Đột phá phát triển khoa học công nghệ: Định hướng chiến lược từ câu hỏi của Tổng Bí thư
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về phát triển khoa học, công nghệ, ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng, những câu hỏi mở được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI (ngày 15/1) là một hồi chuông cảnh tỉnh không chỉ đối với các cơ quan làm báo cáo, mà còn là định hướng cho các công ty công nghệ tự nhìn nhận chiến lược dài hạn cho tốt hơn.
Hồi chuông cảnh tỉnh
- Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia có ý nghĩa thế nào đối với sự phát triển của đất nước, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang đặt ra mục tiêu tăng trưởng hai con số, tránh nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình?
+ Từ sau khi Nghị quyết 57  về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được ban hành, nhiều hội nghị quan trọng đã được tổ chức. Mới đây nhất, ngày 15/1, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI.
Tại diễn đàn này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu bày tỏ mong muốn sự đóng góp của các doanh nghiệp chuyển đổi số không chỉ dừng ở các chỉ tiêu mà cần tập trung vào chất lượng, đặc biệt là giá trị kinh tế thực chất.
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình trao giải Vàng sản phẩm Make in Việt Nam tại Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI, sáng 15/1 |
Một số chỉ tiêu đáng chú ý được nêu trong các báo cáo như: Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại thông minh; đứng thứ 5 về xuất khẩu linh kiện máy tính; đứng thứ 6 về xuất khẩu thiết bị máy tính; đứng thứ 7 về gia công phần mềm và đứng thứ 8 về xuất khẩu thiết bị linh kiện điện tử.
Tuy nhiên, như Tổng Bí thư đã nhấn mạnh, câu hỏi đặt ra là: Giá trị mà Việt Nam thực sự đóng góp trong toàn bộ chuỗi cung ứng này là bao nhiêu phần trăm? Liệu Việt Nam chỉ đang đảm nhiệm những phần đơn giản nhất trong chuỗi giá trị? Ví dụ, trong ngành dệt may, giá trị thực sự mà Việt Nam đóng góp là gì? Hoặc như Samsung, tại Thái Nguyên có 60 doanh nghiệp đối tác cấp I cung ứng nhưng chỉ có 5 doanh nghiệp trong nước; tại Bắc Ninh có 176 đối tác cấp I, nhưng đến 164 doanh nghiệp là của nước ngoài.
Những câu hỏi mở này của Tổng Bí thư là một hồi chuông cảnh tỉnh không chỉ đối với các cơ quan làm báo cáo, mà còn là định hướng cho các công ty công nghệ tự nhìn nhận lại chiến lược dài hạn.
Theo ông Phan Đức Trung, ngày 15/1 đánh dấu một mốc quan trọng khi lần đầu tiên Tổng Bí thư gặp gỡ các doanh nghiệp thuộc thế hệ công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, mạng 6G, bán dẫn và đặc biệt là blockchain. Điển hình là doanh nghiệp One Mount đã đăng ký nhận trách nhiệm làm mạng blockchain Layer 1 "Make in Việt Nam"...
- “Làn sóng AI” giờ đây đang xuất hiện ở khắp mọi nơi, ở mọi ngành kinh tế, theo ông, Việt Nam cần làm gì để sớm làm chủ, bắt kịp, tiến cùng thế giới về trí tuệ nhân tạo (AI)?
+ AI thực chất không chỉ là công nghệ mà còn đòi hỏi đầu tư lớn vào hệ thống phần cứng để xử lý dữ liệu. Việc phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Model - LLM) với hàng trăm tỷ tham số đã trở thành một xu hướng, đặc biệt tại Diễn đàn ngày 15/1, nhiều doanh nghiệp cam kết phát triển mô hình LLM với quy mô 100 tỷ tham số.
Tuy nhiên, quá trình này không hề đơn giản và rất tốn kém. Chúng ta phải cân bằng giữa chi phí, đổi mới công nghệ và hiệu quả khi ứng dụng AI đem lại.
Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam |
Để xây dựng được LLM, trước hết cần mua hoặc thuê các hệ thống xử lý dữ liệu khổng lồ nhằm phân tích và xử lý lượng dữ liệu đầu vào. Nhưng không dừng lại ở việc tạo ra mô hình, bài toán quan trọng hơn là làm sao “nuôi dưỡng” và khai thác LLM một cách hiệu quả. Việc chạy theo quy mô tham số mà thiếu chiến lược khai thác sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực.
Thách thức lớn đặt ra là làm sao để những giá trị từ LLM giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tăng năng suất lao động và tạo ra doanh thu. Đây là yếu tố quyết định lợi nhuận thay vì chỉ đầu tư phát triển mô hình mà không tính đến hiệu quả sử dụng.
Do đó, Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng các LLM, đồng thời hướng tới việc phát triển các dịch vụ như “AI Factory” - nơi tối ưu hóa và triển khai các mô hình này để giải quyết bài toán kinh tế. Quan trọng hơn, AI phải được ứng dụng để gia tăng năng suất lao động và tối ưu chi phí sản xuất, thay vì kỳ vọng AI là một “liều thuốc thần”.
Trung tâm tài chính thử nghiệm, động lực tăng trưởng mới
- Đổi mới xây dựng pháp luật, loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm” có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia - vốn luôn kèm theo những rủi ro khi hành lang pháp lý chưa theo kịp, thưa ông?
+ Tư duy “không quản được thì cấm” đã nhiều lần được nhắc đến như một rào cản đối với sự phát triển. Vấn đề này đã nhận được sự chỉ đạo sát sao từ Tổng Bí thư Tô Lâm.
Hiện nay, với những nỗ lực ban hành luật, đồng bộ hóa các văn bản pháp lý từ luật đến thông tư, nghị định kết hợp với triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đang tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng.
Trước khi áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp nhằm khai thác tiềm năng của các vùng kinh tế.
Tuy nhiên, sau một thời gian dài, các chính sách này chưa tạo được đột phá như kỳ vọng và đôi khi còn gây chồng lấn trong hệ thống văn bản pháp luật.
Giai đoạn hiện nay đánh dấu sự cải tổ mạnh mẽ trong bộ máy hành chính, cải cách thể chế và hoàn thiện khung pháp lý. Những nỗ lực này được cụ thể hóa thông qua việc cho phép các trung tâm tài chính thử nghiệm các cơ chế đặc thù có kiểm soát, tạo động lực tăng trưởng mới. Điều này thể hiện quyết tâm lớn của Việt Nam trong công cuộc đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, sự đổi mới không thể đạt được chỉ trong ngày một ngày hai.
Để xây dựng hệ thống bền vững, yếu tố nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt. Nhân lực chất lượng cao cần được đảm bảo chế độ đãi ngộ phù hợp để khuyến khích sự cống hiến lâu dài. Đặc biệt, cần cân bằng lợi ích giữa Nhà nước và các chủ thể tham gia, bởi chỉ khi lợi ích hài hòa, sự tăng trưởng mới có thể bền vững.
Sự thành công trong đổi mới sáng tạo không chỉ nằm ở việc xây dựng chính sách mà còn phụ thuộc vào cách triển khai và phát huy nguồn lực một cách hợp lý, nhằm tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.
Xin cảm ơn ông!
>> Nghị quyết 57 là điểm tựa để Việt Nam đi vào kỷ nguyên vươn mình 
Nghị quyết 57 là điểm tựa để Việt Nam đi vào kỷ nguyên vươn mình 
Nghị quyết 57 là kim chỉ nam phát triển đất nước giàu mạnh trong kỷ nguyên mới