Dòng tiền 'xoay vòng': Cơ hội xuất hiện trong những nhịp điều chỉnh
VN-Index khép lại chặng đường quý I/2025 với mức tăng 40 điểm (+3,16%), chốt phiên tại mức 1.306. Đà tăng được kích hoạt từ giữa tháng 1 trước những kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế, sự phục hồi của thị trường bất động sản và câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán.

Đáng chú ý, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân đã đóng vai trò dẫn dắt, góp phần giúp chỉ số bứt phá qua ngưỡng kháng cự quan trọng 1.300 điểm. Trong khi đó, áp lực bán ròng từ khối ngoại vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đặt ra những thách thức nhất định trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến số. Đặc biệt, quyết định áp thuế đối ứng mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ Donald Trump lên hàng loạt quốc gia, trong đó mức thuế với Việt Nam lên tới 46%, càng khiến thị trường thêm phần thận trọng.
Bối cảnh này đặt ra bài toán lớn về vận động dòng tiền khi thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh. Liệu những nhịp rung lắc có tạo cơ hội mới và kỳ vọng vào hệ thống KRX cùng tiến trình nâng hạng có đủ sức trở thành động lực thay đổi cục diện thị trường?
Để làm rõ hơn những cơ hội và thách thức trong giai đoạn sắp tới, chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS).
.png)
PV: Tăng giá khả quan trong quý I/2025, VN-Index đang gặp áp lực điều chỉnh. Theo ông, đây chỉ là nhịp điều chỉnh kỹ thuật trong xu hướng uptrend hay tiềm ẩn rủi ro đảo chiều? Áp lực chốt lời liệu có tiếp tục gia tăng hay không?
Theo tôi, những phiên giảm điểm trong 3 tuần qua trở lại đây phần lớn đến từ áp lực chốt lời cùng với động thái xả ròng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, thị trường thế giới vẫn đang chịu ảnh hưởng trước những thông tin liên quan đến thuế quan của Mỹ, khiến dòng tiền trong nước trở nên dè dặt hơn. Thanh khoản toàn thị trường cũng bắt đầu cho thấy dấu hiệu suy yếu.
Đặc biệt, lực bán từ khối ngoại tiếp tục dồn vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, tạo sức ép đáng kể lên VN-Index, khiến nhịp hồi phục gặp khó khăn. Tuy vậy, việc chỉ số điều chỉnh sau một chuỗi tăng dài vẫn là diễn biến bình thường, thường được xem là nhịp điều chỉnh kỹ thuật.
Hiện tại, VN-Index vẫn trụ vững trên đường MA50 tại mốc 1.300 điểm, giữ được xu hướng tăng trung hạn. Tuy nhiên, nếu mất mốc hỗ trợ quan trọng này, kịch bản giảm sâu hơn có thể mới thực sự kích hoạt. Khi đó, áp lực chốt lời sẽ gia tăng mạnh, thậm chí rủi ro đảo chiều không thể loại trừ. Dù vậy, tôi vẫn nhìn nhận đây là một nhịp điều chỉnh cần thiết để thị trường lấy đà cho chặng đường sắp tới. Vùng hỗ trợ cứng quanh MA200/MA100, tương đương ngưỡng 1.270 - 1.280 điểm sẽ là tấm đệm quan trọng giúp chỉ số tìm lại sự cân bằng.
PV: Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng dòng tiền “xoay vòng” gần đây giữa các nhóm ngành như bất động sản, thép, ngân hàng, chứng khoán, trong khi các nhóm còn lại khá trầm lắng? Các dòng tiền chủ đạo hiện đang định vị theo hướng “sector rotation” hay theo kỳ vọng đầu cơ ngắn hạn?
Hiện tượng dòng tiền “xoay vòng” phản ánh rõ nét sự dịch chuyển chiến lược của nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường phân hóa. Hiện tại, xu hướng luân chuyển giữa các nhóm ngành (sector rotation) đang chiếm ưu thế hơn so với đầu cơ ngắn hạn. VN-Index vẫn duy trì được nhịp tăng nhờ lực đẩy từ những cổ phiếu trụ, nhưng dòng tiền chưa thể lan tỏa rộng mà chủ yếu dịch chuyển qua lại giữa bất động sản, ngân hàng, thép và chứng khoán.
