Đứng đầu ASEAN về năng lượng tái tạo, Việt Nam vẫn phải mua điện từ Lào và Trung Quốc

19-05-2022 17:46|Duy Quang

Để đảm bảo cung ứng điện cho mùa nắng nóng, EVN đã đẩy nhanh tiến độ mua điện từ Lào, các dự án kết nối lưới điện với các nước láng giềng bên cạnh nguồn cung trong nước.

Tọa đàm “Tiết kiệm năng lượng - giải pháp đảm bảo nguồn cung ứng điện mùa nắng nóng”, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết tính đến hết quý I/2022, năng lượng điện đã tăng trưởng 7,3%, gần gấp đôi so với năm 2020. Tuy nhiên, tăng trưởng điện tháng 4 lại giảm 6,3% so với mức trung bình quý I vì biến động thời tiết.

Để đảm bảo cung ứng điện cho mùa nắng nóng, EVN đẩy nhanh tiến độ mua điện từ Lào, các dự án kết nối lưới điện với các nước láng giềng, bên cạnh nguồn cung trong nước.

Ông Lâm cho biết, Giữa tháng 4, EVN đã hoàn thành đường dây 220kV nối lưới với Lào. Với các dự án nối lưới với Trung Quốc, chúng tôi cũng tăng cường giải toả công suất, để nhập khẩu thêm điện từ nước này

Lý giải việc Việt Nam dư thừa năng lượng tái tạo nhưng vẫn phải nhập điện của Lào và Trung Quốc, ông Lâm chia sẻ, công suất sản xuất năng lượng tái tạo của Việt Nam đứng đầu ASEAN nhưng những ngày không có gió hoặc mặt trời thì năng lượng tái tạo không phát điện được.

Điển hình như ngày 19/3/2022, thời điểm này toàn quốc không có gió, chỉ có 15 MW được phát trên hệ thống điện. Đây là những tính chất đặc biệt và bất định của năng lượng tái tạo trong đó có điện gió.

Một vấn đề khác là phương thức vận hành hệ thống điện đang chuyển đổi mạnh nên nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt càng ngày càng cao khiến công suất tiêu thụ điện lập kỷ lục mới. Hay nói cách khác, thành phần sinh hoạt đang quyết định giờ cao điểm tiêu thụ điện năng.

Quy hoạch điện VII, công suất điện mặt trời của Việt Nam đạt 850 MW vào năm 2020, 4.000 MW vào năm 2025 và 12.000 MW vào năm 2030.

Tuy nhiên đến cuối năm 2020, công suất lắp đặt điện mặt trời của Việt Nam đã đạt 17.000 MW trong đó điện mặt trời nối lưới là 9.000 MW, gấp 11 lần so với kế hoạch.

“Từ khi điện mặt trời và điện gió tham gia vào hệ thống điện, giờ cao điểm đã bị lệch so với thời điểm trước. Nếu như trước đây, khung giờ cao điểm trưa từ 11 giờ - 13 giờ, thì hiện khung giờ cao điểm đã lệch sang từ 14 giờ - 16 giờ.

Đồng thời, xuất hiện thêm các khung giờ cao điểm từ 17 giờ - 19 giờ và 20 giờ 30 phút - 22 giờ”, ông Lâm nói.

Ngoài ra, chi phí đầu vào đang là thách thức với vận hành hệ thống điện của EVN khi giá than khoảng 270 USD/tấn, gấp 3 lần so với năm ngoái; giá xăng dầu, khí cũng phi mã theo biến động thế giới.

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho rằng, việc tăng cường mua điện từ các quốc gia láng giềng, thúc đẩy lưới điện Asean là những biện pháp lâu dài.

Còn về ngắn hạn, EVN cần huy động nguồn điện tối ưu. Bởi, tiêu thụ điện năng trên đầu người của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với thế giới nhưng cường độ điện năng tạo ra một đơn vị GDP lại cao hơn nhiều quốc gia 4 - 5 lần.

“Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, giá nhiên liệu tăng cao, nguồn cung sơ cấp không đảm bảo, để đủ điện cho mùa nắng nóng, không còn cách nào khác là phải tiết kiệm năng lượng. Điều này sẽ làm giảm áp lực cung ứng điện, tăng được hiệu quả chung của nền kinh tế”, ông Vũ nói.

Hai tỉnh được giới thiệu cho ‘đại bàng’ Đức đầu tư lĩnh vực ‘hot’ nhất thế giới có tiềm năng gì?

Sau dự án điện gió 4,6 tỷ USD, tập đoàn năng lượng hàng đầu Đức nhắm đến điện mặt trời tại Việt Nam

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dung-dau-asean-ve-nang-luong-tai-tao-viet-nam-van-phai-mua-dien-tu-lao-va-trung-quoc-133886.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Đứng đầu ASEAN về năng lượng tái tạo, Việt Nam vẫn phải mua điện từ Lào và Trung Quốc
    POWERED BY ONECMS & INTECH