Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 67 tỷ USD sẽ được triển khai theo 3 giai đoạn
Theo Công ty tư vấn TEDI, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ được chia làm 3 giai đoạn với thời gian triển khai từ 2025-2035.
Ông Phạm Hữu Sơn - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) - đơn vị đảm nhận nghiên cứu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam , giai đoạn 1 dự án sẽ bao gồm việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) và thiết kế tổng kỹ thuật để phục vụ lập hồ sơ mời thầu tổng thầu EPC (FEED).
Trong giai đoạn này, các nhiệm vụ chính sẽ bao gồm: Lựa chọn đơn vị tư vấn quản lý dự án, tư vấn lập FS và thiết kế FEED; tổ chức đấu thầu, lựa chọn đơn vị tư vấn; tiến hành khảo sát, lập FS và thiết kế FEED; đồng thời thẩm tra, thẩm định và phê duyệt các hồ sơ trên để chuẩn bị cho gói thầu EPC. Giai đoạn 1 dự kiến sẽ triển khai từ năm 2025-2027.
Một trong những thách thức lớn nhất của giai đoạn này là việc huy động lực lượng tư vấn và thiết kế. Nếu phụ thuộc hoàn toàn vào tư vấn nước ngoài, thời gian khởi động công việc sẽ bị chậm trễ.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua 20 tỉnh, thành phố. Ảnh: VnExpress |
Vì vậy, cần tận dụng năng lực của các đơn vị trong nước ở một số hạng mục, qua đó đẩy nhanh tiến độ triển khai. Ông Sơn nhấn mạnh rằng, để đảm bảo tiến độ, cần áp dụng cơ chế đặc thù cho phép chủ đầu tư lập thiết kế FEED thay thế cho thiết kế cơ sở trong FS. Cơ chế này có thể giúp rút ngắn thời gian thực hiện khoảng một năm so với quy trình thông thường.
Giai đoạn 2 của dự án (từ năm 2027-2035) sẽ tập trung vào thi công, xây dựng và mua sắm thiết bị. Trong giai đoạn này, đơn vị chủ quản sẽ tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu EPC, đàm phán và ký hợp đồng, sau đó triển khai thi công xây dựng, mua sắm thiết bị và chuyển giao công nghệ.
>> Sau 7 trung tâm thương mại, ‘ông lớn’ Aeon Mall vẫn tham vọng đầu tư thêm vào Việt Nam 
Theo ông Sơn, công tác giải phóng mặt bằng là ưu tiên hàng đầu với khối lượng lên đến 10.000ha, liên quan đến 20 địa phương. Do đó, công việc này cần sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan chức năng và cả hệ thống chính trị.
Ngoài ra, khối lượng thi công xây dựng lớn đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các hạng mục công việc. Để thực hiện điều này, đơn vị thi công cần sử dụng công nghệ BIM xuyên suốt từ khảo sát, thiết kế đến triển khai. Các hạng mục xây lắp nên tận dụng tối đa nguồn lực trong nước nhằm đảm bảo hiệu quả về tiến độ và chi phí.
Giai đoạn 3 sẽ là vận hành thử nghiệm và khai thác thương mại. Các nhiệm vụ chính bao gồm: Vận hành thử tàu, đánh giá an toàn hệ thống và đưa vào khai thác thương mại.
Ông Sơn lưu ý rằng, giai đoạn này có thể gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong khâu đánh giá an toàn hệ thống. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM sẽ là bài học quý giá giúp dự án hoàn thành thành công.
Để khuyến khích sự tham gia của các nhà thầu trong nước, ông Sơn đề xuất hai hình thức: Hợp tác liên danh với nhà thầu nước ngoài hoặc sử dụng chuyên gia nước ngoài hỗ trợ.
Ảnh minh họa |
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh, đường sắt tốc độ cao là dự án trọng điểm với khối lượng công việc lớn và nhiều thách thức. Để đảm bảo tiến độ, Bộ dự kiến trình Chính phủ ban hành Nghị quyết nhằm chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương triển khai các nhiệm vụ cụ thể. Đặc biệt, cần có chính sách đặc thù trong huy động nguồn lực đầu tư và rút ngắn tiến độ.
Cùng với đó, các Bộ ngành sẽ được giao trách nhiệm cụ thể, như Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì đào tạo nguồn nhân lực, Bộ Khoa học và Công nghệ phụ trách chuyển giao công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm nhận công tác giải phóng mặt bằng. Sau khi Nghị quyết được thông qua, Chính phủ sẽ ban hành nghị định hướng dẫn, tạo cơ sở pháp lý cho dự án.
Ngay sau khi được phê duyệt chủ trương, Bộ Giao thông vận tải sẽ lựa chọn nhà thầu tư vấn để lập FS, đồng thời làm việc với các địa phương để xác định chi tiết hướng tuyến, vị trí nhà ga và phạm vi giải phóng mặt bằng. Bộ cũng sẽ triển khai song song các bước chuẩn bị nhằm đảm bảo dự án có thể khởi công vào cuối năm 2027.
Các nhiệm vụ quan trọng khác bao gồm: kiện toàn mô hình quản lý đầu tư, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực và công nghiệp đường sắt, đồng thời thiết lập hệ thống tiêu chuẩn và định mức cho dự án. Ban Quản lý dự án đường sắt sẽ ngay lập tức tổ chức đào tạo nhân lực và sắp xếp lại cơ cấu tổ chức để đảm bảo phù hợp với yêu cầu triển khai.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, với chiều dài toàn tuyến khoảng 1.541km, sẽ nối ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và ga Thủ Thiêm (TP. HCM).
Tuyến đường đi qua địa phận của 20 tỉnh, thành phố, bao gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, và TP. HCM.
Dự án sử dụng tổng diện tích đất khoảng 10.827ha, trong đó gồm 3.655ha đất trồng lúa, 2.567ha đất lâm nghiệp và 4.605ha đất khác. Dự kiến, khoảng 120.836 người sẽ phải tái định cư.
Tổng mức đầu tư sơ bộ lên tới 1,71 triệu tỷ đồng (tương đương 67,3 tỷ USD), được huy động từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn đầu tư công trung hạn và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Theo kế hoạch, từ năm 2025 sẽ tiến hành lập báo cáo nghiên cứu khả thi, hướng tới mục tiêu cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2035.