Doanh thu ngành nhạc số Việt Nam chạm mốc 40 triệu USD
Doanh thu phát nhạc trực tuyến tại Việt Nam năm qua đạt hàng chục triệu USD, dẫn đầu xu hướng phát triển của ngành âm nhạc số.
Trong năm vừa qua, doanh thu từ phát nhạc trực tuyến tại Việt Nam đạt khoảng 40 triệu USD, khẳng định vị thế là phân khúc dẫn đầu trong ngành công nghiệp âm nhạc. Đây là kết quả từ một nghiên cứu của Đại học RMIT Việt Nam, cung cấp cái nhìn toàn diện về sự phát triển của ngành âm nhạc số tại Việt Nam.
Các nghệ sĩ Việt Nam hiện đang ngày càng tận dụng tốt các nền tảng trực tuyến để phát hành và quảng bá sản phẩm âm nhạc. Ảnh minh hoạ |
Người dùng Việt Nam dành trung bình từ 1 đến dưới 2 giờ mỗi ngày để nghe nhạc. Trong số các nền tảng phổ biến, YouTube chiếm vị trí dẫn đầu với tỷ lệ người dùng 99,6%. TikTok theo sát ở vị trí thứ hai với 99%, nhờ sự thịnh hành của các video ngắn và những bài hát xu hướng. Facebook đứng thứ ba với 96%, cũng là một lựa chọn quen thuộc của khán giả.
Khi chọn nền tảng nghe nhạc, người dùng đánh giá  cao ba yếu tố quan trọng: giao diện dễ sử dụng, kho nhạc phong phú và mức phí hợp lý. Đây là các yếu tố then chốt giữ chân người dùng và thúc đẩy sự phát triển của thị trường nhạc số.
Trong những năm gần đây, các ca khúc của nghệ sĩ Việt Nam ngày càng xuất hiện thường xuyên trên các bảng xếp hạng của Spotify, Apple Music và nhiều nền tảng quốc tế khác. Sự hiện diện này không chỉ minh chứng cho sức hút ngày càng lớn của âm nhạc Việt mà còn phản ánh sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng của khán giả. Người Việt hiện sẵn sàng chi tiền cho các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến, từ album, bài hát đơn lẻ đến các sản phẩm âm nhạc trong chương trình giải trí hoặc quảng cáo. Các sản phẩm kết hợp giữa nghệ sĩ và thương hiệu thương mại hóa cũng ngày càng thu hút sự chú ý.
Một nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển của ngành nhạc số tại Việt Nam là việc thực thi bản quyền âm nhạc trên các nền tảng số. Những nỗ lực bảo vệ bản quyền không chỉ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh mà còn buộc các nền tảng như Spotify, Apple Music và YouTube phải chia sẻ doanh thu công bằng với các chủ sở hữu bản quyền. Đây là động lực lớn để các nghệ sĩ và nhà sản xuất đầu tư mạnh mẽ hơn vào các sản phẩm chất lượng.
Các nghệ sĩ Việt Nam hiện đang ngày càng tận dụng tốt các nền tảng trực tuyến để phát hành và quảng bá sản phẩm âm nhạc. Nhiều sản phẩm đã đạt hàng tỷ lượt xem, khẳng định tiềm năng to lớn của thị trường nhạc số trong việc mang đến nguồn thu nhập ổn định và mở rộng tầm ảnh hưởng. Đồng thời, các nền tảng phát nhạc trực tuyến cũng không ngừng cải tiến, đầu tư để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ cả nghệ sĩ và khán giả.
>>FBI điều tra công ty của các cựu Giám đốc Huawei vì lo ngại đe dọa an ninh quốc gia