Dù vậy, không thể phủ nhận vẫn có một phần dòng tiền mang tính đầu cơ, đặc biệt khi xuất hiện những thông tin hỗ trợ hoặc sự kiện tác động ngắn hạn đến giá cổ phiếu, điển hình như nhóm khai khoáng hay một số mã thuộc hệ sinh thái Vingroup.
.png)
Việc dòng tiền tập trung vào một số cổ phiếu vốn hóa lớn trong khi nhiều mã khác vẫn “đứng ngoài cuộc chơi” là diễn biến bình thường. Khi thanh khoản còn yếu, khó có thể kỳ vọng một đợt bùng nổ trên diện rộng mà thay vào đó, dòng tiền buộc phải “xoay vòng” ngay cả khi nhiều cổ phiếu đã chiết khấu sâu. Trong bối cảnh này, những nhóm ngành vẫn giữ được xu hướng tăng có thể chỉ điều chỉnh nhẹ rồi tiếp tục thu hút dòng tiền, trong khi các nhóm chưa tạo đáy thành công vẫn chưa đủ sức hấp dẫn để kích hoạt dòng tiền tham gia.
.png)
PV. Ông đánh giá như thế nào về dấu ấn của nhà đầu tư cá nhân trong nhịp tăng tốt ở quý I/2025? So với năm 2024, xu hướng và động lực của dòng tiền cá nhân có gì khác biệt?
Năm 2025 được kỳ vọng sẽ là một năm bứt phá cho thị trường chứng khoán Việt Nam, khi hàng loạt yếu tố tích cực có thể trở thành "bệ phóng" kéo nhà đầu tư cá nhân quay lại. Thực tế, ở nhịp tăng mạnh của VN-Index trong quý I/2025, nhóm nhà đầu tư cá nhân đã thể hiện vai trò là lực đẩy chủ chốt giúp chỉ số chinh phục ngưỡng kháng cự cứng 1.300 điểm. Không phải ngẫu nhiên mà thị trường ngày càng hấp dẫn với nhóm nhà đầu tư này - đằng sau đó là nhiều yếu tố mang tính nền tảng đang củng cố niềm tin và kích thích dòng tiền nhập cuộc.
Trước hết, nền kinh tế đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%, nhờ sức bật từ tiêu dùng nội địa, giải ngân đầu tư công và dòng vốn FDI ổn định. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát quanh mức 4,5-5%, lãi suất ở vùng hợp lý. Những yếu tố này không chỉ giúp doanh nghiệp tăng trưởng mà còn củng cố niềm tin của nhà đầu tư, nhất là khi hàng loạt giải pháp đã và đang được triển khai nhằm khai thông dòng vốn tín dụng, hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi.
Bên cạnh đó, triển vọng nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi là động lực quan trọng. Đây là mục tiêu mà Chính phủ và cơ quan quản lý đang gấp rút thực hiện thông qua các cải cách như kiểm thử hệ thống KRX, sửa đổi quy định pháp lý giúp rút ngắn quy trình mở tài khoản, đơn giản hóa thủ tục cho nhà đầu tư nước ngoài. Nếu thành công, điều này không chỉ thu hút dòng vốn ngoại mà còn giúp thanh khoản cải thiện, kéo theo sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân khi định giá cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn.
Một yếu tố khác không thể bỏ qua là chính sách tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước. Mặt bằng lãi suất thấp sẽ tiếp tục khuyến khích dòng tiền dịch chuyển khỏi kênh tiết kiệm sang chứng khoán nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao hơn. Hiện tại, nhà đầu tư cá nhân chiếm hơn 90% thanh khoản thị trường và xu hướng này được kỳ vọng tiếp tục là động lực chính trong năm tới.
Xét về định giá, P/E của VN-Index đang ở vùng hấp dẫn khoảng 13-14 lần, thấp nhất trong chu kỳ 10 năm qua. Dự báo lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết có thể tăng 18-25% trong năm 2025 nhờ sự phục hồi của sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng. Đây là yếu tố quan trọng giúp thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành “miếng bánh béo bở” với nhà đầu tư cá nhân đang tìm kiếm cơ hội sinh lời từ vốn.
