Dòng vốn FDI từ Trung Quốc – Cú huých cho nền kinh tế Việt Nam
Không chỉ tăng mạnh về số lượng mà dòng vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam cũng được nâng cao về chất lượng.
Những năm gần đây, dòng vốn FDI  Trung Quốc đang đổ bộ vào Việt Nam ngày càng nhiều với sự xuất hiện của nhiều tập đoàn quy mô quốc tế và sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, điện – điện tử, chế biến, chế tạo, xe điện,... giá trị ngày càng được nâng cao.
Theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), giai đoạn 2021-2023, vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạng từ 2,92 tỷ USD lên 4,47 tỷ USD.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, đối tác dẫn đầu về số dự án FDI đầu tư vào Việt Nam là Trung Quốc, chiếm 29,3% và về vốn đầu tư chiếm 13%, đứng thứ 2 với hơn 3,2 tỷ USD.
Không chỉ tăng mạnh về số lượng mà dòng vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam cũng được nâng cao về chất lượng. Thay vì chỉ tập trung hoạt động trong các ngành như may mặc, da giày, đồ gỗ,... như trước đây, dòng vốn FDI từ Trung Quốc hiện nay đã có xu hướng chuyển dịch sang các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, công nghệ, điện tử, năng lượng xanh,...
Hiện, các doanh nghiệp Trung Quốc đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trên toàn quốc, tạo nên những dấu ấn rõ nét trong đầu tư. Tiêu biểu tại Bình Dương, họ đã triển khai 550 dự án, chiếm 13% tổng số dự án đầu tư tại địa phương, với tổng vốn lên đến hơn 1,7 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng là điểm dừng chân yêu thích của các nhà đầu tư từ Trung Quốc khi số dự án quốc gia này đầu tư tại địa phương lên đến 192 dự án với tổng vốn đạt 2,05 tỷ USD. Trung Quốc là quốc gia đứng thứ 4 về số dự án và thứ 5 về vốn đầu tư tại Đồng Nai.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Một số những dự án của các doanh nghiệp Trung Quốc có thể kể đến như Tập đoàn Chery với dự án xe điện Omoda&Jaecoo, vốn hơn 800 triệu USD; Tập đoàn BOE đang xây dựng nhà máy thiết bị đầu cuối thông minh tại Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ thực hiện lắp ráp và sản xuất tivi, màn hình có độ phân giải cao dùng cho máy tính, linh kiện điện tử,... với tổng vốn thực hiện dự án 277,5 triệu USD;...
Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn của Trung Quốc  có quy mô quốc tế cũng đã đăng ký đầu tư và triển khai nhà máy sản xuất tại Việt Nam, có thể kể đến như Tập đoàn Foxconn, Quanta Computer, Goertek,...
Chính phủ Việt Nam rất khuyến khích và mong muốn các nhà đầu tư Trung Quốc mở rộng hợp tác và tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực quốc gia này có thể mạnh.
Việc dòng vốn FDI của Trung Quốc chảy vào Việt Nam, đặc biệt ngày càng gia tăng trong những lĩnh vực công nghệ, điện tử,... là cơ hội vàng cho Việt Nam học hỏi, nâng cao trình độ sản xuất, công nghệ để có thể bắt kịp với xu hướng phát triển của thế giới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã tạo rất nhiều cơ hội việc làm cho người dân của địa phương, giúp họ ổn định cuộc sống, từ đó nền kinh tế - xã hội của đất nước được phát triển.
Để nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với các ông lớn khác trên thế giới, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng quản lý Nhà Nước từ Trung ương đến địa phương về đầu tư nước ngoài; tích cực quảng bá hình ảnh của đất nước đến các nhà đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối;...
>>Tỉnh được đặt tới 2 nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sắp đón dự án FDI tỷ đô