Dốc vốn 30 tỷ USD xây nhà máy, Intel ‘ngậm đắng’ khi chưa nhận được đồng trợ cấp nào từ Chính phủ Mỹ
Mối lo ngại về tác động của cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ đối với nguồn tài trợ từ Đạo luật CHIPS của Intel đang được đẩy lên cao.
Trong cuộc họp toàn thể nhân viên vào 1/11, CEO Intel Pat Gelsinger đã trả lời một câu hỏi do nhân viên gửi tới về việc liệu cuộc bầu cử Mỹ sắp tới có ảnh hưởng đến việc tài trợ của Đạo luật CHIPS và Khoa học của Intel hay không.
Bộ Thương mại Mỹ đã cấp cho Intel , công ty nhận được khoản tài trợ lớn nhất từ Đạo luật này, 8,5 tỷ USD tiền trợ cấp và 11 tỷ USD tiền vay. Chính phủ cho biết sẽ chi trả các khoản trợ cấp dựa trên việc các công ty đáp ứng các tiêu chuẩn như thế nào.
Trong cuộc họp, ông Gelsinger nhấn mạnh rằng Đạo luật này là "lưỡng đảng" và ban lãnh đạo đã trấn an nhân viên rằng Intel là một phần quan trọng của Đạo luật CHIPS vì là nhà sản xuất chip quy mô lớn duy nhất tại Mỹ.
Intel đã đầu tư hàng tỷ USD vào việc mở rộng các nhà máy tại New Mexico, Arizona, Ohio và Oregon bằng vốn tư nhân. Hãng chưa nhận được các khoản trợ cấp từ Đạo luật CHIPS .
Ông Gelsinger cũng đã công khai đề cập đến vấn đề này trong một cuộc phỏng vấn hôm 31/10 sau báo cáo thu nhập quý III/2024. "Đạo luật CHIPS là một đạo luật lưỡng đảng, và với sự ủng hộ mạnh mẽ từ cả hai phía, chúng tôi tin vào tầm quan trọng của nó trong chính sách công nghiệp. Ngành công nghiệp bán dẫn được hỗ trợ rất tốt từ Quốc hội Mỹ và cả hai đảng", ông Gelsinger nói.
Ông cũng đề cập đến sự chậm trễ trong việc phân bổ quỹ của Đạo luật CHIPS. "Chúng tôi thất vọng về việc phân bổ quỹ diễn ra quá lâu và quá chậm, đã hơn hai năm tính đến thời điểm này. Chúng tôi đã đầu tư 30 tỷ USD vốn mà vẫn chưa nhận được đồng trợ cấp nào", ông Gelsinger chia sẻ trong cuộc phỏng vấn.
Các nhà hoạch định chính sách tại Washington gần đây đã thảo luận về việc liệu Intel có cần thêm sự hỗ trợ ngoài quỹ của Đạo luật CHIPS như một biện pháp phòng ngừa hay không. Bởi lẽ, thành công của Intel là yếu tố quan trọng trong việc phát triển các chính sách sản xuất của Mỹ, theo Semafor.
Chính phủ cũng đang theo dõi sự chậm trễ trong phân bổ quỹ của Đạo luật CHIPS. Thống đốc Ohio, Mike DeWine, trước đó cho biết ông đã liên hệ Nhà Trắng để yêu cầu tăng tốc quá trình phân bổ quỹ từ Đạo luật CHIPS cho nhà máy ở New Albany.
Đạo luật CHIPS được thông qua phần lớn dưới sự đồng thuận của cả hai đảng vào năm 2022. Stephen Ezell, Phó Chủ tịch về chính sách đổi mới toàn cầu tại Quỹ Công nghệ thông tin và Đổi mới (ITIF) và Giám đốc Trung tâm Đổi mới Khoa học Đời sống của quỹ, đã chia sẻ với BI rằng ông không mong đợi "sự thay đổi đáng kể" nào trong cách tiếp cận, dù là ứng viên Tổng thống Kamala Harris hay Donald Trump đắc cử.
Ngoài sự chậm trễ trong việc nhận được các khoản quỹ từ Đạo luật CHIPS, Intel còn phải đối mặt với một loạt khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Chỉ số S&P Dow Jones thông báo vào ngày 1/11 rằng Nvidia sẽ thay thế Intel trong Chỉ số Công nghiệp Dow Jones, dấu hiệu cho thấy Intel không còn được xem là một chỉ số kinh tế ổn định.
Lợi nhuận gần đây của Intel đã "bị ảnh hưởng tiêu cực" bởi những thay đổi nhằm giảm chi phí khi công ty "tập trung cao độ vào việc cải thiện năng suất sản xuất chip", Gelsinger cho biết.
Đối mặt với những điều chỉnh tài chính đầy thách thức, Intel đang đặt niềm tin vào thành công của dòng chip 18A. Trước đây, công ty từng mất khách hàng và gặp sự chậm trễ trong các dòng chip 14 nanomet và 10 nanomet do vấn đề về năng suất.
Intel dự kiến sẽ cắt giảm chi tiêu với kế hoạch tiết kiệm chi phí và hiện đã giảm 15% lực lượng lao động.
Theo Business Insider
>> Intel rót 300 triệu USD vào nhà máy đóng gói và thử nghiệm chip tại siêu cường châu Á 
Nóng: Một cổ phiếu tăng sốc 170% vừa ‘khai trừ’ Intel khỏi Dow Jones sau 25 năm 
Intel rót 300 triệu USD vào nhà máy đóng gói và thử nghiệm chip tại siêu cường châu Á