Nhìn về số liệu thực tế so với năm 2024, nhà đầu tư cá nhân mặc dù đã quay trở lại nhưng chưa thực sự mạnh mẽ trước nhiều những thách thức còn đang hiện hữu. Dòng vốn ngoại có thể chưa dứt đà bán ròng, trong khi các yếu tố bên ngoài như biến động địa chính trị hay chính sách thương mại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump vẫn là biến số khó lường. Dù vậy, với nền tảng nội tại vững vàng và quyết tâm cải cách của Chính phủ, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025 vẫn là một điểm đến sáng giá, đặc biệt với những nhà đầu tư cá nhân - những người thường tìm kiếm cơ hội đầu tư dài hạn với mức giá hợp lý.
PV: Theo ông, việc dòng tiền nhà đầu tư cá nhân chiếm ưu thế trên thị trường có tiềm ẩn rủi ro không, đặc biệt khi tâm lý của họ dễ bị ảnh hưởng bởi các thông tin nhiễu động?
Việc dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân đang chiếm ưu thế trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt khi chiếm hơn 90% thanh khoản, vừa là động lực tăng trưởng nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Dòng tiền này được ví như một con sóng lớn - khi thuận gió, nó có thể đẩy VN-Index bứt phá mạnh mẽ, nhưng cũng dễ đổi chiều nếu tâm lý đám đông dao động trước những thông tin nhiễu động.
Thực tế, nhu cầu đầu tư đang gia tăng cũng kéo theo sự nhập cuộc của lớp nhà đầu tư mới. Theo số liệu từ Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSD), riêng tháng 2 đã có gần 150.000 tài khoản chứng khoán mới được mở, mức cao nhất kể từ tháng 10/2024. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2025, thị trường đón nhận thêm hơn 230.000 tài khoản, nâng tổng lượng tài khoản lên hơn 9,5 triệu. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm hơn 9,46 triệu tài khoản, tăng gần 150.000 tài khoản so với trước đó.
Tuy nhiên, khi nhà đầu tư cá nhân chiếm ưu thế quá lớn, thị trường dễ bị chi phối bởi tâm lý đám đông. Một tin tiêu cực dù chưa được kiểm chứng cũng có thể kích hoạt làn sóng bán tháo, khiến thị trường giảm sâu không phản ánh đúng giá trị thực. Ngược lại, những thông tin tích cực bị khuếch đại có thể tạo nên hiệu ứng “bong bóng”, đẩy giá cổ phiếu lên cao vượt xa nền tảng doanh nghiệp. Điều này khiến thị trường đôi khi rơi vào trạng thái "tăng nóng, giảm sâu", tạo ra những nhịp rung lắc mạnh.
.png)
PV: Thị trường đang kỳ vọng nhiều yếu tố hỗ trợ như hệ thống KRX và câu chuyện nâng hạng. Theo ông, những thay đổi này tác động ra sao đến sự dịch chuyển dòng tiền thông minh?
Khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi, đó sẽ là "tấm vé thông hành" giúp dòng vốn ngoại chảy mạnh hơn. Nhiều quỹ đầu tư lớn có quy định chỉ rót vốn vào các thị trường mới nổi, nên việc nâng hạng sẽ mở ra cơ hội thu hút dòng tiền quy mô lớn từ khối ngoại. Điều này không chỉ cải thiện thanh khoản mà còn giúp thị trường vận hành ổn định hơn, giảm bớt sự biến động do dòng tiền cá nhân chi phối như hiện nay.
Bên cạnh đó, hệ thống KRX đi vào hoạt động sẽ cải tiến hạ tầng giao dịch, giúp thị trường vận hành mượt mà và chuyên nghiệp hơn. Khi hệ thống mới giúp xử lý lệnh nhanh hơn, giảm lỗi kỹ thuật và tăng tính minh bạch, nhà đầu tư sẽ tự tin xuống tiền nhiều hơn. Không chỉ vậy, KRX còn mở đường cho các sản phẩm mới như giao dịch lô lẻ, T+0 hay các công cụ phái sinh mới.
