Đua nhau nới lỏng tiền tệ để chiến đấu với khủng hoảng lạm phát, liệu các Ngân hàng Trung ương có đang đi đúng hướng?
Các nhà hoạch định chính sách đang hạ lãi suất và bày tỏ niềm tin mới rằng kinh tế thế giới hoàn toàn có thể "hạ cánh mềm".
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra cách diễn giải của riêng mình về quyết định cắt giảm lãi suất mạnh tay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)  trong tuần này. Ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hòa cho rằng quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm bất thường hôm 18/9 vừa qua là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang trong tình trạng "rất tồi tệ".
Nhưng bên trong Fed, triển vọng kinh tế của Mỹ lại được nhìn nhận rất khác. Ngay cả khi Ngân hàng Trung ương phát tín hiệu rằng sẽ có thêm nhiều đợt cắt giảm lãi suất nữa, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã đưa ra nhận định đầy lạc quan về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ.
"Nền kinh tế Mỹ đang ở một vị thế tốt và quyết định của chúng tôi ngày hôm nay được đưa ra nhằm duy trì điều đó, ông Powell nói với các phóng viên. Ông khẳng định rằng động thái hạ lãi suất này chỉ là một "sự điều chỉnh" sau khi lãi suất được giữ ở mức cao nhất trong 23 năm trong hơn một năm qua, chứ không phải là một động thái hoảng loạn để hỗ trợ nhu cầu.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, các Ngân hàng Trung ương châu Âu đang phải đối mặt với bối cảnh kinh tế kém lạc quan hơn đáng kể. Tuy nhiên, họ cũng đã bắt đầu các chu kỳ nới lỏng chính sách của riêng mình. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)  đã cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong năm vào tuần trước, trong khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã cắt giảm lãi suất vào tháng trước và cho biết hôm 19/9 rằng họ sẽ tiếp tục cắt giảm trong năm nay. Các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng không chỉ chế ngự được lạm phát, mà hơn nữa họ đã giành được chiến thắng mà không khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Điểm đặc biệt hiện nay là bối cảnh. Các chu kỳ cắt giảm lãi suất trong vài thập kỷ gần đây — chẳng hạn như vào đầu những năm 2000, hoặc trong cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ năm 2007— thường gắn liền với những đợt suy thoái kinh tế nghiêm trọng.
Hai năm trước, khi giá cả bắt đầu tăng vọt sau cú sốc kinh tế do đại dịch Covid-19 và cuộc chiến Nga-Ukraine, đã có những cảnh báo nghiêm trọng rằng lạm phát sẽ vượt ngoài tầm kiểm soát hoặc dẫn đến suy thoái kinh tế sâu rộng. Mặc dù những biến động địa chính trị vẫn là một mối đe dọa thường trực, các Ngân hàng Trung ương hiện tại tạm thời có thể thở phào nhẹ nhõm. "Chúng ta đã trải qua chu kỳ thắt chặt toàn cầu mạnh mẽ mà không để mọi thứ đổ vỡ”, Jens Larsen tại Eurasia Group cho biết. "Tôi nghĩ rằng các Ngân hàng Trung ương đã điều chỉnh mọi thứ khá tốt”.
Một trong những động thái thành công nhất gần đây của Ngân hàng Trung ương Mỹ để kiềm chế lạm phát có lẽ là vào giữa những năm 1990, dưới thời cựu Chủ tịch Alan Greenspan.
Khi đó, Fed đã tăng gấp đôi lãi suất lên 6% trong vòng khoảng một năm, trước khi nới lỏng một cách chậm rãi mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái, theo Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER).
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách khi đó phải đối phó với áp lực giá cả ít nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì ông Powell và các Ngân hàng Trung ương khác phải đối mặt sau đại dịch với giá hàng hóa tăng vọt. Lạm phát tại các nền kinh tế phát triển đã vượt quá 7% vào năm 2022, trong khi gần chạm mức 10% tại các thị trường mới nổi.
Khi lãi suất chính thức tăng vọt vào năm 2022, Ngân hàng Thế giới (WB) nằm trong số các tổ chức cảnh báo rủi ro suy thoái toàn cầu. Phân tích của Oxford Economics cho thấy trong số 42 chu kỳ tăng lãi suất kể từ những năm 1950 tại Mỹ, Anh, Đức, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Nhật Bản, những chu kỳ dẫn đến suy thoái nhiều gấp đôi so với những chu kỳ không dẫn đến suy thoái.
Tuy nhiên, Mỹ đã giúp nền kinh tế toàn cầu vượt qua chu kỳ tăng lãi suất đồng bộ một cách bất ngờ, với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt mức 3,2% trong năm nay. "Đây là một chu kỳ nới lỏng rất khác so với hầu hết các chu kỳ khác", Seth Carpenter, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Morgan Stanley cho biết. "Hầu hết các chu kỳ nới lỏng khác đều xảy ra do suy thoái".
