Dược Hậu Giang: Lấy sản phẩm cốt lõi làm điểm dựa, luôn duy trì thế mạnh về thuốc kháng sinh, giảm đau hạ sốt

19-12-2022 17:05|Hồ Nga

Dù có hàng trăm sản phẩm khác nhau, nhưng doanh thu từ các dòng sản phẩm kháng sinh, giảm đau và hạ sốt luôn chiếm tỷ trọng cao tại Dược Hậu Giang.

Báo cáo tổng quan ngành dược Việt Nam của VIRAC cho thấy thị trưởng ngành chăm sóc sức khoẻ của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Tổng chi tiêu cho y tế tăng từ 16,1 tỷ USD vào năm 2017 lên hơn 20 tỷ USD năm 2021. Chi tiêu cho dược phẩm cũng tăng đến hơn 6,6 tỷ USD trong năm 2021.

VIRAC cho biết nhìn về dài hạn, ngành dược có nhiều tiềm năng tăng trưởng cho cả các công ty tham gia sản xuất cũng như các tập đoàn bán lẻ do quy mô dân số Việt Nam ở mức lớn, đồng thời dân số cũng đang già đi với tốc độ nhanh.

screen-shot-2022-12-19-at-14.56.43.png

Các doanh nghiệp ngành dược tại Việt Nam có nhiều quy mô lớn nhỏ. Hiện tại trên sàn chứng khoán đã có hơn chục doanh nghiệp ngành dược đăng ký niêm yết, giao dịch khiến những thông tin đến với nhà đầu tư minh bạch, nhóng hơn. Nhiều ông lớn ngành dược đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán từ rất sớm như Dược Hậu Giang (DHG), như Traphaco (TRA), Imexpharm (IMP) hay cả Tổng công ty Dược Việt Nam (DVN)…

CTCP Dược Hậu Giang tiền thân là Xí nghiệp dược phẩm 2/9 thành lập tháng 9/1974. Năm 1975 chuyển đổi thành Công ty Dược phẩm Tây Cửu Long với nhiệm vụ cung ứng thuốc phục vụ nhân dân Tây Nam Bộ. Đến năm 1976 mới đổi thành Công ty Dược thuộc Ty Y tế Hậu Giang.

Quá trình phát triển của Dược Hậu Giang những năm đó cũng nhiều phân đoạn, chia tách, hợp lại. Đặc biệt giai đoạn năm 1992 khi tỉnh Hậu Giang được tách thành 2 tỉnh là Cần Thơ và Sóc Trăng thì Xía nghiệp liên hợp Dược Hậu Giang lúc đó được xá định là đơn vị hạch toán kinh tế độc lập thược Sở Y tế Thành phố Cần Thơ.

Giai đoạn cả nước chuyển sang cơ chế thị trường, nhiều doanh nghiệp lúc đó còn khó khăn trong việc hội nhập. Dược Hậu Giang lúc đó định hướng “giữ vững hệ thống phân phối, đầu tư phát triển mạnh cho sản xuất, mở rộng thọ trường, tăng thị phần, lấy thương hiệu và năng lực làm nền tảng” đã từng bước giúp công ty củng cổ, phát triển, tăng thị phần và khẳng định thương hiệu.

Dược Hậu Giang vẫn sản xuất, phát triển nhiều dòng sản phẩm mới với tiền đề đầu tư cho R&D (Hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm) để có hệ sản phẩm khác biệt phù hợp với thị hiếu thay đổi từng ngày của người tiêu dùng, nâng cao sức cạnh tranh trong tiến trình hội nhập.

Tuy vậy sau nhiều năm, Dược Hậu Giang vẫn kiên định mục tiêu duy trì sản phẩm chủ lực làm nòng cốt, cùng với đó là phát triển các sản phẩm thuốc mới. Thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau và hạ sốt vẫn là những sản phẩm cốt lõi đóng góp tỷ trọng lớn nhất về doanh thu cho công ty. Những sản phẩm chủ lực này luôn chiếm trên 50% tổng doanh thu.

screen-shot-2022-12-19-at-14.57.49.png

Tháng 9/2004 Công ty cổ phần Dược Hậu Giang chính thức thành lập với vốn điều lệ ban đầu 80 tỷ đồng, đưa doanh nghiệp vào một thời kỳ phát triển mới. Đây cũng là giai đoạn thương hiệu Dược Hậu Giang được người tiêu dùng bình chọn trong TOP 100 thương hiệu dẫn đầu Việt Nam.

