Vĩ mô

Đồng thuận từ trên xuống dưới khi Cảnh sát biển Việt Nam sáp nhập hai đơn vị

Trần Thường 24/12/2024 - 06:20

Xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam “tinh, gọn, mạnh” theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” luôn được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

LỜI TÒA SOẠN

Xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh là một trong những nội dung trọng tâm, cấp thiết của công tác quân sự, quốc phòng trong nhiệm kỳ này, nhằm tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Việc sắp xếp, điều chỉnh tổ chức lực lượng trong toàn quân được triển khai mạnh mẽ, bảo đảm chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình phù hợp, tạo sự chuyển biến rõ rệt.

Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024), Báo VietNamNet thực hiện loạt bài: Quân đội tinh, gọn, mạnh tiến lên hiện đại - Tầm nhìn, tư duy chiến lược.

Cảnh sát biển Việt Nam là bộ phận của lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, là nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển. Năm 2024, Cảnh sát biển Việt Nam đã triển khai điều chỉnh tổ chức lực lượng; tổ chức luyện tập và tham gia diễn tập; công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế được triển khai chủ động, linh hoạt.

VietNamNet phỏng vấn Trung tướng Bùi Quốc Oai, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam về nội dung này.

Việc sắp xếp, điều chỉnh tổ chức lực lượng Quân đội thời gian qua được triển khai mạnh mẽ, bảo đảm chặt chẽ, toàn diện. Cảnh sát biển Việt Nam (CSB) mới đây đã sáp nhập Cục Hậu cần và Cục Kỹ thuật thành Cục Hậu cần - Kỹ thuật. Xin Trung tướng cho biết, việc sắp xếp này có vai trò như thế nào trong xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại?

Trung tướng Bùi Quốc Oai: Xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại là chủ trương lớn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước ta đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là đòi hỏi khách quan, bảo đảm cho Quân đội đủ sức hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.

Tổ chức, biên chế là những nhân tố quan trọng cấu thành chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Vì vậy trên cơ sở thực tiễn, do yêu cầu nhiệm vụ cách mạng và yêu cầu xây dựng quân đội đặt ra trong từng thời kỳ, Đảng, Nhà nước, Quân đội điều chỉnh tổ chức lực lượng quân đội phù hợp với tình hình, nhiệm vụ.

Trong điều kiện nước ta phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế sâu rộng, yêu cầu, nhiệm vụ Tổ quốc ngày càng cao, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động ngày càng sâu sắc tới tất cả lĩnh vực, trong đó có quốc phòng, an ninh, thì việc kiện toàn tổ chức lực lượng Quân đội là yêu cầu khách quan, cấp thiết, góp phần xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại.

Việc sắp xếp, điều chỉnh tổ chức lực lượng Quân đội thời gian qua được triển khai mạnh mẽ, bảo đảm chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình phù hợp.

Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, kế hoạch của Bộ Quốc phòng về tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã ban hành Nghị quyết, kế hoạch về tổ chức lực lượng CSB Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo.

CSB Việt Nam đã sáp nhập Cục Hậu cần và Cục Kỹ thuật thành Cục Hậu cần - Kỹ thuật. Đây là nhiệm vụ được triển khai thực hiện thống nhất cho các cấp, các lực lượng trong Bộ Quốc phòng, nhằm xây dựng CSB Việt Nam theo hướng tinh, gọn, mạnh; góp phần xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến thẳng lên hiện đại trong tình hình hện nay, phù hợp với thực tiễn, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu từ năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Cán bộ, nhân viên, chiến sỹ Cục Hậu cần - Kỹ thuật được sắp xếp, tổ chức lại như thế nào sau khi sáp nhập, thưa Trung tướng?

