Doanh nghiệp A-Z

Dự án BOT nghìn tỷ thua lỗ kéo dài, Bộ GTVT đề xuất cơ chế giải cứu

Ánh Nguyệt 20/02/2025 - 14:13

Theo Bộ GTVT, trạm thu phí BOT Cầu Thái Hà là dự án cần bổ sung vốn Nhà nước để đảm bảo cân đối tài chính và duy trì hoạt động.

Theo Báo Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 1489/BGTVT-CĐCTVN gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà báo cáo về cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn tại một số dự án BOT giao thông.

Hiện có 11 dự án đã được định lượng cụ thể khó khăn cần xử lý, trong đó vướng mắc tập trung ở nhóm 4 dự án BOT đã đi vào khai thác nhưng cần bổ sung vốn Nhà nước để đảm bảo hiệu quả tài chính và tiếp tục thực hiện hợp đồng. Do pháp luật chưa có quy định về hỗ trợ vốn sau khi dự án đi vào vận hành, Bộ kiến nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội nhằm thí điểm cơ chế nhằm tháo gỡ khó khăn.

Theo kế hoạch, Bộ GTVT sẽ hoàn thiện Đề án tháo gỡ khó khăn, trình Đảng ủy Chính phủ trong tháng 3/2025, sau đó trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết vào kỳ họp tháng 5/2025.

Dự án BOT nghìn tỷ thua lỗ kéo dài, Bộ GTVT đề xuất cơ chế giải cứu
Trạm thu phí BOT Cầu Thái Hà

Chia sẻ về vấn đề này, ông Ngô Tiến Cương, Chủ tịch HĐQT CTCP BOT Cầu Thái Hà (UPCoM: BOT) - một trong 4 dự án BOT đang khai thác cần bổ sung vốn Nhà nước, cho biết việc thực hiện hợp đồng theo phương án ban đầu không khả thi. Do đó, Bộ GTVT đã phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu sửa đổi hợp đồng, trong đó đề xuất Nhà nước hỗ trợ 70% tổng vốn đầu tư (khoảng 1.024 tỷ đồng). Đồng thời, ngân hàng tài trợ vốn cũng thống nhất cơ cấu lại khoản vay theo doanh thu thực tế, giữ nguyên nhóm nợ và áp dụng biện pháp hỗ trợ lãi vay để đảm bảo tính khả thi về tài chính cho dự án.

“Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, các ngân hàng tài trợ vốn đã thống nhất giải pháp tái cơ cấu khoản vay, giảm lãi suất và điều chỉnh phương án trả nợ phù hợp với doanh thu thực tế. Nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án cũng cam kết giảm lợi nhuận tương ứng. Vấn đề quan trọng là cần sớm triển khai chính sách này để giảm áp lực tài chính cho cả nhà đầu tư lẫn ngân hàng”, ông Ngô Tiến Cương nhấn mạnh.

Dự án BOT nghìn tỷ thua lỗ kéo dài, Bộ GTVT đề xuất cơ chế giải cứu
BOT Cầu Thái Hà lãi lớn trong quý IV/2024 nhờ khoản thu khác trong khi doanh thu từ BOT không thay đổi đáng kể so với cùng kỳ

CTCP BOT Cầu Thái Hà được thành lập năm 2014 với mục tiêu xây dựng cầu Thái Hà bắc qua sông Hồng, kết nối hai tỉnh Hà Nam và Thái Bình. Trạm thu phí cầu Thái Hà có vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2019 với thời gian hoàn vốn dự kiến khoảng 16 năm 7 tháng. Tuy nhiên, ngay sau đó, doanh nghiệp gặp khó khăn lớn khi Nhà nước triển khai cầu Hưng Hà chỉ cách 3 - 4km khiến phần lớn phương tiện chuyển hướng qua cầu này để tránh phí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của doanh nghiệp.

Theo đó, công ty liên tục thua lỗ từ mảng BOT do doanh thu thu phí không đủ bù đắp chi phí vận hành và lãi vay. Tuy nhiên, đến quý IV/2024, doanh nghiệp bất ngờ ghi nhận doanh thu thuần 372,8 tỷ đồng, gấp 31 lần cùng kỳ, chủ yếu đến từ một nguồn thu chưa từng xuất hiện trước đó, trong khi doanh thu từ mảng BOT không có nhiều biến động.

Nhờ nguồn thu đột biến, công ty báo lãi ròng 302,3 tỷ đồng, qua đó thu hẹp khoản lỗ lũy kế về 188 tỷ đồng.

>> Khoản lợi nhuận 'bí ẩn' hơn 300 tỷ đồng giúp giá cổ phiếu tăng 140% trong nửa tháng, công ty tại Thái Bình phải giải trình

Giám đốc tài chính một tập đoàn BĐS rời ghế, sau khi kế hoạch huy động 1.000 tỷ đồng mua dự án Đại Nam của ông Dũng 'lò vôi' đổ bể

Hà Nội sắp quyết định chủ trương xây 3 cây cầu hơn 45.000 tỷ đồng bắc qua sông Hồng, bao gồm cả dự án của Vingroup

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/du-an-bot-nghin-ty-thua-lo-keo-dai-bo-gtvt-de-xuat-co-che-giai-cuu-277597.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Dự án BOT nghìn tỷ thua lỗ kéo dài, Bộ GTVT đề xuất cơ chế giải cứu
    POWERED BY ONECMS & INTECH