Dừa tươi Việt Nam lần đầu vượt tỷ USD, tiết lộ thị trường tiêu thụ mạnh nhất
Chỉ vài tháng sau khi xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa của Việt Nam đã đạt gần 1,1 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên sau 14 năm, trái dừa Việt Nam cán mốc tỷ USD, khẳng định vị thế của ngành dừa trên bản đồ xuất khẩu nông sản.
Theo số liệu từ cơ quan hải quan, tính đến cuối năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam đạt 390 triệu USD, tăng 61% so với cùng kỳ, chiếm 5,47% tổng giá trị xuất khẩu rau quả. Tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm 2023. Hiện tại, trái dừa là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ ba, chỉ xếp sau sầu riêng và thanh long.
Từ mức kim ngạch khiêm tốn 180 triệu USD vào năm 2010, ngành dừa đã có bước phát triển vượt bậc, đạt hơn 900 triệu USD vào năm 2023 và chính thức vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2024.
Theo Hiệp hội dừa Việt Nam, xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam mới chỉ hình thành và phát triển trong khoảng 8-9 năm trở lại đây, nhưng phát triển rất nhanh với kim ngạch xuất khẩu dừa tươi đã tăng gấp 10 lần. Đến nay, trái dừa tươi đã được xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia trên thế giới.
Trong năm 2024, ngay sau khi ký Nghị định thư nhập khẩu chính ngạch vào tháng 8/2024, Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu chính, chiếm 25% giá trị xuất khẩu dừa của Việt Nam. Việt Nam hiện cũng trở thành nhà cung cấp dừa lớn thứ 3 cho Trung Quốc, với hơn 20% thị phần tại nước này.
Trước đó, ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - nhận định, Trung Quốc mỗi năm tiêu thụ hơn 4 tỷ quả dừa, trong đó 2,6 tỷ quả phục vụ tiêu dùng ngay và 1,5 tỷ quả cho chế biến nhưng năng lực sản xuất của nước bạn chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam.
![]() |
Xuất khẩu dừa lần đầu vượt tỷ USD. Ảnh minh họa: ITN. |
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T - nhận định về thế mạnh của dừa Việt Nam: “Với vị ngọt, thanh mát, giống dừa xiêm dễ dàng tiếp cận các thị trường khó tính. Bên cạnh đó, công nghệ bảo quản tốt, thời gian bảo quản có thể tới 70 ngày, giúp trái dừa tươi xuất khẩu vẫn bảo đảm được chất lượng khi tới tay người tiêu dùng.”
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam - cho biết, với 1,4 tỷ dân, Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ dừa lớn trên thế giới. Việc xuất khẩu dừa sang Trung Quốc khá thuận lợi bởi đây là thị trường có khoảng cách địa lý rất gần, thời gian vận chuyển ngắn với chi phí thấp nên sản phẩm sẽ cạnh tranh được với các quốc gia khác.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 200.000 ha dừa, sản lượng 2 triệu tấn/năm; 1/3 diện tích đạt chuẩn hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu, chủ yếu tại miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Trái dừa xiêm Bến Tre đã được cấp chỉ dẫn địa lý, với 133 mã số vùng trồng và hơn 8.300 ha phục vụ xuất khẩu. Dừa là một trong 6 loại cây được đưa vào đề án và phê duyệt đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân tại nhiều tỉnh, thành.
Với hơn 600 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến các sản phẩm từ dừa, tạo lợi thế lớn cho ngành xuất khẩu, Việt Nam hiện xếp thứ tư về xuất khẩu sản phẩm dừa trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đứng thứ 5 trên thế giới. Dừa Việt Nam còn được ưa chuộng tại các thị trường khó tính như Liên minh châu Âu, Mỹ, Canada và Hàn Quốc.
Tháng 10/2024, những lô dừa tươi đầu tiên của Việt Nam đã chính thức xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, thông qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Đây là cột mốc quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho ngành dừa Việt Nam tại thị trường tỷ dân.
Xuất khẩu chính ngạch dừa tươi Bến Tre sang thị trường Trung Quốc 
Tiền Giang lần đầu xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc