Xã hội

Đường đi của đất hiếm từ Việt Nam xuất lậu sang Trung Quốc

T.Nhung 05/02/2025 11:50

Bằng thủ đoạn vô cùng tinh vi, đất hiếm từ Việt Nam được người đàn ông mang quốc tịch Trung Quốc tên Lưu Đức Hoa móc ngoặc, “hô biến” thành thứ hàng hóa có thể xuất sang Trung Quốc.

Theo kết luận điều tra, từ tháng 10 - 11/2021, Lưu Đức Hoa (quốc tịch Trung Quốc, là người kinh doanh tự do) thuê đất, mở xưởng chế biến tinh quặng đất hiếm tại Hải Phòng, chỉ đạo sản xuất, trộn tinh quặng đất hiếm để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Hoa đã mua hơn 2 triệu kg quặng đất hiếm, hàm lượng 14-17% (chưa được chế biến sâu) của Đoàn Văn Huấn (Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Dương). Sau đó đất hiếm được vận chuyển từ mỏ Yên Phú về các xưởng chế biến của Hoa tại Hải Phòng.

Tại đây, đất hiếm được chế biến nâng hàm lượng lên 20-30%. Lưu Đức Hoa còn chỉ đạo nhân viên pha trộn thêm các hóa chất và phụ gia tạo thành hỗn hợp chất màu trắng đục, đóng gói trong các bao có sẵn với nhãn hiệu “Bảo Khang Rice, Chuẩn cơm mẹ nấu, cơm dẻo mềm thơm đặc trưng. Net Weight: 50kg” để ngụy trang, che giấu quặng đất hiếm.

Người đàn ông mang quốc tịch Trung Quốc thuê Khâu Vỹ Bưng (sinh sống, kinh doanh tại Trung Quốc), Giám đốc Công ty Guangzhou (trụ sở tại Trung Quốc) làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa, khai báo là “Hỗn hợp chất Oxalate” (thực chất là đất hiếm) từ Việt Nam sang Trung Quốc.

mo vang yen bai 8 1096.jpg
Một bãi đất đang khai thác dở dang tại Công ty Thái Dương. Ảnh: Hải Phụng

Bưng thông qua người quen tại Việt Nam là Leng Kai (tên thường gọi Tony Leng, Giám đốc kinh doanh Công ty Widelystar Logistics Việt Nam – Công ty WidelyStar) tìm kiếm, liên hệ với Trần Đức (Giám đốc Công ty Dương Liễu) để thuê Đức làm thủ tục xuất khẩu mặt hàng “Hỗn hợp chất Oxalate” theo yêu cầu của Hoa.

Khi nhờ Leng Kai, Bưng trao đổi với Kai rằng, hàng hóa không phải hàng cấm, có xuất xứ tại Việt Nam. Đức đồng ý nhận làm thủ tục xuất khẩu và không yêu cầu phải cung cấp giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa.

Đức đã thuê kho tại quận Hải An, Hải Phòng (kho DDC Đông Hải) và cung cấp số điện thoại của Trần Như Hoàng, nhân viên của Đức, cho Leng Kai. Sau đó Kai cung cấp thông tin số điện thoại này cho Bưng. Bưng tiếp tục chuyển địa chỉ kho, số điện thoại của Hoàng cho Hoa và Hoa đưa thông tin cho Vũ Thị Tuyết (là nhân viên của Hoa tại Hải Phòng).

Khi có hàng hóa cần xuất khẩu, Bưng gửi các thông tin Phiếu đặt chỗ hàng tàu (Booking Notice) để Công ty WidelyStar gửi cho Đức. Còn Hoa chỉ đạo Tuyết liên hệ với Hoàng và thuê xe vận chuyển số quặng đất hiếm đã được pha trộn, đóng bao ngụy trang đến kho DDC Đông Hải, giao cho Hoàng để đóng vào container, vận chuyển ra các cảng tại khu vực Hải Phòng, làm thủ tục xuất khẩu.

Quá trình làm thủ tục xuất khẩu, do hàng hóa không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ nên Đức và Hoàng đã sử dụng pháp nhân Công ty Dương Liễu khai báo là chủ hàng, lập các hóa đơn thương mại, hợp thức hóa nguồn gốc cho hàng hóa mở tờ khai xuất khẩu, vi phạm quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 10 Luật Hải quan số 54/2014/QH13.

Với thủ đoạn nêu trên, từ ngày 5/5- 2/9/2023, Đức đã mở 8 tờ khai tại Chi cục Hải quan cảng Đình Vũ, Hải Phòng, khai báo xuất khẩu mặt hàng là “Hỗn hợp chất Oxalate”, tổng khối lượng hơn 200 tấn, trị giá khai báo hơn 500.000 USD. Trên thực tế, số hàng hóa trên là đất hiếm, đã được Hoa pha trộn, ngụy trang để xuất khẩu trái phép.

Tính theo đơn giá quặng đất hiếm hàm lượng TREO 14-20% Huấn khai thỏa thuận bán cho Hoa là 1.700 USD/tấn thì Hoa đã buôn lậu hơn 200 tấn với trị giá hơn 340.000 USD (tương đương hơn 7 tỷ đồng).

Lưu Đức Hoa đã xuất cảnh về Trung Quốc vào ngày 24/9/2023 (trước thời điểm khởi tố vụ án, khởi tố bị can). CQĐT quyết định tạm đình chỉ vụ án và tạm đình chỉ điều tra đối với Hoa, khi nào truy bắt được sẽ điều tra, xử lý sau.

>> Đất hiếm thành ‘cơm dẻo mềm thơm’ xuất lậu: Có sự buông lỏng quản lý về cấp phép

Đất hiếm thành ‘cơm dẻo mềm thơm’ xuất lậu: Có sự buông lỏng quản lý về cấp phép

Tại sao Việt Nam chưa thể làm chủ công nghệ chế biến sâu đất hiếm – ‘quân cờ chiến lược’ mà quốc gia nào cũng thèm khát?

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/duong-di-cua-dat-hiem-tu-viet-nam-xuat-lau-sang-trung-quoc-2368530.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Đường đi của đất hiếm từ Việt Nam xuất lậu sang Trung Quốc
    POWERED BY ONECMS & INTECH