Cả hai yếu tố này khi cộng hưởng sẽ tạo nên một làn gió mới cho thị trường, không chỉ giúp dòng tiền vận động tích cực hơn mà còn củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng dài hạn của chứng khoán Việt Nam.
PV: Trong bối cảnh này, những nhóm ngành nào được kỳ vọng trở thành tâm điểm thu hút dòng vốn thời gian tới?
Khi Việt Nam được đưa vào danh sách nâng hạng, thị trường chứng khoán sẽ đón dòng vốn đầu tư từ 5 - 6 tỷ USD từ các quỹ ETF tham chiếu theo bộ chỉ số của FTSE và các quỹ chủ động.
Với lượng nhà đầu tư nước ngoài gia tăng, những công ty chứng khoán lớn, đang nắm giữ phần lớn tài khoản nước ngoài như SSI, HCM, VCI sẽ hưởng lợi trực tiếp từ dòng tiền này. Đồng thời, những cổ phiếu có vốn hóa lớn và còn room ngoại như VCB, VHM, FPT, HPG… sẽ trở thành tâm điểm chú ý, khi dòng vốn ngoại bắt đầu chảy mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
PV: Ông dự báo thế nào về diễn biến thị trường từ nay đến cuối năm? Đâu là yếu tố nhà đầu tư cá nhân cần lưu ý để không bị cuốn theo tâm lý đám đông khi thị trường “vào sóng”?
Năm 2025 được xem là năm bản lề cho sự chuyển mình mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam khi được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Điều này, đặc biệt là theo các tiêu chí của FTSE (với 7/9 tiêu chí đã hoàn thành), sẽ là cú hích lớn để thu hút dòng vốn ngoại từ các quỹ ETF và quỹ chủ động, tạo động lực cho dòng vốn nội địa tham gia thị trường.
Với dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt từ 6,3% đến 8% trong năm 2025 từ các tổ chức quốc tế như Fitch Ratings và IMF, cùng với kế hoạch tăng cường chi tiêu đầu tư công (ước tính thêm 1% GDP), thị trường chứng khoán sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ dòng vốn hỗ trợ này. Điều này tạo động lực lớn cho các doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là những doanh nghiệp trong ngành xây dựng và vật liệu xây dựng, huy động vốn từ thị trường chứng khoán.
Theo đó, thị trường có thể khởi sắc vào các tháng giữa và cuối năm (từ tháng 7-8 trở đi), khi các yếu tố tích cực trên bắt đầu được phản ánh. Tôi vẫn giữ quan điểm rằng chỉ số VN-Index có thể chạm mức cao nhất 1.400 điểm trong năm nay.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường đang chịu áp lực bán tháo mạnh sau thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump áp mức thuế trần lên tới 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam. Trong kịch bản khả quan, tôi cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể đàm phán để giảm thuế hoặc xin miễn trừ cho một số mặt hàng, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường thay thế như EU, Nhật Bản và ASEAN, tăng tốc đầu tư công và kích thích tiêu dùng nội địa. Vì vậy, những nhịp điều chỉnh ngắn hạn trong nửa đầu năm, đặc biệt vào tháng 4–5, hoàn toàn có thể xem là cơ hội để mua cổ phiếu tăng trưởng với mức giá hấp dẫn.
.png)
Trong ngắn hạn, nhà đầu tư cá nhân cần chuẩn bị tâm lý vững vàng khi thị trường vẫn có thể chịu ảnh hưởng từ những yếu tố bên ngoài, như tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu và tiến độ triển khai các chính sách hỗ trợ. Đặc biệt, chính sách thuế quan gay gắt của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể gây ra ảnh hưởng lớn đến diễn biến của thị trường chứng khoán toàn cầu, tạo ra nhiễu động cho tâm lý nhà đầu tư. Bên cạnh đó, sự phân hóa dòng tiền giữa các nhóm cổ phiếu (bluechip cùng các cổ phiếu vừa và nhỏ) cũng đòi hỏi nhà đầu tư phải linh hoạt điều chỉnh danh mục đầu tư.