Đối diện nguy cơ bị Mỹ áp thuế 100%, BRICS quyết tâm mở rộng, Trung Quốc sẵn sàng ‘tung đòn’ ứng phó: Kế hoạch phi USD hóa vẫn sẽ đe dọa đồng USD?
Quy mô ngày càng lớn của khối khiến khả năng Mỹ áp dụng mức thuế 100% đối với các quốc gia BRICS trở nên không thực tế, theo Duncan Wrigley, Kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Pantheon Macroeconomics.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã cam kết áp thuế 100% đối với các quốc gia BRICS nếu họ tiếp tục làm suy yếu đồng USD. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích nói với CNBC rằng mối đe dọa này sẽ không ngăn cản được sự mở rộng của khối.
Mới đây, Brazil đã thông báo rằng Indonesia sẽ gia nhập BRICS với tư cách là thành viên chính thức.
Dưới thời chính quyền của ông Joe Biden, Washington tỏ ra tương đối thờ ơ với liên minh 10 thành viên này, khi Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby phát biểu trong một cuộc họp báo hồi tháng 10 năm ngoái rằng Mỹ không coi BRICS - một liên minh kinh tế của các thị trường mới nổi là một "mối đe dọa".
Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi khi ông Trump nhậm chức vào cuối tháng này, sau những tín hiệu ban đầu cho thấy ông có thể áp thuế lên các thành viên liên minh nếu họ làm suy yếu đồng bạc xanh.
"Điểm khác biệt lớn trong chính sách của chính quyền ông Trump sắp tới là việc họ công khai xem BRICS như một thực thể", Mihaela Papas, Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế MIT, cho biết qua email gửi CNBC.
Trung Quốc can thiệp
BRICS, ban đầu được thành lập bởi Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc vào năm 2009, sau đó Nam Phi gia nhập vào năm 2010, được định hình như một lực lượng đối trọng với sự thống trị của phương Tây trên trường quốc tế.
Hội nghị Thượng đỉnh thường niên lần thứ 16 của khối này tại Kazan, Nga đã chứng kiến Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) chính thức gia nhập.
Theo các quan chức Nga và báo chí chính thức của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, hơn 30 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS hồi năm 2024.
Quy mô ngày càng lớn của khối khiến khả năng Mỹ áp dụng mức thuế 100% đối với các quốc gia BRICS trở nên không thực tế, theo Duncan Wrigley, Kinh tế trưởng về Trung Quốc  tại Pantheon Macroeconomics. Việc làm như vậy sẽ khiến các quốc gia trung lập trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung nghiêng về phía Bắc Kinh và gây tổn hại đến lợi ích của Mỹ, ông chỉ ra.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thậm chí có khả năng thực hiện các hành động nhằm làm giảm bớt hậu quả từ bất kỳ biện pháp thương mại nào mà Mỹ có thể áp dụng đối với các quốc gia thành viên BRICS, theo David Lubin, nhà nghiên cứu cấp cao tại Chatham House.
Theo Lubin, việc Trung Quốc được thiết lập như một trụ cột thay thế trong trật tự toàn cầu là một mục tiêu quan trọng và khó có thể đạt được nếu thiếu sự ủng hộ từ các quốc gia đang phát triển. Với khoảng 120 quốc gia xem Trung Quốc là đối tác thương mại chính, điều này không quá khó khăn.
Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện điều này bằng cách đề xuất chính sách miễn thuế cho các quốc gia kém phát triển nhất và đang có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh. Chính sách này đã có hiệu lực từ tháng 12 năm ngoái.
Đồng USD vẫn là "Vua"
Lời đe dọa áp thuế của ông Trump phụ thuộc vào việc BRICS có lật đổ đồng USD với tư cách là đồng tiền giao dịch được sử dụng rộng rãi nhất thế giới hay không – điều này có thể là một thách thức lớn đối với liên minh.
Nga đã thúc đẩy quá trình phi USD hóa nhằm tránh xa mạng lưới SWIFT và giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Moscow.
Một trong những phương án mà BRICS cân nhắc để thay thế đồng USD là việc tạo ra một đồng tiền chung cho khối, một đề xuất do Brazil khởi xướng nhưng vẫn chưa nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các thành viên.
Một lựa chọn khác là thúc đẩy thương mại đa tiền tệ, điều mà một số thành viên BRICS đã áp dụng - một số giao dịch giữa Trung Quốc và Nga hiện đang được thực hiện bằng nhân dân tệ và rúp.
Các quốc gia trong khối cũng cam kết tiếp tục tăng cường sử dụng đồng tiền nội địa trong giao dịch và ủng hộ ý tưởng xây dựng một hệ thống thanh toán xuyên biên giới độc lập.
Dẫu vậy, chuyên gia David Lubin nhận định rằng đồng nhân dân tệ “có mức độ sử dụng quốc tế thấp hơn đáng kể so với đồng USD” bởi phần lớn các thị trường tài chính trên thế giới vẫn được định giá bằng đồng tiền này.
Có phải "mối đe dọa" tới Mỹ?
Việc thiếu vắng một chiến lược cụ thể và các hành động phối hợp rõ ràng giữa các thành viên BRICS làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu khối này có thực sự được coi là mối đe dọa đối với Mỹ hay không.
Duncan Wrigley, chuyên gia từ Pantheon Macroeconomics, nhận định rằng liên minh các thị trường mới nổi này hiện tại chỉ giống như một “diễn đàn trao đổi ý kiến”.
Khối vẫn còn quá rời rạc và thiếu tổ chức để tạo ra bất kỳ thay đổi đáng kể nào, khi Hội nghị Thượng đỉnh năm 2024 tại Kazan không đạt được “kết quả gì thực sự cụ thể”, theo nhận định của Cecilia Malmstrom, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.
Điều này có thể giúp bảo vệ các thành viên BRICS và các quốc gia đối tác khỏi một cuộc chiến thương mại với Mỹ, trong bối cảnh Mỹ đã coi Trung Quốc là một trong những mục tiêu chính.
Mặc dù Trung Quốc giữ vai trò quan trọng trong khối, nhưng vẫn tồn tại nhiều sự thận trọng nội bộ giữa các quốc gia thành viên khác đối với sự thống trị của Bắc Kinh và khả năng mất cân bằng thương mại, theo Mihaela Papas từ MIT.
“Ngay cả khi Trung Quốc tìm cách tận dụng vị thế của mình, sự thận trọng giữa các thành viên có thể vẫn là một yếu tố hạn chế”, bà cho biết thêm.
Nhiều thành viên BRICS  vẫn duy trì mối quan hệ thân thiện với Mỹ như một “đối tác thương mại quan trọng”, Gustavo Medeiros, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Ashmore Group chia sẻ qua email.
“Không có lý do gì để tin rằng các thành viên của khối sẽ tự động đối mặt với rủi ro kinh tế hoặc địa chính trị trong trường hợp xảy ra chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc”, Medeiros nhận định.
Theo CNBC
>> Nga thông báo sẵn sàng tạo điều kiện nếu Việt Nam trở thành đối tác của BRICS 
Lộ diện quốc gia đảm nhận chức Chủ tịch BRICS trong năm 2025 thay Nga 
Láng giềng Việt Nam chính thức trở thành đối tác của BRICS từ ngày mai