Còn hiện tại, nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng với tốc độ ổn định, với ước tính của Fed Atlanta trong tuần này cho thấy tăng trưởng GDP sẽ tăng lên khoảng 3% trong quý III/2024.
Thị trường lao động Mỹ đã mất đi một phần đà tăng trưởng khi lạm phát giảm mạnh từ mức đỉnh khoảng 7% vào năm 2022 xuống còn 2,5% vào tháng 7, theo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân. Nhu cầu lao động đã hạ nhiệt đáng kể khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, nhưng các nhà kinh tế cho rằng phần lớn sự gia tăng này được thúc đẩy bởi nguồn cung lao động cao hơn từ tình trạng nhập cư gia tăng.
"Tôi không thấy bất cứ điều gì trong nền kinh tế hiện tại cho thấy khả năng suy thoái đang gia tăng", ông Powell cho biết hôm 18/9. Quyết định cắt giảm lãi suất nửa điểm phần trăm — phá vỡ quy tắc thông thường là giảm 0,25% — được đưa ra như một nỗ lực nhằm bảo vệ thị trường lao động vững chắc, thay vì để ngăn chặn một cuộc suy thoái nghiêm trọng.
"Quan điểm về thời điểm hỗ trợ thị trường lao động là khi nó còn mạnh, chứ không phải khi bắt đầu xuất hiện các đợt sa thải”, ông Powell nói với các phóng viên.
Việc Fed cắt giảm lãi suất mạnh mẽ đã gửi tín hiệu rằng các Ngân hàng Trung ương lớn đang chuyển dần trở lại trạng thái "kinh doanh như bình thường", Ben May tại Oxford Economics cho biết, khi tập trung nhiều hơn vào triển vọng tăng trưởng và ít chú trọng vào các số liệu lạm phát. "Điều này hỗ trợ kỳ vọng của chúng tôi về việc cắt giảm lãi suất ổn định và bền vững kể từ bây giờ”.
So với Mỹ, châu Âu đang ở trong tình trạng kinh tế ảm đạm hơn nhiều, với GDP của Eurozone chỉ tăng 0,2% trong quý II — bằng một phần ba tốc độ tăng trưởng của Mỹ.
Tuy nhiên, sau đợt tăng đột biến vào mùa xuân năm nay, lạm phát đang ở gần mục tiêu 2% của ECB, làm giảm bớt một số áp lực lên tăng trưởng thu nhập hộ gia đình.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp Yannis Stournaras lưu ý rằng lạm phát tại Eurozone đã giảm từ 10,6% vào tháng 10/2022 xuống còn 2,2% hiện nay. “Chúng tôi đã hạ lạm phát chỉ trong vòng 18 tháng và quản lý để nền kinh tế hạ cánh một cách êm ái”.
Piet Haines Christiansen, chiến lược gia tại Danske Bank, cho biết việc ECB có thể tăng lãi suất lên mức chưa từng có 450 điểm cơ bản trong vòng 14 tháng từ giữa năm 2022 mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái nghiêm trọng là một điều đáng chú ý.
Ngay cả thành viên có lập trường "diều hâu" nhất trong hội đồng quyết định của ECB cũng đã thay đổi quan điểm. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Áo, Robert Holzmann, thành viên duy nhất bỏ phiếu chống lại đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 6, đã ủng hộ quyết định cắt giảm lãi suất lần thứ hai của ECB vào tháng 9. Ông cho biết sau cuộc họp với Financial Times rằng ông thấy tiềm năng cho các đợt cắt giảm thêm khoảng 100 điểm cơ bản từ nay tới giữa năm 2025.
Điểm yếu lớn nhất của châu Âu là tình trạng nhu cầu trong nước yếu, khiến khu vực này dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ECB vẫn thận trọng trong việc đưa ra định hướng rõ ràng về tốc độ giảm lãi suất, trái ngược với Fed có phần cởi mở hơn.
Theo quan điểm đồng thuận của các nhà kinh tế, nếu không có bất ngờ nào xảy ra, ECB sẽ giảm lãi suất khoảng 0,25% mỗi quý, nhưng Thống đốc Yannis Stournaras nhấn mạnh rằng “tính linh hoạt vẫn là yếu tố quyết định”.
BoE, do Thống đốc Andrew Bailey đứng đầu, đang nới lỏng chính sách một cách thận trọng hơn so với các ngân hàng khác khi chỉ thực hiện một đợt cắt giảm 0,25 điểm phần trăm duy nhất vào tháng 8, sau một năm không thay đổi — ít hơn so với các động thái cắt giảm của Fed, ECB, Ngân hàng Trung ương Canada và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ.