Năm 2006, sau khi tiến hành cổ phần hoá được 2 năm, Dược Hậu Giang quyết định đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán với mã chứng khoán DHG, doanh nghiệp bước vào thời kỳ mới với những cơ hội, thách thức mới.

Những năm sau cổ phần hoá kết quả kinh doanh của Dược Hậu Giang tăng trưởng mạnh. Nếu như doanh thu năm 2006 đang dưới 900 tỷ đồng thì năm 2007 đã nhanh chóng vượt 1.200 tỷ đồng. Năm 201- doanh thu vượt 2.000 tỷ đồng và năm 2016 đã đạt gần 3.800 tỷ đồng về doanh thu.

Lợi nhuận cũng tăng trưởng mạnh, từ mức dưới 100 tỷ đồng năm 2006 đã vượt 100 tỷ đồng ngay năm 2007. Năm 2011 lợi nhuận sau thuế vượt 400 tỷ dồng. Năm 2013 đạt xấp xỉ 600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế và năm 2016 đã vượt 700 tỷ đồng về lợi nhuận.

screen-shot-2022-12-16-at-15.07.08.png

Không chỉ doanh thu, lợi nhuận, mà tài sản của Dược Hậu Giang cũng tăng mạnh. Nếu như nă, 2010 tổng tài sản đang khoảng 1.800 tỷ đồng, thì năm 2016 khi đưa cổ phiếu lên sàn tổng tài sản công ty đã xáp xỉ 4.000 tỷ đồng. Hiện tại tính đến 30/9/2022 tổng tài sản của Dược Hậu Giang đạt xấp xỉ 4.800 tỷ đồng.

Tổng tài sản tăng, còn cơ cấu nợ phải trả trên tổng tài sản lại rất tốt. Dược Hậu Giang không chú trọng việc đi vay tiền, mà tái đầu tư sản xuất bằng vốn tự có. Tổng nợ phải trả đến 30/9/2022 gần 700 tỷ đồng cũng chỉ có chưa đến 40 tỷ đồng vay nợ thuê tài chính.

Trong khi đó “của để dành” lại là con số đáng mơ ước khi tính đến 30/9/2022 còn hơn 780 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Ngoài ra công ty còn 1.958 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển và hơn 6 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần. Vốn chủ sở hữu đạt hơn 4.000 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu 1.307 tỷ đồng.

screen-shot-2022-12-16-at-15.19.46.png
screen-shot-2022-12-19-at-14.58.51.png

Hành trình 10 năm sau ngày đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, Dược Hậu Giang lại bước vào giai đoạn mới khi đón cổ đông chiến lược Taiso.

Câu chuyện bắt đầu từ giữa năm 2016 khi CTCP Chế tạo thuốc Taiso công bố thông tin đã nhận chuyển nhượng hơn 21,3 triệu cổ phiếu DHG từ 34 cổ đông ngoại khác. Theo ước tính lúc đó Taiso đã chi khoảng 100 triệu USD tương ứng khoảng 2.200 tỷ đồng để ở hữu 24,4% vốn điều lệ của Dược Hậu Giang. Bên chuyển nhượng lúc đó gồm các quỹ VinaCapital, Dragon Capital bán lại. Các cổ đông khác bao gồm nhóm cổ đông Fullerton, Nikko New Age Asia Equity, KITMC, Mekong Portfolio Investments Limited, Vietnam Holding… Sau giao dịch này Taiso trở thành cổ đông lớn thứ 2 sau cổ đông Nhà nước SCIC (sở hữu 43,3% vốn điều lệ).

Cũng phải nói rằng giai đoạn này cũng là thời điểm nhiều công ty dược nước ngoài nhòm ngó vào “miếng bánh” béo bở này của Việt Nam, đặc biệt là chính sách đầu tư được nới lỏng nhằm đón đầu dòng vốn mới. Dược Hậu Giang sau đó cũng tiến hành giảm trừ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện để “nới” room ngoại lên 49% và sau đó là 100%.

