Đường sắt cao tốc Bắc - Nam triển khai: Hòa Phát, Coteccons và loạt doanh nghiệp hưởng lợi
Chứng khoán Yuanta đánh giá các doanh nghiệp cung ứng vật liệu xây dựng cũng như các nhà thầu xây dựng sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ dự án cao tốc Bắc - Nam.
Tại Hội nghị Trung ương X diễn ra vào ngày 18/09/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Hồ sơ kỹ thuật sẽ được trình xin ý kiến Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định.
Cùng với đó, các phương án về cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư dự án sẽ được trình lấy ý kiến tại kỳ họp Quốc hội thứ VIII sắp tới.
Tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam có chiều dài 1.541km, quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, hạ tầng thiết kế với tốc độ 350km/h, bố trí 23 ga hành khách với cự ly trung bình khoảng 67km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa.
Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM). Theo Bộ GTVT, tổng mức đầu tư dự án ước khoảng 67,34 tỷ USD.
Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ đi qua 20 tỉnh, thành phố. Ảnh minh họa |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính việc đầu tư dự án này sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển: GDP sẽ tăng khoảng 0,97 điểm phần trăm mỗi năm so với trường hợp không đầu tư dự án. Nguồn thu từ khai thác quỹ đất và khai thác thương mại dự kiến đạt khoảng 22 tỷ USD, góp phần cải thiện nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.
Về kế hoạch triển khai dự án, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến sẽ đề xuất ưu tiên nguồn lực để khởi công hai đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang với tổng chiều dài khoảng 642km vào cuối năm 2027.
Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam ước tính tổng mức đầu tư cho giai đoạn này sẽ đạt khoảng 29,1 tỷ USD. Đồng thời, Yuanta Việt Nam cũng nhận định sắt thép, vật liệu xây dựng và nhà thầu xây dựng sẽ là những ngành được hưởng lợi nhiều nhất khi dự án được triển khai.
Đối với ngành thép, Yuanta cho rằng đây là ngành hưởng lợi rõ nhất vì Chính phủ sẽ ưu tiên sử dụng sắt thép trong nước. Sắt thép cũng là nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong dự án.
Với lợi thế thép HRC và nhà máy Dung Quất 2 giúp mở rộng năng lực sản xuất, Yuanta đánh giá Tập đoàn Hòa Phát (HPG ) sẽ là doanh nghiệp thép hưởng lợi nhiều nhất từ dự án.
Các ngành nghề dự báo hưởng lợi nhờ đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Nguồn: Yuanta |
Đối với ngành đá, Yuanta kỳ vọng CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB ), CTCP Vật liệu Xây dựng Vĩnh Long (VLB ), và CTCP Hóa An (DHA ) sẽ hưởng lợi vì đây là các doanh nghiệp còn trữ lượng lớn, thời hạn khai thác dài hoặc đang chuẩn bị được cấp giấy phép mới.
Đối với ngành xi măng, CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1 ) và CTCP Xi măng Bỉm Sơn (BCC ) được Yuanta lựa chọn do đây là những doanh nghiệp đầu ngành và có năng lực sản xuất lớn.
Về các nhà thầu của dự án, Yuanta nhận định mặc dù tổng thầu và bên tư vấn nhiều khả năng sẽ là doanh nghiệp nước ngoài, tuy nhiên, các nhà thầu trong nước vẫn có thể giành được các hợp đồng thầu phụ.
Yuanta đánh giá CTCP Xây dựng Coteccons (CTD ), CTCP Fecon (FCN ), CTCP Tập đoàn Cienco4 (C4G ), Tổng Công ty Xây dựng Số 1 (CC1 ), Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG ), và CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV ) có nhiều khả năng sẽ trúng các hợp đồng thầu phụ.
Ngoài các doanh nghiệp liên quan tới lĩnh vực xây dựng, Yuanta còn cho rằng dự án này cũng giúp nhóm ngân hàng hưởng lợi. Các ngân hàng quy mô lớn, có chi phí vốn thấp nhất và lãi suất cho vay thấp nhất sẽ có thể tham gia cho vay dự án.
Từ cơ sở này, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB ), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID ), và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG ) được Yuanta đánh giá cao.
>>Bộ GTVT: Tốc độ trên đường sắt cao tốc Bắc - Nam phải là 350km/h mới khả thi 
Có dự án gần cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, một doanh nghiệp bất động sản sắp hưởng lợi lớn 
Tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ đáp ứng khoảng 133 triệu hành khách/năm