xuất tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh cởi mở, linh hoạt và trong sạch nhằm hỗ trợ cho khối doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, công bằng, đặc biệt là khối tư nhân.
>> Doanh nhân tỷ USD và động lực chính sách 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt đại biểu doanh nhân tiêu biểu 
Đất nước bước vào kỷ nguyên mới không thể thiếu sự 'chung lưng, đấu cật' của doanh nhân