Năm 2016 ngay khi trở thành cổ đông chiến lược, nguồn vốn, công nghệ từ Taiso đã giúp ích rất nhiều cho Dược Hậu Giang đứng vững và mở rộng thị trường. Taiso Pharmaceutical là doanh nghiệp dược phẩm hàng đầu Nhật Bản chuyên về sản xuất các sản phẩm dược không kê toa và thực phẩm chức năng. Tại Việt Nam CTCP Chế tạo thuốc Taiso trực thuộc tập đoàn Dược phẩm Taisho Pharmaceutical Holdings có nhà máy là Công ty Taisho Việt Nam được thành lập từ năm 1999 phân phối sản phẩm nước tăng lực Lipovitan. Taiso tận dụng kênh phân phối đa dạng của Dược Hậu Giang, và thay vào đó dùng chính các sản phẩm của mình để làm đa dạng hoá sản phẩm cho DHG, thành lập các liên doanh để sản xuất sản phẩm mới.

Hai năm sau khi khẳng định giá trị của mình, Taiso chào mua thêm 9 triệu cổ phiếu DHG với giá chào mua công khai 120.000 đồng/cổ phiếu trong khi thị giá DHG thời điểm đó quanh quanh mức 100.000 đồng/cổ phiếu. Thương vụ này đã giúp Taiso nâng tổng lượng sở hữu cổ phần tại Dược Hậu giang lên 32%.

Năm 2019 Taiso bước thêm 1 bước mới, chi thêm khoảng 2.500 tỷ đồng mua thêm hơn 20 triệu cổ phiếu DHG, nâng tổng tỷ lệ sở hữu lên 50,78%, nắm quyền chi phối. Giá chào mua lúc này vẫn là 120.000 đồng/cổ phiếu. Hiện tại Taiso đã nâng tổng tỷ lệ nắm giữ tại Dược Hậu Giang lên 51,01% vốn điều lệ. Cổ đông lớn thứ 2 tại Dược Hậu Giang vẫn là SCIC với tỷ lệ sở hữu 43,31%.

Sức hấp dẫn của các công ty dược nội địa đối với các nhà đầu tư ngoại là không hề nhỏ do nhu cầu tăng mạnh của thị trường. Không chỉ Dược Hậu Giang có sự hiện diện của cổ đông ngoại mà nhiều doanh nghiệp dược trong nước cũng đang đón nhận làn sóng đầu tư từ nước ngoài như Domesco, như Pymepharco, Traphaco, Imexpharm, dược phẩm OPC…

Theo báo cáo của VIRAC, trong nửa đầu năm 2022 các thị trường nhập khẩu dược phẩm chính của Việt Nam như EU, Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc đều ghi nhận mức tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó nhập khẩu từ thị trường Nhật bản tăng có tốc độ tăng trưởng cao đột biến 76%. Các sản phẩm có xuất xứ từ Nhật Bản ngày càng được nhiều người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng như thuốc bổ não Ginkgo Biloba, thuốc cảm cúm Taisho Pabron…

screen-shot-2022-12-19-at-14.59.25.png

Một trong những điểm nhấn của các doanh nghiệp thời điểm này mà các nhà đầu tư nhìn vào là tình hình tài chính trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp gặp khó khi lãi suất tăng cao. Tuy vậy Dược Hậu Giang lại là một trong số ít doanh nghiệp có tình hình tài chính khoẻ mạnh.

Sau năm 2016, cùng với sự đồng hành từ đối tác chiến lược Taiso, năm 2016 đến nay doanh thu và lợi nhuận của Dược Hậu Giang ổn định. Những năm 2017 và 2021 vừa qua doanh thu đạt trên 4.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế từ 2016 đến nay đều đạt trên 600 tỷ đồng, trong đó có năm 2016, 2020 và 2021 đều lãi sau thuế trên 700 tỷ đồng, cao nhất năm 2021 Dược Hậu Giang lãi sau thuế 776 tỷ đồng.

Còn 9 tháng đầu năm 2022 công ty đã đạt hơn 3.346 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế 752 tỷ đồng, hứa hẹn 1 năm kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh. Năm 2022 Dược Hậu Giang đặt mục tiêu đạt 4.220 tỷ đồng doanh thu thuần và 853 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

screen-shot-2022-12-17-at-13.10.07.png

Với kết qủa kinh doanh tăng trưởng ổn định, Dược Hậu Giang cũng được biết đến là doanh nghiệp thường xuyên trả cổ tức tỷ lệ cao hàng năm cho cổ đông. Năm 2017 cổ đông công ty nhận cổ tức tỷ lệ 30%; năm 2018 và 2021 nhận cổ tức tỷ lệ 35%; năm 2019 và 2020 đều nhận cổ tức tỷ lệ 40%.