Trung tướng Bùi Quốc Oai: Việc sáp nhập, tổ chức lại cơ quan Hậu cần - Kỹ thuật là một chủ trương lớn, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cục Hậu cần - Kỹ thuật đã làm tốt công tác tư tưởng để cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ về sự cần thiết phải sáp nhập và tổ chức lại, tạo sự thống nhất nhận thức từ cấp ủy, chỉ huy đến cán bộ, chiến sĩ, tạo sự đồng thuận từ trên xuống dưới, xây dựng quyết tâm trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Sau khi có quyết định tổ chức lại, Cục Hậu cần - Kỹ thuật đã nhanh chóng ổn định kiện toàn tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân các cơ quan tham mưu, tư vấn, bộ phận giúp việc, các ban chỉ đạo, hội đồng…theo tổ chức biên chế mới.

Sáp nhập 2 cơ quan tham mưu tổng hợp thành 1 cơ quan; 13 phòng, ban tham mưu chỉ đạo chuyên ngành cơ bản giữ nguyên, vì vậy cơ bản đảm bảo được tính ổn định. Tổ chức phân công, giao nhiệm vụ cụ thể; duy trì hoạt động nghiêm túc, hiệu quả công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho các nhiệm vụ thường xuyên; triển khai đúng tiến độ, chất lượng các đề án về hậu cần, kỹ thuật.

Toàn Cục tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” và Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị, kỹ thuật tốt, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”.

CSB Việt Nam đã trải qua 26 năm xây dựng, chiến đấu và phát triển. Đến năm 2030, CSB Việt Nam được xác định là một trong những lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đề nghị Trung tướng cho biết những định hướng lớn trong xây dựng, phát triển lực lượng trong thời gian tới?

Trung tướng Bùi Quốc Oai: CSB Việt Nam là một trong những lực lượng được Đảng, Nhà nước, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm đầu tư xây dựng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại, đạt trình độ hiện đại vào năm 2030 như trong nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội và nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã xác định.

Nhận thức rõ vinh dự to lớn và những yêu cầu hết sức nặng nề đó, CSB Việt Nam đã thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trên cơ sở đó xây dựng động cơ, trách nhiệm và ý chí quyết tâm cao của cán bộ, chiến sĩ.

Để thực hiện chủ trương này, CSB Việt Nam đã tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về triển khai thi hành Luật CSB Việt Nam.

Kiện toàn tổ chức, biên chế lực lượng CSB theo hướng “tinh, gọn, mạnh” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục đầu tư mua sắm trang bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại; đóng mới tàu thuyền, trong đó chú trọng đầu tư đóng các tàu có trọng tải lớn, có thể hoạt động dài ngày trên các vùng biển xa; đầu tư mua sắm máy bay tuần thám biển để quản lý vùng biển hiệu quả hơn. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng doanh trại, cầu cảng, vị trí neo đậu tàu thuyền… bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển của lực lượng.

CSB Việt Nam đã tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm đầu tư xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển của lực lượng, trong đó chú trọng bồi dưỡng kiến thức pháp luật và ngoại ngữ, nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, chiến sĩ trong thực thi nhiệm vụ và làm chủ vũ khí trang bị hiện đại.

Đồng thời, thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật; xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, mẫu mực tiêu biểu về mọi mặt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong tình hình mới.

Thời gian tới, CSB Việt Nam sẽ triển khai những nhiệm vụ nào trước những diễn biến nhanh chóng, phức tạp của tình hình an ninh, chủ quyền biển, đảo; tình hình tội phạm vi phạm trên biển, đặc biệt là tội phạm có yếu tố nước ngoài gia tăng, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi?

Trung tướng Bùi Quốc Oai: Thời gian qua, tình hình an ninh chủ quyền trên Biển Đông tiếp tục có những diễn biến mới phức tạp, khó dự báo; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật tiếp tục xu hướng dịch chuyển hướng biển với quy mô lớn, đa dạng về các loại tội phạm.

Nổi lên là: tội phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển với đa dạng các mặt hàng; tội phạm về ma túy tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ma túy trôi dạt vào bờ biển Việt Nam ghi nhận với tần suất ngày càng tăng; tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) tuy đã giảm nhưng vẫn xảy ra.

