Cổ phiếu FTM của Phát triển Đức Quân - Fortex từng ghi dấu ấn với việc giảm mạnh từ 24.xxx đồng về dưới 1.500 đồng chỉ sau 1 tháng qua đó trở thành một trong những thương vụ thao túng giá cổ phiếu nổi tiếng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) vừa thông báo về việc hủy niêm yết đối với toàn bộ 50 triệu cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân - Fortex từ 16/5/2022.
Theo đó, cổ phiếu FTM sẽ giao dịch phiên cuối trên HOSE vào ngày 13/5/2022.
HOSE cho biết, nguyên nhân hủy niêm yết cổ phiếu FTM là do công ty kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp đồng thời kiểm toán cũng có ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính trong 3 năm liên tiếp, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định.
Trước đó, Đức Quân đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 với lỗ gộp 91 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh. Cộng thêm các khoản chi phí khác 133 tỷ đồng, doanh nghiệp ghi nhận lỗ trong năm 2021 đạt 224 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp công ty kinh doanh thua lỗ.
Trước đó, trong các năm 2019 và 2020, Đức Quân Fortex cũng báo lỗ lần lượt gần 94 tỷ đồng và 200 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2021 Đức Quân Fortex đã lỗ lũy kế hơn 420 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn hơn 88 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu là 500 tỷ đồng.
Không chỉ kinh doanh thua lỗ, báo cáo tài chính kiểm toán còn có ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên trong đó:
Tại thời điểm kết thúc năm 2021 công ty chưa thực hiện trích lập dự phòng công nợ phải thu khó đòi hơn 186 tỷ đồng. Nếu khoản này được ghi nhận vào chi phí quản lý doanh nghiệp thì lợi nhuận sau thuế sẽ giảm đi số tiền tương ứng.
Ngoài ra, công ty chưa thực hiện trích lập dự phòng phải thu quá hạn khó đòi hơn 22,7 tỷ đồng. Nếu khoản này được trích lập, thì lợi nhuận sau thuế sẽ giảm đi số tiền tương ứng.
Trước đó, như chúng tôi đã thông tin trong bài viết "Điểm mặt những cổ phiếu có nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc", 3 cổ phiếu gồm RIC, PXI và FTM là các mã có nguy cơ bị hủy niêm yết trước tình hình kinh doanh bết bát trong 3 năm liên tiếp.
Đến thời điểm này, cả 3 mã nêu trên đều đã nhận được quyết định hủy niêm yết trên HOSE trong đó cổ phiếu PXI của Xây dựng Công nghiệp và Dân dụng Dầu khí sẽ chính thức bị hủy niêm yết trên HOSE từ ngày 9/5/2022; Cổ phiếu RIC bị hủy niêm yết trên HOSE sau ngày 13/5/2022.
Trên thị trường, cổ phiếu FTM đáp sàn ngay phiên sáng 19/4/2022 về mức 4.290 đồng với thanh khoản tạm tính lúc 10h02 đạt hơn 150.000 đơn vị.
Trước đó, mã có thời điểm giảm mạnh từ vùng 23.000 - 24.xxx đồng về dưới 1.500 đồng (hồi đầu năm 2021) qua đó trở thành một trong những thương vụ thao túng giá cổ phiếu nổi tiếng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Liên quan đến cổ phiếu này, ngày 30/8/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra thông báo về việc xử phạt đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu FTM. Căn cứ kết quả giám sát, kiểm tra của UBCKNN, kết quả xác minh của cơ quan công an, UBCKNN đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với ông Lê Mạnh Thường và bà Phạm Thị Phương.
Theo đó, mỗi cá nhân trên bị phạt tiền 600 triệu đồng, tổng giá trị phạt là 1,2 tỷ đồng khi sử dụng 50 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu FTM.
Căn cứ kết quả xác minh của Cơ quan công an và kết quả kiểm tra, hậu quả do hành vi thao túng cổ phiếu FTM của 2 cá nhân nêu trên gây ra xác định theo quy định tại Điều 211 - Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của 2 cá nhân này.
Trước đó vào năm 2019, FTM là một trong những thương vụ "rúng động" thị trường chứng khoán Việt Nam với chuỗi hàng chục phiên giảm sàn liên tiếp, thị giá lao dốc từ mức gần 24.000 đồng xuống còn khoảng 3.000 đồng/cổ phiếu. Khi đó, 11 công ty chứng khoán và 1 ngân hàng đã cấp margin cho cổ phiếu FTM và chịu thiệt hại lên đến gần 200 tỷ đồng trong đó có công ty mất khoảng 80 tỷ đồng.
Cổ phiếu 'Anh trai vượt ngàn chông gai' giảm sàn trong ngày 'Lễ tặng quà' 
Dragon Capital không còn là cổ đông lớn tại Tập đoàn Hoa Sen