Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi): Đột phá công tác phân cấp, phân quyền, hạn chế 'rừng' thủ tục
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) với 5 nhóm chính sách mới, hướng tới việc đổi mới công tác phân cấp, phân quyền và và đơn giản hóa thủ tục hành chính.
“Đột phá” trong công tác phân cấp, phân quyền
Dự thảo Luật Đầu tư công  (sửa đổi) với 5 nhóm chính sách mới, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua theo trình tự rút gọn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tháng 10 này, đang được kỳ vọng sẽ khơi thông các nguồn lực cho tăng trưởng .
“Đột phá” trong công tác phân cấp, phân quyền. |
Một trong những nội dung nổi bật và quan trọng nhất trong Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi lần này, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đó là việc sửa đổi quy định về phân cấp, phân quyền và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Qua đó, thể hiện tư duy đổi mới, đột phá trong công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Cụ thể, theo ông Phương, mặc dù đây là những quy định về phân cấp nhưng vẫn đảm bảo phù hợp và không xung đột với các cái luật hiện hành, đặc biệt là Luật Tổ chức Chính quyền địa phương. Đồng thời, không làm mất đi vai trò quyết định ngân sách, phân bổ ngân sách của Quốc hội  và Hội đồng nhân dân trong quản lý tài chính nói chung.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, quy định mới về phân cấp, phân quyền cũng giúp nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Khi phân cấp, phân quyền thì các quyền về quyết định chủ trương đầu tư dự án hay quyết định dự án được phân cấp cho người đứng đầu cơ quan trung ương hoặc của địa phương.
Theo đó, với cơ quan Trung ương là các bộ trưởng hoặc tương đương; ở địa phương là Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, sẽ là người chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Từ đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc lập, thẩm định, phê duyệt các cái dự án cũng như là điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, vận hành kế hoạch hiệu quả hơn.
Ngoài ra, nội dung phân cấp, phân quyền trong Dự thảo Luật lần này cũng là điểm đột phá giúp chuyển mạnh tư duy từ kiểm soát sang hậu kiểm. Tuy nhiên, với việc chuyển sang hậu kiểm, vai trò kiểm tra, giám sát đòi hỏi rất cao, nhất là khi gắn với việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý.
Bên cạnh điểm mới trong quy định về công tác phân cấp, phân quyền, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, những chính sách mới đối với các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài cũng là điểm “đột phá” giúp thúc đẩy việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.
>>Thủ tướng phê bình 31 bộ ngành và 23 địa phương giải ngân vốn đầu tư công thấp 
Hạn chế “rừng” thủ tục cho các dự án ODA
Hạn chế “rừng” thủ tục cho các dự án ODA. |
Xuất phát từ thực tiễn trong thời gian vừa qua, các dự án ODA gặp rất nhiều vấn đề lớn, nhất là “rừng” thủ tục. Thống kê từ các địa phương triển khai dự án ODA cho thấy kể từ khi có ý tưởng cho đến khi thực hiện, dự án ODA phải trải qua khoảng thời gian thường từ 5-6 năm để chuẩn bị, đến khi thực hiện thì đã rất lâu và sẽ phải điều chỉnh đi điều chỉnh lại rất nhiều lần.
Vì vậy, trong sửa đổi Luật lần này, Ban Soạn thảo đã thiết kế mục riêng, quy định các nội dung liên quan đến các dự án ODA. Theo đó, gần như chuyển hẳn toàn bộ trình tự, thủ tục lập thẩm định, phê duyệt dự án ODA… áp dụng theo quy trình như dự án trong nước, chỉ thêm bước đề xuất dự án theo quy định của Luật Quản lý nợ công và bước đàm phán ký kết hiệp định vay.
Qua đó, tổng thể trình tự, thủ tục có thể sẽ ngắn hơn rất nhiều so với trước đây. Điều này cũng nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của các nhà tài trợ nước ngoài.
Về giải ngân nguồn vốn ODA, thay vì trước đây phải giải ngân song hành giữa vốn cấp phát và vốn vốn vay lại và khi một trong hai nguồn vốn hết hạn mức thì nguồn vốn còn lại dù còn nhiều cũng không giải ngân được.
“Dự thảo sửa đổi lần này sẽ khắc phục được “điều đáng tiếc” này để có thể tận dụng hiệu quả các nguồn lực có sẵn để giải ngân được ngay về mặt kế hoạch, đáp ứng được yêu cầu của các nhà tài trợ nhưng vẫn đảm bảo được quy định của Luật Quản lý nợ công”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.
Ngoài ra, về vốn viện trợ, ông Phương cho biết, mặc dù Việt Nam đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình nên viện trợ không hoàn lại không còn nhiều nữa nhưng vẫn là nguồn quan trọng. Xuất phát từ thực tiễn khi xảy ra thiên tai, bão lũ, Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế bằng các nguồn viện trợ không hoàn lại.
Tuy nhiên, các quy định hiện hành về thủ tục nhận viện trợ không hoàn lại rất phức tạp, mất nhiều thời gian khiến nguồn vốn hỗ trợ không được sử dụng kịp thời. Vì vậy, Ban Soạn thảo quyết tâm tháo gỡ “điểm nghẽn” này để các nguồn viện trợ khẩn cấp được sử dụng đúng mục tiêu, kịp thời phát huy hiệu quả.
Không phân cấp, phân quyền, cái gì cũng phải trình cấp trên thì không làm được! 
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cắt giảm thủ tục hành chính