Dự án cầu đi bộ đầu tiên bắc qua sông Sài Gòn đón tin vui
Công trình dự kiến sẽ khởi công trước ngày 30/4/2025 và hoàn thành vào năm 2027, hứa hẹn trở thành biểu tượng kiến trúc mới của TP. HCM, gắn kết giữa hai không gian văn hóa lịch sử: Quận 1 và TP. Thủ Đức.
UBND TP. HCM đã ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án cầu đi bộ  qua sông Sài Gòn, do CTCP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood lập và tài trợ toàn bộ chi phí liên quan trong quá trình thực hiện.
Đây là cây cầu đi bộ đầu tiên bắc qua sông Sài Gòn, có tổng chiều dài hơn 500m, với thiết kế độc đáo lấy cảm hứng từ hình ảnh lá dừa nước - biểu tượng đặc trưng của miền Nam.
Cầu đi bộ có chiều dài chính khoảng 261m, với nhịp vòm treo dây văng dài 187m, được xây dựng bằng dầm thép. Mặt cắt ngang của cầu có chiều rộng thay đổi từ 7 đến 11m, tạo sự thông thoáng cho người đi bộ. Đặc biệt, thiết kế cầu không chỉ chú trọng về mặt kỹ thuật mà còn mang đậm tính thẩm mỹ, với hệ thống thác nước tuần hoàn, chiếu sáng mỹ thuật và các mảng xanh bố trí dọc theo cầu.
Vị trí xây dựng cầu nằm giữa Cầu Ba Son và hầm Thủ Thiêm, đầu cầu phía quận 1 được đặt tại Công viên Bến Bạch Đằng, gần phố đi bộ Nguyễn Huệ, trong khi đầu cầu phía TP. Thủ Đức nằm ngoài ranh khu A, phía Nam quảng trường trung tâm của Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Khi hoàn thành, cây cầu không chỉ phục vụ nhu cầu giao thông, mà còn là không gian công cộng lý tưởng cho người dân và du khách đến tham quan, vui chơi, nghỉ ngơi với các tiện ích như ghế ngồi, thùng rác và điểm dừng chân.
Dự án cầu đi bộ này có tổng mức đầu tư ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng. Công trình dự kiến sẽ khởi công trước ngày 30/4/2025 và hoàn thành vào năm 2027, hứa hẹn trở thành biểu tượng kiến trúc mới của TP. HCM, gắn kết giữa hai không gian văn hóa lịch sử: Quận 1 và TP. Thủ Đức.
Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn không chỉ có vai trò cải thiện giao thông, mà còn mang giá trị văn hóa và kiến trúc đặc biệt, kết nối quận 1 với TP. Thủ Đức – thành phố trẻ đầu tiên của Việt Nam. Cây cầu được kỳ vọng sẽ kiến tạo một không gian công cộng thân thiện, an toàn và tiện nghi, thu hút người dân và du khách tham quan, đồng thời góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch tổng thể của TP. HCM.
>> 'Tiểu Paris' của Việt Nam sẽ trở thành đô thị du lịch quốc gia