Dùng điện tiết kiệm, hiệu quả cũng là giảm áp lực cho 20 triệu lao động Việt
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên thông tin, các quy định về môi trường, xu hướng tăng cường kiểm soát phát thải nhà kính của thị trường châu Âu, Mỹ... đang tác động đến GDP và khoảng 20 triệu lao động trực tiếp của Việt Nam.
Chiều 5/5, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Theo Bộ trưởng Công thường, trong bối cảnh các thách thức về biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường diễn biến phức tạp, xu hướng tăng cường kiểm soát phát thải khí nhà kính diễn ra trên toàn cầu đang gia tăng. Các chính sách về môi trường của các thị trường châu Âu, Mỹ… ngày càng dày đặc.
Những điều này tạo ra sức ép lớn lên các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực của của Việt Nam như dệt may, da giày, nhựa, thép, điện, điện tử chế biến thủy sản…

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, các quy định này tác động lên lực lượng lao động trực tiếp của Việt Nam ước khoảng 20/52 triệu lao động (2023) và ảnh hưởng trực tiếp lên GDP của Việt Nam.
“Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Vì vậy, bên cạnh chuyển đổi mạnh mẽ nguồn năng lượng theo hướng giảm thiểu năng lượng có nguồn gốc hóa thạch, tăng mạnh nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam cần tăng cường các quy định, chế tài mang tính bắt buộc thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng”, ông Diên cho hay.
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng nhấn mạnh, dự án luật là hết sức cần thiết, nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước giải quyết được các vấn đề của thực tiễn trong nước đặt ra, phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế.
"Việc sửa đổi, bổ sung luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả sẽ nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trước thách thức từ quy định xanh của châu Âu như thuế các bon, cơ chế điều chỉnh các bon xuyên biên giới lên hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu vào thị trường châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản...", Bộ trưởng Công thương nêu rõ.
Trình bày thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) Lê Quang Huy cơ bản nhất trí với các quy định liên quan đến cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.

Tuy nhiên, ông kiến nghị cơ quan soạn thảo làm rõ tính khả thi của việc dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng, do chính sách này cần có đủ hệ thống quy chuẩn, có hạ tầng kiểm định, ưu đãi phù hợp,…
Liên quan đến đề xuất thành lập quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, Ủy ban KHCN&MT cơ bản thống nhất, song đề nghị nghiên cứu quy định rõ ràng, cụ thể và phù hợp hơn, đặc biệt là các nội dung thành lập, quản lý, mục tiêu và cơ chế tài chính sử dụng quỹ.
Về mô hình công ty dịch vụ năng lượng (ESCO), đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, ở Việt Nam, mô hình công ty này chưa phổ biến, thiếu hành lang pháp lý, hoạt động mang tính tự phát, gặp nhiều khó khăn.
Do đó, kiến nghị nghiên cứu bổ sung quy định nội hàm quản lý đối với hoạt động của mô hình công ty này; có chính sách ưu đãi đầu tư, phát triển và giao Chính phủ quy định cụ thể.
>> Đề xuất lập Quỹ tài chính quốc gia hỗ trợ dự án chuyển đổi xanh