Tuần này, BoE quyết định giữ nguyên chính sách, phản ánh lo ngại về lạm phát dịch vụ kéo dài và tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ. Cơ quan này đã có bước đi thận trọng hướng tới việc đưa ra hướng dẫn về triển vọng lãi suất, cho biết rằng có thể sẽ có những đợt giảm lãi suất "dần dần" nếu nền kinh tế không bị tác động bởi những cú sốc bất ngờ.
Tuy nhiên, sau khi ám chỉ về một đợt cắt giảm khác trước cuối năm, Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) đã làm mờ đi triển vọng bằng cách đưa ra ba kịch bản lạm phát, được gọi là “các trường hợp”. Điều này nhấn mạnh sự chia rẽ sâu sắc giữa các nhà hoạch định chính sách về mức độ nới lỏng chính sách.
Khi các Ngân hàng Trung ương cân nhắc mức lãi suất sẽ giảm bao nhiêu, một câu hỏi quan trọng mà họ phải đối mặt là mức lãi suất được gọi là "trung tính" nằm ở đâu - một mức lãi suất về mặt lý thuyết không gây gánh nặng cho nền kinh tế nhưng cũng không kích thích nó.
Các quan chức Fed từ lâu đã ước tính lãi suất trung tính là 2,5% hoặc thấp hơn, nhưng ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, họ cũng không có quá tự tin vào những ước tính đó.
Các nhà hoạch định chính sách hiện nay cho rằng lãi suất trung tính đã tăng lên do nhiều yếu tố, bao gồm gánh nặng nợ cao hơn và các yếu tố gây căng thẳng trong chuỗi cung ứng. Ông Powell cho biết hôm 18/9 rằng lãi suất trung tính "có lẽ đã cao hơn đáng kể" sau đại dịch.
Tương tự, thành viên ban điều hành ECB, Isabel Schnabel, đã lập luận trong nhiều tháng rằng lãi suất trung tính đang có xu hướng tăng lên sau khi giảm trong vài thập kỷ. Các khoản đầu tư lớn vào năng lượng sạch, hạ tầng số và quốc phòng, cũng như những trục trặc trong chuỗi cung ứng toàn cầu "có thể có tác động tích cực lâu dài đến lãi suất tự nhiên", bà nói vào tháng 3. Điều này cho thấy có thể ít không gian hơn để cắt giảm lãi suất so với trước đây.
Quyết định bắt đầu chu kỳ nới lỏng mà không có dấu hiệu rõ ràng của suy thoái đã khiến việc lập kế hoạch cho tương lai trở nên khó khăn, khi các nhà hoạch định chính sách vật lộn để đánh giá chính xác tốc độ cắt giảm lãi suất.
Dario Perkins, chiến lược gia vĩ mô toàn cầu tại TS Lombard, cho rằng việc quyết định khi nào dừng cắt giảm lãi suất là điều rất khó khăn. “Nếu thị trường lao động sụp đổ, họ sẽ cắt giảm rất mạnh và chúng ta quay trở lại các chu kỳ phản ứng. Nhưng nếu điều đó không xảy ra và việc làm bắt đầu tăng trở lại, tôi nghĩ họ sẽ ngừng cắt giảm và chúng ta sẽ khóa lại mức lãi suất cao hơn”.
Hiện tại, ít Ngân hàng Trung ương nào sẵn sàng tuyên bố chiến thắng ngay lúc này. Chủ tịch ECB Christine Lagarde, trong một bài phát biểu tại Washington mới đây, cảnh báo rằng các rủi ro lạm phát do biến đổi khí hậu, tiến bộ công nghệ và “những trục trặc trong hội nhập thương mại toàn cầu” vẫn còn tràn lan.
Thế giới vẫn đang chao đảo vì "đại dịch đáng sợ nhất kể từ những năm 1920, cuộc xung đột lớn nhất châu Âu kể từ những năm 1940 và cú sốc năng lượng tồi tệ nhất kể từ những năm 1970", bà nói.
Mối lo ngại về một đợt tăng giá mới được thổi bùng lên do các điều kiện tài chính được nới lỏng và thị trường chứng khoán tăng vọt trong bối cảnh kỳ vọng chi phí vay sẽ tiếp tục giảm. Đặc biệt tại Mỹ, chính sách tài khóa nới lỏng có thể hạn chế không gian cho Fed thực hiện việc cắt giảm lãi suất.
Viễn cảnh của những cú sốc toàn cầu mới trong giai đoạn bất ổn địa chính trị và căng thẳng thương mại gia tăng đang khiến tình hình trở nên khó khăn hơn. Việc ông Trump quay trở lại Nhà Trắng có thể báo trước việc áp thuế toàn diện và tái khởi động các cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Theo Financial Times, Reuters, CNBC