CSB Việt Nam với vai trò là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển, thời gian tới CSB Việt Nam tiếp tục triển khai các nhiệm vụ:

Một là, chủ động nắm chắc diễn biến tình hình liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển; kịp thời tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xử lý tình huống theo quy định của pháp luật, bảo đảm yêu cầu chính trị, ngoại giao; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Hai là, tiếp tục triển khai lực lượng tiến hành tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên khắp các vùng biển, nhất là các vùng biển trọng điểm; phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng để trao đổi thông tin, thống nhất nhận định, đánh giá tình hình, kịp thời đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển, nhất là các vụ việc có yếu tố nước ngoài, đường dây, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia; ngăn chặn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của nhân dân (nhất là ngư dân) không bị các đối tượng phạm tội xúi giục, lợi dụng; tích cực báo tin, tố giác với cơ quan chức năng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương kịp thời tuyên truyền về kết quả đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển của lực lượng Cảnh sát biển để chống can thiệp, kịp thời răn đe các đối tượng.

Bốn là, tăng cường công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế trong phối hợp, trao đổi với lực lượng chức năng các nước có vùng biển tiếp giáp. Qua đó, trao đổi thông tin về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và hợp tác nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển.

CSB Việt Nam đã có quan hệ song phương, đa phương với lực lượng thực thi pháp luật của nhiều quốc gia. Các tàu CSB Việt Nam liên tục có những chuyến công tác, giao lưu với các nước. Xin Trung tướng cho biết, kết quả hợp tác này và định hướng thời gian tới?

Trung tướng Bùi Quốc Oai: Hợp tác quốc tế, đối ngoại CSB là một bộ phận quan trọng trong hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng. Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng CSB Việt Nam rất quan tâm, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt nhằm đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đối ngoại CSB. Đảng ủy CSB Việt Nam đã ban hành quy chế lãnh đạo công tác hội nhập quốc tế, đối ngoại..

Qua hơn 26 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, có thể nói công tác hội nhập quốc tế, đối ngoại CSB đã gặt hái được nhiều thành tích, thực sự là điểm sáng trong công tác hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng.

CSB Việt Nam đã thiết lập đầu mối liên lạc với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của hơn 20 nước và vùng lãnh thổ. Trong đó, ký văn bản hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của 9 nước: Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ.

Về hợp tác đa phương, CSB Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm trong khuôn khổ: Trung tâm chia sẻ thông tin chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á; Hội nghị những người đứng đầu lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước châu Á; Trung tâm An ninh hàng hải hải quân Singapore; Văn phòng Phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hợp Quốc.

CSB Việt Nam đã cử tàu đi thăm Trung Quốc, Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ.

Đặc biệt CSB Việt Nam đã đề xuất và tổ chức thành công một số hoạt động đối ngoại mang tính định hướng, dẫn dắt như: Chương trình giao lưu CSB Việt Nam và những người bạn; giao lưu công tác đảng, công tác chính trị với CSB Trung Quốc.

Các hoạt động hợp tác song phương và đa phương góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của CSB Việt Nam, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, an toàn trên biển trong khu vực và trên thế giới.

Thời gian tới, CSB Việt Nam tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước, đặc biệt là các đối tác đã ký văn bản hợp tác; trao đổi, thống nhất ký văn bản hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước còn lại trong khu vực, như Malaysia, Singapore.

CSB cũng sẽ tham gia tích cực, có trách nhiệm trong hoạt động đa phương, nhằm không ngừng nâng cao vị thế, vai trò trong khu vực; tranh thủ sự ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế để nâng cao năng lực cho CSB, góp phần xây dựng CSB Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Xin cảm ơn Trung tướng!

Ảnh: Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, VietNamNet

Thiết kế: Nguyễn Ngọc

>>Sáp nhập cơ quan, đơn vị: Có người tài mới làm ra thể chế tốt

Sáp nhập cơ quan, đơn vị: Có người tài mới làm ra thể chế tốt

'Việc sáp nhập ở Bộ đội Biên phòng rất chặt chẽ, đồng bộ'

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/dong-thuan-tu-tren-xuong-duoi-khi-canh-sat-bien-viet-nam-sap-nhap-hai-don-vi-2355066.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Đồng thuận từ trên xuống dưới khi Cảnh sát biển Việt Nam sáp nhập hai đơn vị
    POWERED BY ONECMS & INTECH