Đức công bố kế hoạch cải cách nợ công
Ngày 16/12, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner đã công bố kế hoạch cải cách các quy định về nợ công của nước này để đẩy mạnh chi tiêu công trong thời kỳ suy thoái kinh tế.
Bộ trưởng Lindner cho biết dự định sửa đổi một hợp phần tính toán kinh tế để định lượng số tiền chính phủ được phép vay mới mỗi năm theo quy định "phanh nợ" của Đức . Theo ông, cải cách sẽ được thực hiện vào năm tới, giúp chính phủ linh hoạt hơn trong chi tiêu năm 2024 - năm mà Viện Kinh tế Đức dự báo sẽ tiếp tục suy thoái.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Đức, thành viên của đảng Dân chủ Tự do (FDP), nhấn mạnh ông không tán thành thay đổi quy định "phanh nợ" nhiều hơn nữa, trong đó có đề xuất miễn trừ các quy định hạn chế chi tiêu đối với các khoản đầu tư vào bảo vệ khí hậu. Trong khi đó, các đối tác liên minh của FDP, gồm đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Olaf Scholz và đảng Xanh của Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck đã kêu gọi cải cách quy định vay nợ mạnh mẽ hơn.
Quy định "phanh nợ", được nêu rõ trong Hiến pháp Đức, giúp kiểm soát thâm hụt liên bang ở mức 0,35% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), ngoại trừ trong trường hợp khẩn cấp, đã trở thành một vấn đề chính trị lớn trong cuộc khủng hoảng ngân sách kéo dài hơn 1 tháng qua ở Đức. Theo thỏa thuận ngân sách, chính phủ đã đồng ý duy trì quy định "phanh nợ" trong năm 2024, sau khi tạm định chỉ trong năm nay và những năm trước do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, khủng hoảng năng lượng và đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, liên minh cầm quyền vẫn để ngỏ khả năng "phanh nợ" lại bị đình chỉ trong năm 2024 nếu Đức cần hỗ trợ thêm Ukraine trong tình hình xung đột tại đây diễn biến nghiêm trọng hơn hoặc những nước khác, trong đó có Mỹ, giảm viện trợ.
Việc liên minh cầm quyền tiếp tục tranh luận việc cắt giảm chi tiêu như một phần của thỏa thuận ngân sách cho thấy thỏa thuận này vẫn còn mong manh. Bộ trưởng Tài chính Đức cho rằng cần thảo luận lại một số biện pháp cắt giảm ảnh hưởng đến trợ giá dầu diesel sử dụng trong nông nghiệp và việc dự định áp thuế đối với nhiên liệu máy bay đường bay nội địa vì ông không muốn doanh nghiệp phải chịu thêm gánh nặng.