Cổ tức cao, lãi lớn nhưng với cơ cấu cổ đông cô đặc, Dược Hậu Giang có số cổ phiếu tự do trên thị trường không lớn, do vậy phần lớn tiền cổ tức đổ về mỗi kỳ đều về túi Taiso và SCIC.

screen-shot-2022-12-17-at-13.20.21.png

Ngoài “của để dành” lớn, Dược Hậu Giang còn là doanh nghiệp ít đi vay mượn, kể cả mượn ngân hàng. Trong khi đó khoản tiền mặt lại rất dồi dào, mang đi gửi ngân hàng thu về hàng trăm tỷ tiền lãi suất mỗi năm. Đây cũng là điểm mạnh giúp doanh nghiệp có khả năng xoay vòng vốn cao.

Từ năm 2017 đến nay công ty luôn duy trì khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó từ đầu năm 2020 đến nay khoản này lên đến trên 2.000 tỷ đồng.

screen-shot-2022-12-19-at-15.00.09.png

Trong các doanh nghiệp dược tại Việt Nam, mạng lưới phân phối của DHG Pharma được xem là một trong những mạng lưới sâu, rộng nhất qua các kênh Pharmacy, Hospital, kênh hiện đại với khoảng 34 chi nhánh phân phối trên toàn quốc chưa kể mạng lưới phân phối của Taiso ở nước ngoài. Hiện DHG đã xuất khẩu sản phẩm đi ra 16 quốc gia trên thế giới. Hiện tại Dược Hậu Giang đang tiếp tục giữ vững vị trí trong TOP 10 doanh nghiệp dược có thị phần lớn nhất ngành dược Việt Nam.

screen-shot-2022-12-16-at-16.00.11.png

Quá trình phát triển, Dược Hậu Giang vẫn sản xuất, phát triển nhiều dòng sản phẩm mới, tuy vậy kháng sinh, thuốc giảm đau và hạ sốt vẫn là những sản phẩm cốt lõi đóng góp tỷ trọng lớn nhất về doanh thu cho công ty. Những sản phẩm chủ lực này luôn chiếm trên 50% tổng doanh thu.

Bên cạnh đó dòng sản phẩm từ Taiso cũng giúp đa dạng hoá danh mục sản phẩm của công ty, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mà Việt Nam đã ký kết sẽ là động lực tăng trưởng của ngành dược trong thời gian tới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dược mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển mạng lưới phân phối, tiếp cận thêm vốn, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao hướng tới các dòng sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao hơn như EU-GMP, Japan-GMP.

Japan-GMP là biểu trưng cho chất lượng thuốc cao cấp Nhật Bản do cơ quan Dược phẩm và Thiết bị Y tế Nhật Bản cấp. Dược Hậu Giang đã vượt qua được những tiêu chuẩn khắt khe này và hiện có gần 100 sản phầm được sản xuất trên 2 dây chuyền viên nén và viên nén bao phim đạt chuẩn Japan-GMP.

Dược Hậu Giang cho biết công ty hiện có 2 nhà máy sản xuất dược phẩm với các dây chuyền đạt tiêu chuẩn WHO-GMP, tiêu chuẩn PIC/s-GMP và tiêu chuẩn Japan-GMP.

-----------------

Chuỗi các bài viết Mỗi tuần tìm hiểu sâu một doanh nghiệp là nỗ lực của chúng tôi trong việc giúp các nhà đầu tư hiểu rõ thông tin về doanh nghiệp trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Nhà đầu tư cần chú ý, chúng tôi không chịu trách nhiệm trong việc nhà đầu tư sử dụng thông tin để đưa ra quyết định đầu tư cho mình.

Doanh nghiệp dược lớn nhất Việt Nam chốt trả cổ tức 40% bằng tiền

Doanh nghiệp dược lớn nhất Việt Nam sắp chi 459 tỷ đồng trả cổ tức

Bài thuộc chủ đề Dược phẩm, Y tế
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/duoc-hau-giang-lay-san-pham-cot-loi-lam-diem-dua-luon-duy-tri-the-manh-ve-thuoc-khang-sinh-giam-dau-ha-sot-162879.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Dược Hậu Giang: Lấy sản phẩm cốt lõi làm điểm dựa, luôn duy trì thế mạnh về thuốc kháng sinh, giảm đau hạ sốt
    POWERED BY ONECMS & INTECH