Đón sóng KQKD quý IV/2024, Agriseco gợi ý 5 nhóm ngành tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận đến 160%
Agriseco Research dự báo lợi nhuận toàn thị trường quý IV/2024 tăng trưởng trên 20%, vượt mức 12% của 9 tháng đầu năm. Năm nhóm ngành tiềm năng gồm Bán lẻ, Thép, Logistics, Xây dựng và Dệt may, hưởng lợi từ xuất khẩu, đầu tư công, cùng chi phí giảm.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Agriseco Research kỳ vọng lợi nhuận toàn thị trường quý IV/2024 tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ, vượt mức tăng trưởng 12% trong 9 tháng đầu năm.
Thị trường được đánh giá tích cực nhờ các yếu tố: Hoạt động xuất nhập khẩu khởi sắc, trong 11 tháng năm 2024, tổng trị giá xuất khẩu đạt 715,55 tỷ USD và nhập khẩu đạt 345,62 tỷ USD, lần lượt tăng 15,4% và 16,4% so với cùng kỳ; Quy mô nguồn vốn và tài sản gia tăng, tính đến cuối quý III/2024, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp niêm yết tăng 15% so với cùng kỳ và gần 10% so với đầu năm; Mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, chi phí lãi vay của các doanh nghiệp niêm yết trong 9 tháng đầu năm 2024 đã giảm khoảng 24% so với cùng kỳ năm 2023.
Agriseco Research lựa chọn 5 nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao trong quý IV/2024 và cả năm 2024, bao gồm: Bán lẻ, Thép, Logistics, Xây dựng và Dệt may.
Nguồn: Agriseco Research |
Nhóm Bán lẻ được dự báo có lợi nhuận tăng khoảng 150 - 180% so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân chính là do nền thấp của năm trước, xuất phát từ cuộc chiến cạnh tranh về giá giữa các doanh nghiệp bán lẻ điện tử, điện máy trong năm 2023. Sau khi cuộc chiến này kết thúc, cùng với việc nhiều doanh nghiệp tái cấu trúc, đóng cửa các chi nhánh hoạt động kém hiệu quả, chi phí được tiết giảm, hiệu quả hoạt động cải thiện đáng kể.
Bên cạnh đó, quý IV hằng năm thường là mùa cao điểm khi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh trong dịp lễ Tết. Động lực còn đến từ ngành du lịch, tháng 11/2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,71 triệu lượt, tăng 39% so với cùng kỳ. Các cổ phiếu tiềm năng: MWG , FRT .
Nhóm Thép , sản lượng bán hàng quý IV/2024 được dự báo tăng 15 - 20% so với cùng kỳ, nhờ nhu cầu nội địa tăng 30 - 40%. Nguyên nhân chính là các chính sách hỗ trợ tái thiết sau bão và đợt cao điểm triển khai các dự án đầu tư công vào cuối năm. Tuy nhiên, xuất khẩu thép (đặc biệt HRC) dự kiến giảm do Trung Quốc dư thừa nguồn cung và các chính sách bảo hộ thép nội địa trên toàn cầu.
Chi phí sản xuất thép giảm nhờ giá quặng sắt và giá than cốc giảm khoảng 30% so với cùng kỳ, trong khi giá cước vận tải biển hạ nhiệt so với quý III/2024. Cổ phiếu tiềm năng: HSG , HPG .
Nhóm Logistics được hưởng lợi từ tăng trưởng xuất khẩu. Giá cước vận tải dù đã hạ nhiệt vẫn ở mức cao, tăng 15 - 20% so với cùng kỳ. Cổ phiếu GMD  và HAH  được đánh giá tiềm năng khi đang đẩy mạnh đầu tư trẻ hóa đội tàu hoặc mở rộng công suất cảng. Cụ thể, GMD đang tiến hành mở rộng công suất tại cảng Gemalink và Nam Đình Vũ, với tổng công suất tăng thêm dự kiến khoảng 1,4 triệu TEU/năm, tương đương 40% công suất thiết kế hiện tại. HAH đã nhanh chóng mở rộng đội tàu trong 1 - 2 năm vừa qua và vẫn tiếp tục hướng đến việc trẻ hóa đội tàu nhằm củng cố năng lực vận chuyển hàng hóa.
Nhóm Xây dựng dự kiến bứt phá nhờ kỳ vọng giải ngân đầu tư công trong 2 tháng cuối năm 2024 đạt 95% kế hoạch. Đến tháng 11/2024, giải ngân đạt 411.000 tỷ đồng, tương đương 54,8% kế hoạch.
Thị trường bất động sản có dấu hiệu hồi phục rõ rệt. Theo CBRE, tổng nguồn cung và số căn hộ cao tầng bán ra tại Hà Nội và TP. HCM năm 2024 tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Tỷ lệ hấp thụ của các dự án mở bán đạt từ 60 - 90% trong 9 tháng đầu năm, tạo tâm lý tích cực cho chủ đầu tư. Dòng vốn FDI đạt 31,4 tỷ USD trong 11 tháng là động lực quan trọng. Cổ phiếu tiềm năng: CTD , HHV , VCG .
Nhóm Dệt may đón nhận nhiều tín hiệu khả quan. Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 11/2024 ước đạt 3 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp đã lấp đầy đơn hàng đến quý I/2025, nhờ vào sự dịch chuyển đơn hàng từ Bangladesh do bất ổn địa chính trị.
MSH  và TNG  là 2 doanh nghiệp tiềm năng khi đã đầu tư thêm các chuyền may và gia tăng công suất phù hợp với nhu cầu gia tăng hiện tại. Cụ thể, TNG đã tăng thêm 15 - 20% công suất trong năm 2024 và tiếp tục mở thêm các chuyền may vào năm sau. Trong khi đó, MSH cũng đưa vào vận hành nhà máy Xuân Trường II với quy mô 50 chuyền may trong đầu năm 2025 giúp tăng thêm 20 - 25% công suất.