Vĩ mô

Động lực tăng trưởng cuối năm: Chờ sự hứng khởi của kinh tế tư nhân

Khúc Văn 21/10/2024 - 14:27

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, các chuyên gia cho rằng, sự hứng khởi của kinh tế tư nhân là điều kiện quan trọng trong việc tạo nên động lực tăng trưởng từ nay tới cuối năm.

Vốn đầu tư của khu vực tư nhân gấp đôi nhà nước và khu vực FDI

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng điểm nhấn trong bức tranh kinh tế 9 tháng là vốn đầu tư của khu vực tư nhân, thường gấp đôi so với khu vực FDI và Nhà nước.

“Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 9 tháng của năm đạt 2,4 triệu tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023. Mức tăng trưởng này cho thấy sự phục hồi tích cực của hoạt động đầu tư.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này thấp hơn so với mức tăng trưởng 7,5% của cùng kỳ năm 2023, cho thấy sự thận trọng của các nhà đầu tư trong bối cảnh lạm phát và lãi suất vẫn còn nhiều biến động”, ông Việt thông tin thêm.

5100-kinhtevn
Vốn đầu tư của khu vực tư nhân gấp đôi nhà nước và khu vực FDI.

Ông Việt nhấn mạnh sự tăng trưởng của vốn đầu tư toàn xã hội được thúc đẩy bởi sự đóng góp tích cực của cả ba khu vực, trong đó khu vực tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhất và đạt khoảng 3,89%, gấp 2 – 3 lần so với hai khu vực còn lại. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với hai quý cuối năm 2023 và quý 2/2024.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng hiện vốn đầu tư của khu vực tư nhân đóng vai trò càng ngày càng lớn, tỷ trọng cao lên đáng kể.

“Đây là điều tôi vui mừng. Những năm gần đây, chúng ta đang rất mạnh về nội lực và trong tinh thần phát triển thời gian tới, chúng ta tập trung vào những nhân tố tự lực, tự cường, tự tin để vươn lên. Muốn vậy cần nhấn mạnh vai trò của tư nhân trong nước”, bà Lan bày tỏ.

Bà Lan kỳ vọng trong tương lai, nhất là gần đây khi Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc gặp các doanh nghiệp lớn và đề nghị họ tham gia vào các dự án lớn của nhà nước sẽ làm tăng thêm vai trò của nội lực, vai trò của các doanh nghiệp tư nhân trong nước đối với sự phát triển.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng VEPR cũng nhận định điểm nhấn trong bức tranh kinh tế 9 tháng là vốn đầu tư của khu vực tư nhân khá mạnh mẽ, thường xuyên gấp đôi so với khu vực FDI và Nhà nước.

“Bức tranh này tương đối sáng, cho thấy những nỗ lực về cải cách thể chế, tạo thuận lợi môi trường kinh doanh, đầu tư đã thúc đẩy khu vực nội địa có sự hứng khởi hơn trong thời gian vừa qua”, ông Việt nói.

Nhìn dài hơn về động lực tăng trưởng từ nay tới cuối năm, ông Việt cho rằng, sự hứng khởi của khu vực kinh tế tư nhân vẫn là điều có thể được kỳ vọng bởi hơn lúc nào hết khu vực kinh tế tư nhân đang chứng minh được sức sống, sự vươn lên mãnh liệt của mình.

>>LPBank lãi ấn tượng trong quý III/2024, CTCK liên quan là quán quân tăng trưởng

Môi trường kinh doanh còn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Dù vậy, ông Việt cho rằng trên bình diện chung, môi trường kinh doanh vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, với các rào cản về điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính không chỉ chưa được giảm thiểu mà còn có xu hướng gia tăng, do động lực cải cách từ các bộ, ngành đang suy yếu.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2023 cũng như 6 tháng đầu năm 2024, dường như rất ít nỗ lực hay sáng kiến cải cách từ địa phương nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

Sự tăng trưởng vốn đầu tư từ doanh nghiệp và nhà đầu tư trong 9 tháng đầu năm 2024 đã cho thấy sức mạnh và tiềm năng phát triển của thành phố Đà Nẵng
Môi trường kinh doanh còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Do vậy, TS Việt cho rằng việc đẩy mạnh nghiên cứu, nhận diện các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp (cả về quy định pháp lý và thực thi) để khẩn trương sửa đổi.

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, cần tổ chức tham vấn rộng rãi đối với các đối tượng chịu tác động bởi chính sách; việc ban hành mới hay sửa đổi, bổ sung các quy định, chính sách cần thực hiện đánh giá tác động toàn diện, thực chất, dựa trên cơ sở khoa học và minh chứng thuyết phục.

Về bức tranh chung của nền kinh tế, theo báo cáo của VEPR, kết thúc quý III năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi tương đối tốt. Tăng trưởng GDP sau 9 tháng đạt 6,82%, tăng hơn 1,5 lần so với mức 4,4% cùng kỳ năm ngoái với sự đóng góp chủ yếu từ khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, cũng cho rằng, các thách thức trong những tháng cuối năm 2024 vẫn rất lớn. Đặc biệt, thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn. Việc triển khai nhanh chóng các chính sách hỗ trợ sau bão là cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Hiếu, quá trình triển khai Nghị quyết 143 của Chính phủ về hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3 Yagi phải rất nhanh, tính bằng ngày thì mới có được mức tăng trưởng cao trong quý IV và từ đó đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 7%.

>>Tỉnh sẽ là đô thị vệ tinh của TP. HCM, kỳ vọng trở thành trung tâm công nghiệp

Vẫn còn khoảng cách trong việc thực thi chính sách để cải thiện môi trường kinh doanh

GS Nguyễn Mại: ‘Còn nhiều vấn đề cần cải thiện trong môi trường kinh doanh’

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dong-luc-tang-truong-cuoi-nam-cho-su-hung-khoi-cua-kinh-te-tu-nhan-255021.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Động lực tăng trưởng cuối năm: Chờ sự hứng khởi của kinh tế tư nhân
    POWERED BY ONECMS & INTECH