Đồng minh Mỹ gây sốc khiến thỏa thuận 50 năm sụp đổ, đồng USD bị đe dọa nghiêm trọng
Theo Kitco News, trật tự mà hệ thống tài chính quốc tế vẫn tuân theo trong 50 năm qua đã thay đổi mãi mãi sau khi thỏa thuận về petrodollar giữa Mỹ và Saudi Arabia chấm dứt.
“Petrodollar” là cụm từ thường được dùng để miêu tả hệ thống trong đó sử dụng đồng USD để thanh toán các giao dịch mua bán dầu thô trên thị trường quốc tế. Hệ thống này xuất hiện từ đầu những năm 1970, gần như ngay sau khi Mỹ trải qua 2 sự kiện lớn: từ bỏ chế độ bản vị vàng và sau đó là lâm vào cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973.
Theo đó, Saudi Arabia  sẽ sử dụng duy nhất đồng USD để niêm yết giá dầu mỏ xuất khẩu, đồng thời dùng toàn bộ nguồn doanh thu thặng dư từ dầu mỏ để đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ. Đổi lại, Mỹ cung cấp viện trợ quân sự và bảo vệ Saudi Arabia.
Điều này không chỉ giúp củng cố vị thế đồng tiền dự trữ quốc tế của đồng USD  mà còn khởi đầu cho một thời kỳ thịnh vượng đối với nước Mỹ. Các tập đoàn toàn cầu đều muốn bước chân vào thị trường Mỹ, trong khi dòng vốn nước ngoài chảy vào trái phiếu kho bạc tạo điều kiện để Mỹ duy trì mức lãi suất thấp và một thị trường trái phiếu phát triển.
Tất cả sẽ thay đổi khi Saudi Arabia không muốn gia hạn thỏa thuận, từ bỏ petrodollar và mối quan hệ độc quyền với Mỹ. Không chỉ vậy, cường quốc dầu mỏ còn vừa trở thành thành viên mới nhất của khối BRICS – nhóm các quốc gia mới nổi đang ngày càng thể hiện rõ tham vọng lật đổ thế thống trị của Mỹ và đồng USD.
Hệ thống Petrodollar đã mang lại nhiều sức mạnh cho đồng USD cũng như nước Mỹ |
Thời thế thay đổi
Mặc dù bối cảnh địa chính trị toàn cầu thay đổi là nguyên nhân lớn nhất khiến thỏa thuận về petrodollar đổ vỡ, giới phân tích cũng chỉ ra một số yếu tố khác. Ví dụ, thị trường dầu mỏ quốc tế cũng đang đứng trước những thay đổi lớn lao khi toàn thế giới đang chuyển sang các nguồn năng lượng thay thế xanh hơn, sạch hơn.
Trong thập kỷ vừa qua, sự trỗi dậy của khí đốt và năng lượng tái tạo làm giảm đáng kể mức độ phụ thuộc của thế giới vào dầu mỏ. Kể cả những quốc gia có nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào như Saudi Arabia cũng phải thay đổi. Nước này đang đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có một nửa sản lượng điện được thay thế bằng năng lượng tái tạo và khí đốt, bên cạnh đó là trồng 10 tỷ cây xanh để đạt mục tiêu net-zero vào năm 2060.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng mối đe dọa tới vị thế của đồng USD đã bị thổi phồng quá mức, nhưng hầu hết thừa nhận rằng thỏa thuận petrodollar chấm dứt sẽ làm suy yếu đồng bạc xanh trong dài hạn, thậm chí ảnh hưởng đến cả thị trường tài chính Mỹ.
Ở thời điểm hiện tại, Saudi Arabia vẫn chấp nhận đồng USD trong các giao dịch dầu mỏ. Tuy nhiên một vài trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang nỗ lực thay đổi điều đó, đặc biệt là Trung Quốc. Nhiều năm nay nước này đã cố gắng thuyết phục Saudi Arabia chấp nhận thanh toán bằng đồng nhân dân tệ.
Theo tờ Sputnik, gần 80% giao dịch dầu thô trên toàn cầu được định giá bằng USD. Tuy nhiên, Nga, Iran, Saudi Arabia, Trung Quốc và một số nước khác đang dần chuyển sang sử dụng đồng nội tệ của họ trong các giao dịch năng lượng.
Cũng theo tờ báo này, nếu nhu cầu về đồng USD giảm, Mỹ sẽ đối mặt với lạm phát tăng, lãi suất tăng trong khi thị trường trái phiếu suy yếu.
Nhận thức được điều này, Mỹ cũng đang tìm nhiều cách để củng cố mối quan hệ với Saudi Arabia. Chính quyền của ông Biden đang cố gắng chốt lại hiệp ước nâng cấp quan hệ lên đồng minh chiến lược với Saudi Arabia. Tuy nhiên hiệp ước này cần nhận được 2/3 số phiếu ủng hộ ở Thượng viện để được thông qua.
>> Đe dọa cả đồng USD và hệ thống thanh toán SWIFT, BRICS có thể tạo ra một 'cơn bão tài chính'?