Đổi mới để Việt Nam trở thành ‘con hổ kinh tế tiếp theo của châu Á’
Ngày 3/1, Sở Công Thương TP. HCM, Báo Tuổi Trẻ và CSMO Việt Nam (Câu lạc bộ các Giám đốc Sales và Marketing Việt Nam) đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Đổi mới để vươn mình trong kỷ nguyên mới”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Giải thưởng “Thương hiệu vàng TP. HCM” lần thứ 5 và mở màn cho chuỗi chương trình “Đi cùng thương hiệu: Walk & Talk” mùa 3.
Phát biểu tại Hội thảo, tác giả cuốn sách “Việt Nam – Ngôi sao đang lên của châu Á”, ông Sam Korsmoe cho biết, ông và nhóm nghiên cứu đang tập trung vào giả thuyết Việt Nam có thể phát triển theo hướng mà Đài Loan và Hàn Quốc đã thành công trong quá khứ, trở thành “con hổ kinh tế tiếp theo của châu Á”.
Nhóm nghiên cứu đã xây dựng 6 tiêu chí đánh giá để làm rõ khái niệm “nền kinh tế con hổ”, bao gồm: xuất khẩu , công nghiệp hóa, chuyên môn hóa, thị trường, định hướng lãnh đạo, và đổi mới lãnh đạo.
Theo kết quả nghiên cứu, công nghiệp hóa vẫn là điểm cần cải thiện nhưng hiện Việt Nam đáp ứng khá tốt hầu hết các tiêu chí. Ông Sam Korsmoe khẳng định: “Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng. Nếu tận dụng tốt cơ hội, quốc gia này không chỉ là ngôi sao đang lên mà còn có thể trở thành ngôi sao dẫn đầu của châu Á”.
Ông Sam Korsmoe chia sẻ, yếu tố quan trọng để nâng cao mức độ công nghiệp hóa là phát triển cơ sở hạ tầng và chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp. Ngoài ra, đổi mới sáng tạo, tức khả năng ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số trong các lĩnh vực kinh tế cũng là một yếu tố quyết định.
Bên cạnh đó, ông cũng cảnh báo Việt Nam đối mặt với thách thức lớn trong việc tránh “bẫy thu nhập trung bình”. Để duy trì sự phát triển bền vững, Việt Nam cần tập trung đầu tư vào giáo dục, cải thiện cơ sở hạ tầng và thực hiện các cải cách chính sách.
Ảnh minh họa - Nguồn: VnEconomy |
Phát biểu tại Hội nghị, nhà báo Lê Thế Chữ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ cho biết, TP. HCM đang chuyển mình mạnh mẽ, hướng tới phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới. Vì vậy, trong bối cảnh này, đổi mới  và sáng tạo là yếu tố sống còn cho các doanh nghiệp, cũng như động lực thúc đẩy nền kinh tế chung.
Ông Chữ chia sẻ thêm, việc tận dụng công nghệ 4.0 như IoT, AI và Big Data đang mở ra cơ hội lớn trong tối ưu hóa sản xuất, dự đoán nhu cầu thị trường, cá nhân hóa sản phẩm và xây dựng thương hiệu mạnh để tạo lợi thế cạnh tranh bền vững.
Tối cùng ngày, các doanh nghiệp xuất sắc đạt Giải thưởng Thương hiệu vàng TP. HCM lần thứ 5 năm 2024 đã được vinh danh. Cụ thể, có 29 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực cơ khí, hàng tiêu dùng, may mặc, chế biến thực phẩm, dịch vụ đã được công nhận Thương hiệu Vàng TP. HCM.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP. HCM, ông Phan Văn Mãi cho biết, tổng mức doanh thu của các doanh nghiệp đạt giải trong năm qua đạt hơn 258.000 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách Nhà nước gần 11.000 tỷ đồng và tạo việc làm cho hơn 93.000 người.
Ông Mãi khẳng định: “Thành phố cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để các thương hiệu Việt ngày càng lớn mạnh và thành công trên trường quốc tế”.
>>Việt Nam được dự báo trở thành ‘con rồng’ thương mại điện tử của Đông Nam Á